Sân bay Đà Nẵng sẽ có hầm chui qua và 3 cầu vượt nhiều tầng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Phân khu sân bay Đà Nẵng sẽ có diện tích 1.326,7ha, là khu vực có chức năng chuyên biệt, đầu mối giao thông quan trọng của Đà Nẵng, gắn với phát triển đô thị sân bay.

Toàn cảnh sân bay quốc tế Đà Nẵng nhìn từ trên cao
Toàn cảnh sân bay quốc tế Đà Nẵng nhìn từ trên cao

Theo quy hoạch được phê duyệt, phân khu sân bay quốc tế Đà Nẵng có diện tích khoảng 1.326,7ha, được xây dựng thành khu vực đô thị và khu vực cảng hàng không quốc tế, trong đó có hầm chui qua sân bay và cầu vượt nhiều tầng.

Về địa giới, phân khu sân bay được quy hoạch thuộc phường Hòa Cường Bắc, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu; phường Thạc Gián, phường Chính Gián, phường Hòa Khê, phường An Khê, phường Thanh Khê Đông, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê; phường Khuê Trung, phường Hòa phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.

Ranh giới lập quy hoạch phía Đông giáp đường Nguyễn Tri Phương và đường Nguyễn Hữu Thọ; phía Tây giáp đường Trường Chinh; phía Bắc giáp đường Điện Biên Phủ; phía Nam giáp đường Cách mạng Tháng Tám.

Theo quy hoạch phê duyệt, về tính chất, phân khu sân bay là khu vực có chức năng chuyên biệt, là đầu mối giao thông quan trọng của Đà Nẵng, gắn với phát triển đô thị sân bay cùng quy mô dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 77.000 người. Trong đó, dân số thường trú khoảng 70.000 người; dân số quy đổi khoảng 7.000 người.

Phân khu sân bay được quy hoạch thành 2 khu vực chính gồm: Khu vực xây dựng đô thị và khu vực cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Các khu vực tổ chức thành 4 cụm khu vực phát triển với 4 đơn vị ở.

Trong đó, khu vực cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (cụm khu vực phát triển 1) được định hướng phát triển theo đồ án Quy hoạch điều chỉnh cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Khu vực xây dựng đô thị sẽ được tổ chức thành 3 cụm khu vực phát triển gồm: 4 đơn vị ở với diện dân số 77.000 người (trong đó dân số vãng lai là 7.000 người). Các cụm khu vực phát triển gồm: Cụm khu vực phát triển 2 và đơn vị ở ĐVO-02, diện tích: 89,46ha và dân số 18.3000 người; cụm khu vực phát triển 3 gồm: Đơn vị ở ĐVO-01, diện tích 140,20ha, dân số 19.500 người; cụm khu vực phát triển 4 gồm: Đơn vị ở ĐVO-03, diện tích 85,62ha, dân số 19.400 người và đơn vị ở ĐVO-04, diện tích 163,30ha, dân số 19.800 người.

vt-san-bay-da-nang-2-8029.png
Một góc nhà ga quốc tế T2, sân bay Đà Nẵng

Bên cạnh đó, quy hoạch phân khu sân bay Đà Nẵng sẽ ưu tiên thực hiện một số dự án ở các hạng mục: Dự án khu vực phát triển đô thị; hạ tầng xã hội; hạ tầng kỹ thuật.

Cụ thể, khu vực phát triển đô thị gồm 4 dự án: Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; cải tạo chỉnh trang các khu dân cư cũ; dự án nâng cấp, cải tạo và chỉnh trang khu dân cư phía Bắc sân bay có diện tích 20ha; dự án nâng cấp, cải tạo và chỉnh trang phía Nam sân bay (quận Cẩm Lệ).

Hạ tầng xã hội gồm: 3 dự án giáo dục (1 trường THPT tại phường An Khê, quận Thanh Khê; các trường tiểu học, THCS tại phường Hòa Khê và phường An Khê, quận Thanh Khê; các trường mẫu giáo tại các các phường trên địa bàn phân khu sân bay); 1 dự án y tế (đầu tư nâng cấp các trạm y tế tại các phường trong khu vực); 2 dự án Văn hóa – Thể dục thể thao (dự án đầu tư, nâng cấp các nhà sinh hoạt cộng đồng tại các khu dân cư và đầu tư các khu thể dục thể thao trong khu dân cư); 2 dự án công viên, cây xanh (công viên TDTT Nam sân bay đường Lê Đại Hành và các công viên, vườn hoa, tiểu hoa viên trong các khu dân cư).

Đặc biệt, phân khu sân bay được đầu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, quy hoạch phê duyệt có đường hầm sân bay; xây dựng 3 cầu vượt khác mức tại các nút giao thông (nút Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Tri Phương; nút Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Hữu Thọ; nút Lê Trọng Tấn – Trường Chinh); các cầu vượt cho người đi bộ; các bãi xe nổi và ngầm trong phạm vi quy hoạch; đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng các kiệt hẻm trong khu dân cư; mở rộng một số tuyến đường (đường Nguyễn Phi Khanh, Đặng Thùy Trâm); đầu tư các tuyến đường sắt MRT, LRT và trạm trung chuyển, depot chuẩn bị kỹ thuật.

Theo quy hoạch, quỹ đất cho các công trình hạ tầng xã hội và cây xanh trong các đơn vị ở được quy hoạch theo hướng tăng dần để tiệm cận với các chỉ tiêu của khu vực phát triển mới. Các khu đất của Đà Nẵng cho thuê đất khi hết thời hạn thuê được ưu tiên quy hoạch bổ sung hạ tầng xã hội, cây xanh, bãi đỗ xe.

Tăng cường phát triển cây xanh đối với các cơ sở giáo dục, các trụ sở hay khu hành chính công, khu y tế, bệnh viện, bảo tàng... Phát triển, khuyến khích mảng xanh mái nhà, mảng xanh theo chiều đứng công trình để tăng cường diện tích xanh đô thị. Các dự án trong đơn vị ở khi triển khai quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phải đề xuất bổ sung cây xanh, không gian mở và đảm bảo mọi người dân được tiếp cận, sử dụng.

Quy hoạch cũng đề cập đến không gian mở được thiết kế trên nguyên tắc khai thác, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, hài hòa với không gian kiến trúc công trình và phù hợp với chức năng sử dụng đất. Trong đó, điểm nhấn của không gian mở là cửa ngõ Cảng hàng không quốc tế - điểm tiếp cận chính vào TP Đà Nẵng bằng đường hàng không.

Quy hoạch chung không xác định công trình điểm nhấn đô thị tại khu vực phân khu sân bay. Để định hướng, tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, tạo nét đặc trưng và nhận diện cho khu vực lập quy hoạch, xác định các điểm nhấn là các khu vực gồm: Nhà ga Cảng hàng không quốc tế được định hướng là công trình kiến trúc độc đáo, mang tính biểu tượng, là cửa ngõ từ đường hàng không vào TP Đà Nẵng; các không gian xanh, mặt nước như công viên kết hợp thể dục thể thao Nam sân bay, công viên Hòa Thọ, chuỗi công viên kênh Phần Lăng kết hợp trung tâm thể dục thao Thanh Khê, chuỗi công viên hồ điều tiết Cẩm Lệ.