SBIC đã tái cơ cấu được 82% số doanh nghiệp

Sau 5 năm tái cơ cấu, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin, nay là Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC), đã có 225 trong tổng số 272 doanh nghiệp được tái cơ cấu.
SBIC tích cực sửa chữa tàu cũ để tăng doanh thu - Ảnh:TL
SBIC tích cực sửa chữa tàu cũ để tăng doanh thu - Ảnh:TL

Số doanh nghiệp nói trên tương đương 82,7% tổng số doanh nghiệp của SBIC, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên của SBIC, nói tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của doanh nghiệp này tổ chức tại Hà Nội hôm nay 26-1.

Như vậy, SBIC còn lại 47 doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục tái cơ cấu trong năm 2016.

Tái cơ cấu SBIC được thực hiện ròng rã suốt năm 5 qua dưới các hình thức sáp nhập, giải thể, phá sản.

Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiên tái cơ cấu hoặc chưa cổ phần hóa được do công nợ quá lớn và xét về thực tế đã phá sản rất lâu do âm vốn chủ sở hữu nặng, đến 2.600 tỉ đồng như Công ty đóng tàu Hạ Long.

Hiện nay, SBIC chỉ còn giữ lại 8 doanh nghiệp thuộc ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là đóng tàu.

Năm 2015, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của SBIC đã phục hồi hơn với doanh thu 5.900 tỉ đồng và lợi nhuận thuần đạt 1.000 tỉ. Nếu chỉ tính trên 8 công ty được SBIC giữ lại thì năm 2015, các doanh nghiệp đều vượt kế hoạch về giá trị sản xuất, doanh thu và lợi nhuận.

Song năm 2016, SBIC vẫn đứng trước gánh nặng phải tiếp tục tái cơ cấu nợ. Năm nay, SBIC đến hạn phải trả khoản nợ gốc 750 triệu đô la Mỹ được Chính phủ cho vay lại năm 2010, tiếp tục tái cơ cấu nguồn trái phiếu quốc tế phát hành năm 2015. Ngoài ra, tổng công ty còn phải tái cơ cấu nợ trong nước đợt một giai đoạn 2 còn khoảng 7.000 tỉ đồng.

Do SBIC chưa trả được các khoản nợ nói trên, nên Chính phủ đã phải cho phép phát hành trái phiếu quốc tế và trái phiếu trong nước có bảo lãnh với thời hạn 10 năm, giúp giảm trừ 70% giá trị nợ gốc.

Theo TBKTSG