Singapore xác minh công dân bằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Singapore trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xác minh danh tính công dân.
Ảnh: IzzSo
Ảnh: IzzSo

Mới đây, Singapore đã quyết định sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt như một phần của kế hoạch nhận dạng quốc gia. 

Theo cơ quan công nghệ của chính phủ, chương trình mới này rất cần thiết cho tương lai nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước. Công nghệ sinh trắc học cũng sẽ giúp người dân Singapore truy cập một cách an toàn vào các dịch vụ tư nhân cũng như của chính phủ.

Được biết, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã được Singapore thử nghiệm ở một số ngân hàng và hiện đã được triển khai trên toàn quốc. Công nghệ này không chỉ xác định danh tính của một người mà còn đảm bảo rằng có sự hiện diện thực sự của họ.

“Bạn phải đảm bảo rằng một người nào đó thực sự có mặt khi họ thực hiện xác thực chứ không phải bạn đang nhìn vào một bức ảnh, video, bản ghi âm được phát lại hay một sản phẩm từ công nghệ Deepfake” - Andrew Bud, nhà sáng lập cũng là CEO của công ty an ninh mạng nổi tiếng iProov (Anh), cho biết.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt sẽ được tích hợp với chương trình nhận dạng kỹ thuật số quốc gia SingPass của Singapore, đồng thời cho phép truy cập vào các dịch vụ của chính phủ.

"Đây là lần đầu tiên công nghệ nhận dạng mặt được đưa vào sử dụng để bảo mật danh tính của người trong chương trình nhận dạng kỹ thuật số quy mô quốc gia" - ông Bud nhấn mạnh.

Xác minh hay nhận dạng?


Cả nhận dạng và xác minh khuôn mặt đều phụ thuộc vào việc quét khuôn mặt của đối tượng để xem xét liệu khuôn mặt đó có khớp với một hình ảnh được lưu trong cơ sở dữ liệu hiện có thể xác nhận danh tính của họ.

Điểm khác biệt chính giữa hai khái niệm này chính là việc xác minh cần sự đồng ý từ phía người dùng và đổi lại, người dùng nhận được thứ gì đó, chẳng hạn như quyền truy cập vào điện thoại hoặc các ứng dụng thông minh để truy cập vào tài khoản ngân hàng của họ.

Việc thực hiện chương trình này là một phần trong kế hoạch loại bỏ nhu cầu về thẻ căn cước vào năm 2022 của chính phủ Singapore. (Ảnh: BBC)

Việc thực hiện chương trình này là một phần trong kế hoạch loại bỏ nhu cầu về thẻ căn cước vào năm 2022 của chính phủ Singapore. (Ảnh: BBC)

Ngược lại, công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể hoạt động mà không cần đến sự đồng ý của người dùng. Nó có thể quét khuôn mặt của tất cả mọi người ở những nơi công cộng và cảnh báo cho các nhà chức trách một tên tội phạm bị truy nã đi ngang qua camera.


“Nhận dạng khuôn mặt có tác động tới mọi mặt của xã hội trong khi xác minh khuôn mặt cực kỳ thân thiện” - ông Bud cho biết.

Tuy nhiên, những người ủng hộ quyền riêng tư họ không hoàn toàn đồng ý với lựa chọn này vì cho rằng vấn đề xử lý dữ liệu trắc sinh học vô cùng nhạy cảm.

Ioannis Kouvakas, người phụ trách vấn đề pháp lý của tổ chức Privacy International có trụ sở tại London, cho biết: "Có thể sẽ không còn sự đồng thuận khi có sự mất cân bằng về quyền lực giữa bên kiểm soát và chủ thể dữ liệu, chẳng hạn những lợi ích trong mối quan hệ giữa công dân và chính phủ".

Doanh nghiệp hay chính phủ?


Ở Mỹ và Trung Quốc, các công ty công nghệ đều đã tham gia vào cuộc đua xác minh khuôn mặt.

Ảnh: IB Times
Alipay sử dụng xác minh khuôn mặt cho giải pháp thanh toán "Smile to Pay" ở Trung Quốc. (Ảnh: IB Times)

Chẳng hạn như một loạt ứng dụng ngân hàng tích hợp Face ID của Apple và Face Unlock của Google để xác minh tài khoản. Alibaba của Trung Quốc cũng có ứng dụng Smile to Pay.


Ngoài các doanh nghiệp, nhiều chính phủ cũng đang sử dụng công nghệ xác minh khuôn mặt nhưng chỉ có một số ít xem xét việc gắn công nghệ này với ID quốc gia.

Tuy nhiên, một số quốc gia thậm chí không sử dụng ID quốc gia. Ở Mỹ, hầu hết mọi người sử dụng bằng lái xe như một hình thức nhận dạng chính. Trung Quốc cũng không liên kết xác minh khuôn mặt với ID quốc gia nước này. Tuy nhiên, vào năm ngoái, nước này đã ban hành các quy tắc buộc khách hàng phải quét khuôn mặt khi mua điện thoại di động để có thể kiểm tra với ID được cung cấp.

Dù vậy, xác minh khuôn mặt cũng đã được áp dụng phổ biến ở các sân bay và nhiều cơ quan chính phủ cũng đang sử dụng công nghệ này, bao gồm Bộ Nội vụ Anh và Dịch vụ Y tế Quốc gia, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.

Công nghệ nhận dạng được Singapore sử dụng như thế nào?


Ảnh: Nestia
Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng xác minh khuôn mặt như một phần của chương trình nhận dạng quốc gia. (Ảnh: Nestia)

Công nghệ của Singapore đã được sử dụng đã được sử dụng tại các cây ATM của DBS - một ngân hàng lớn của Singapore cho phép người dùng mở tài khoản ngân hàng trực tuyến và một số văn phòng thuế của nước này.


Nó cũng được sử dụng tại các khu vực an ninh trong các cảng và trường học để đảm bảo rằng học sinh đang nghiêm túc làm bài kiểm tra của chính mình.

Công nghệ này cũng sẽ có sẵn cho các doanh nghiệp Singapore nếu họ đáp ứng được các yêu cầu của chính phủ nước này.

“Chúng tôi sẽ không hạn chế việc triển khai công nghệ xác minh khuôn mặt miễn là nó tuân thủ các yêu cầu của chúng tôi. Và yêu cầu cơ bản là nó được thực hiện với sự đồng ý của chủ thể dữ liệu” - Kwok Quek Sin, Giám đốc cấp cao về nhận dạng kỹ thuật số quốc gia tại Cơ quan công nghệ Chính phủ Singapore (GovTech) - cho biết.

GovTech cho rằng công nghệ này sẽ hữu ích đối với các doanh nghiệp, vì họ có thể sử dụng nó mà không cần phải mất tiền bạc và công sức xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, ông Kwok cũng cho rằng sẽ tốt hơn cho sự riêng tư bởi các công ty sẽ không cần thu thập bất kỳ dữ liệu sinh trắc nào.

Chính phủ Singapore cho biết lợi ích chính của công nghệ mới này là nó sẽ chấm dứt mọi quyền kiểm soát của các tập đoàn tư nhân đối với dữ liệu nhạy cảm.

Theo BBC