Ngày 1/4/2020, CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã CK: ROS) đã gửi công văn cho CTCP Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC (Mã CK: GAB) đề xuất chủ trương sáp nhập ROS và GAB theo kế hoạch của Hội đồng quản trị (HĐQT).
Đề xuất này được đưa ra trong cuộc họp của HĐQT FLC Faros diễn ra cùng ngày. Cụ thể, HĐQT FLC Faros đã tiến hành họp bàn về các vấn đề liên quan tới thay đổi kế hoạch kinh doanh ngắn hạn và dài hạn trong giai đoạn 2020 - 2025, tái cơ cấu lại ngành, nghề kinh doanh chủ yếu và sắp xếp lại một các toàn diện hoạt động kinh doanh của công ty.
“Hội đồng quản trị đã nhận định việc sáp nhập Công ty FLC Faros vào CTCP Đầu tư Khai khoáng & Quản lý tài sản FLC (GAB - PV) sẽ giải quyết được các vấn đề nêu trên một cách toàn diện nhất” - văn bản được ký bởi ông Nguyễn Thiện Phú (Tổng Giám đốc - Thành viên HĐQT FLC Faros) cho biết.
Vì vậy, HĐQT FLC Faros đã quyết định trình Đại hội đồng thông qua chủ trương sáp nhập vào GAB.
Chưa rõ “các vấn đề liên quan tới thay đổi kế hoạch kinh doanh” của FLC Faros cụ thể là những vấn đề gì. Chỉ biết rằng, trong báo cáo thường niên năm 2019 với tựa đề “đổi mới để mạnh mẽ - đổi mới để đón đầu”, Tổng Giám đốc FLC Faros Nguyễn Thiện Phú cho biết công ty chưa đạt được kết quả kinh doanh như mong muốn.
Cụ thể, tổng doanh thu cả năm 2019 của công ty dù đạt 5.029,35 tỷ đồng (125,73% kế hoạch) nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 177,51 tỷ đồng (tương đương 55,47% kế hoạch).
“Lợi nhuận còn thấp do một số chi phí phải ghi nhận ngay vào trong năm khi mà doanh thu chưa được ghi nhận theo quy định” - vị CEO FLC Faros cho biết. Các định hướng và kế hoạch kinh doanh năm 2020 trong báo cáo thường niên gần nhất của FLC Faros không đề cập tới việc sáp nhập với GAB.
Nên biết, ông Nguyễn Thiện Phú là Phó TGĐ của CTCP Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) và là Thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC (tên cũ: CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD - Mã CK: AMD).
Chủ tịch Tập đoàn FLC - ông Trịnh Văn Quyết - cũng đảm nhiệm vai trò tương tự tại FLC Faros. Bản thân ông Trịnh Văn Quyết, tính đến cuối năm 2019, cũng trực tiếp sở hữu tới 291,2 triệu cổ phần FLC Faros, tương đương tỷ lệ sở hữu 51,3%.
Trước FLC Faros, đầu tháng 3/2020, HĐQT AMD cũng đã ban hành nghị quyết về việc thông qua chủ trương sáp nhập vào GAB.
Theo đó, HĐQT AMD giao Ban Tổng Giám đốc công ty triển khai tổ chức thẩm định giá, lập phương án chi tiết về việc sáp nhập, đàm phán với các bên liên quan để chuẩn bị dự thảo Hợp đồng sáp nhập và chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ và tài liệu có liên quan khác báo cáo HĐQT để trình ĐHĐCĐ phê duyệt tại kỳ họp thường niên năm 2020 sắp tới.
Được biết, GAB tiền thân là CTCP Gạch Tuynel FLC, quy mô vốn ban đầu là 50 tỷ đồng (FLC góp 80% vốn), chuyên sản xuất và kinh doanh gạch. Sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán, GAB liên tục có những chuyển biến đáng chú ý.
Tại phiên họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 (ngày 3/2), các cổ đông của GAB đã thông qua việc chào bán hơn 55,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thực hiện chào bán thành công, quy mô vốn điều lệ của GAB dự kiến sẽ tăng mạnh từ mức 138 tỷ đồng lên 690 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cổ đông cũng thông qua việc bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh, mở rộng hoạt động của GAB sang một số lĩnh vực đáng chú ý như: vận tải hàng không, điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo, quản lý tài sản, nghỉ dưỡng, du lịch, kinh doanh bất động sản và dịch vụ bất động sản.
Đáng chú ý, tính đến cuối năm 2019, Chủ tịch HĐQT GAB - ông Trần Thế Anh - nắm giữ 1 triệu cổ phiếu GAB, tương đương tỷ lệ sở hữu 7,2%. Ông Trần Thế Anh cũng là Phó Tổng Giám đốc FLC - cổ đông lớn sở hữu 8,99% vốn của GAB.
Mặt khác, cả FLC Faros và AMD đều có quy mô vốn điều lệ gấp nhiều lần GAB, lần lượt ở mức 5.675,9 tỷ đồng và 1.635 tỷ đồng. Tính theo giá đóng cửa ngày 1/4/2020 thị giá cổ phiếu GAB ở mức 131.000 đồng/cp, trong khi ROS ở mức 3.489 đồng/cp, AMD là 2.930 đồng/cp./.