"Scholzomat", người có thể trở thành tân Thủ tướng Đức, là ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Olaf Scholz, người được cho là có khả năng cao kế vị Thủ tướng Đức Angela Merkel, thường được mô tả là một người nhàm chán.
Ông Olaf Scholz, người có khả năng sẽ trở thành Thủ tướng Đức thay bà Angela Merkel (Ảnh: Reuters)
Ông Olaf Scholz, người có khả năng sẽ trở thành Thủ tướng Đức thay bà Angela Merkel (Ảnh: Reuters)

Có biệt danh là “Scholzomat” vì kiểu nói không khác gì robot của mình, ông SCholz là một trong số những chính trị gia có tầm ảnh hưởng cao nhất nhì ở nước Đức, vốn nổi tiếng là người tỉ mỉ đến từng chi tiết, tự tin và cực kỳ tham vọng.

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz đã về đích ở vị trí số 1 trong kỳ bầu cử tổ chức hồi cuối tuần qua ở Đức, chỉ nhỉnh hơn đảng của Thủ tướng Merkel đôi chút. SPD hiện đặt mục tiêu liên minh với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) để lần đầu tiên dẫn dắt một chính phủ kể từ năm 2005.

Một lựa chọn khác của họ chính là tạo thế đa số trong Quốc hội, cũng giống như “liên minh lớn” của Thủ tướng Merkel, giữa CDU/CSU và SPD. Đó là khối liên minh đã vận hành nước Đức trong suốt 12 năm trong tổng số 16 năm tại nhiệm của bà Merkel, mặc dù lần này “liên minh lớn” lại nằm dưới sự lãnh đạo của ông Scholz trong khi CDU/CSU của bà Merkel chỉ là đối tác. Tuy nhiên, liên minh này thường xuyên xảy ra bất đồng.

“Theo tôi thì chúng ta sẽ sớm có được một kết quả về chính phủ mới, có khả năng là trước Giáng sinh nếu được” – ông Scholz nói với các phóng viên tại thủ đô Berlin hôm đầu tuần này – “Đức luôn luôn có các chính phủ liên minh, và nó luôn ổn định”.

Bà Merkel, vốn không muốn có thêm một nhiệm kỳ thứ 5, sẽ đảm nhiệm vị trí Thủ tướng tạm quyền trong lúc các cuộc đàm phán liên minh diễn ra giữa các đảng phái, quyết định tương lai của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Từng là Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng dưới thời chính quyền Angela Merkel, ông Scholz có mối quan hệ gần gũi với bà Merkel và từng tìm cách tự đặt mình vào vị trí ứng viên thay thế bà, mặc dù xuất thân từ một đảng khác.

Mới đây, trong một bức ảnh đăng tải trên trang bìa tạp chí Sueddeutsche Zeitung, ông Scholz được trông thấy đang bắt chước kiểu đan tay hình thoi có tên “rhombus” thường thấy ở Thủ tướng Merkel.

Trong khoảng thời gian làm Bộ trưởng Tài chính, ông Scholz đã tạo dựng được danh tiếng của mình. Bất chấp việc chấp nhận đình chỉ chính sách “phanh nợ” của Đức để giảm bớt những hiệu ứng hủy diệt của đại dịch COVID-19, nhưng ông khẳng định sẽ đưa chính sách này trở lại vào năm 2023. “Tất cả những điều này thật đắt giá, nhưng không làm gì thì còn phải trả giá nhiều hơn”, ông nói.

Cách tiếp cận đầy cảnh giác của ông Scholz vào thời điểm đó đã giúp ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong đảng SPD, và vượt xa 2 ứng viên khác trong cuộc bỏ phiếu năm 2019 để trở thành lãnh đạo đảng này. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông lại tách rời khỏi các chính sách nổi bật của SPD, trong khi ủng hộ một kế hoạch đánh thuế tài sản và tăng lương tối thiểu.

Ông Scholz thưởng thức một cốc bia sau vòng tranh luận trên truyền hình ở Berlin, ngày 12/9 (Ảnh: EPA)

Ông Scholz thưởng thức một cốc bia sau vòng tranh luận trên truyền hình ở Berlin, ngày 12/9 (Ảnh: EPA)

Dù nắm trong tay nền tài chính của cả nước Đức, nhưng ông Scholz lại nổi tiếng là người hào phóng, đặc biệt là khi ông còn là Thị trưởng Hamburg trong khoảng 2011 – 2018, khi ông bỏ tiền giải cứu phòng hòa nhạc Elbphilharmonie vốn bị vượt chi ngân sách xây dựng. Phương châm của ông Scholz là “Tôi chỉ phân phát thứ mà tôi có”.

Sinh trưởng ở thành phố Osnabrueck, miền Bắc nước Đức, ông Scholz gia nhập SPD từ khi còn ở tuổi thiếu niên. Ông bị quyến rũ bởi những ý tưởng thiên về cánh tả của đảng này, nhưng rồi lại có xu hướng thiên về chủ trương ôn hòa hơn.

Sau khi lấy bằng luật sư chuyên về các vấn đề lao động, ông Scholz được bầu vào Quốc hội Đức năm 1998. Ông kết hôn với một chính trị gia cũng ở trong đảng SPD, Britta Ernst, cùng năm đó.

Khoảng thời gian 2002 – 2004, ông giữ chức tổng thư ký của SPD và cũng chính là thời điểm mà ông được người ta đặt cho biệt danh là “robot” vì kiểu nói khô khan và không ngừng nghỉ khi bảo vệ các cuộc cải cách của thần tượng của ông – cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder.

Khi giữ chức Bộ trưởng Lao động trong chính phủ liên minh đầu tiên của bà Merkel, từ 2007 – 2009, ông Scholz là người đã giúp đảo ngược ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính bằng cách thuyết phục các công ty Đức cắt giảm giờ làm cho nhân viên, trong khi chính phủ hỗ trợ tiền lương – một chính sách được áp dụng lại trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Bản thân ông Scholz từng thừa nhận rằng ông “không phải một người đặc biệt dễ cảm động trong lúc làm chính trị”. Và chính phong thái bình ổn, có phần lạnh lùng, của ông đã giúp ông vượt qua được những thời khắc đầy biến động trong khoảng thời gian làm Bộ trưởng Tài chính – bao gồm cả vụ lừa đảo khiến công ty fintech Wirecard sụp đổ.