Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm của VietinBank ngày 9/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Minh Hưng cho biết, ngành ngân hàng sắp có hành lang pháp lý rõ ràng để thực hiện việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các ngân hàng. Cụ thể, NHNN đang tập trung xây dựng Luật hỗ trợ, tái cơ cấu các ngân hàng và xử lý nợ xấu.
Theo dự thảo của Luật, vấn đề thao túng hệ thống ngân hàng bằng hình thức sở hữu chéo sẽ được quy định rất rõ ràng trong Luật này. Những trường hợp sở hữu cổ phần, cổ phiếu để thao túng, dùng phục vụ lợi ích cho các công ty sân sau sẽ có các quy định chặt chẽ và rõ ràng.
“Các cá nhân mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh được nguồn thu nhập đó hợp pháp hợp lệ, không được sử dụng vốn vay dưới bất cứ hình thức nào. Cá nhân nào vi phạm các quy định thì vĩnh viễn không được tham gia quản trị điều hành ngân hàng” – Người đứng đầu NHNN nhấn mạnh.
Cùng với việc luật hóa các quy định hỗ trợ việc các ngân hàng xử lý nợ xấu, tái cơ cấu, vấn đề xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng cũng được làm rõ.
Theo ông Hưng, điểm then chốt của xử lý nợ xấu ngân hàng là việc xử lý tài sản đảm bảo, nên việc này cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo hướng bảo vệ quyền lợi của các người cho vay là các ngân hàng. Hiện NHNN sau khi báo cáo Chính phủ đã đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Toàn án nhân dân các cấp xử lý những tồn tại vướng mắc để thực hiện quy định liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo một cách thống nhất.
Người đứng đầu ngành ngân hàng nhận định, định hướng năm 2017 là phải chặt chẽ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tín dụng hệ thống. Cần đánh giá chất lượng tín dụng của những doanh nghiệp lớn. Như vậy mới thấy được thực trạng và năng lực tài chính của ngân hàng.
Trước đó, đầu tháng 12 năm ngoái, NHNN đã tổ chức Hội thảo “Quyền xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của tổ chức tín dụng” nhằm góp phần nâng cao nhận thức chung về quyền xử lý TSBĐ với vai trò là bên nhận bảo đảm, cũng như phản ánh các bất cập, khó khăn, vướng mắc của Tổ chức tín dụng (TCTD) trong quá trình xử lý TSBĐ.
Hiện tại, Tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm bằng TSBĐ chiếm trên 90% tổng nợ xấu. Tuy nhiên, khâu xử lý TSBĐ của các TCTD gặp nhiều vướng mắc đã tác động đến tốc độ xử lý nợ xấu. Tham luận của các diễn giả tại Hội thảo cho thấy, hiện vẫn còn thiếu các quy định pháp luật; nhiều quy định về xử lý TSBĐ không phù hợp, không đồng bộ, mâu thuẫn; thực tiễn áp dụng và thực thi các quy định pháp luật chưa đúng của cơ quan liên quan thi hành pháp luật gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến quá trình xử lý TSBĐ. Việc ra đời Luật hỗ trợ, tái cơ cấu các ngân hàng và xử lý nợ xấu với hy vọng sẽ xử lý triệt để những vấn đề nêu trên đồng thời là hành lang pháp lý rõ ràng để thực hiện việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các ngân hàng.