Hiện thực hoá đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực
Theo đề cương dự thảo Nghị quyết, các nội dung của chính sách được xây dựng theo 2 nhóm cơ chế gồm: Nhóm chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị của TP Đà Nẵng (8 chính sách) và nhóm các chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng (26 chính sách).
Nhóm chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị của TP Đà Nẵng gồm: Chính sách tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng; chính sách quy định thẩm quyền của HĐND TP; chính sách hoàn thiện cơ cấu tổ chức của HĐND TP Đà Nẵng theo hướng tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; chính sách về tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; chính sách về thực hiện thống nhất, liên thông một chế độ công vụ đối với cán bộ phường và cán bộ, công chức xã; chính sách về thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Đà Nẵng; chính sách về thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, HĐND phường quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành; chính sách về việc bãi bỏ văn bản của HĐND quận, phường và UBND phường ban hành trước ngày 1/7/2021.
Trong nhóm 26 chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng được đề xuất thực hiện thí điểm có 4 chính sách về quản lý đầu tư; 5 chính sách về tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, hải quan; 6 chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường; 1 chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược; 8 chính sách về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; 2 chính sách về tiền lương, thu nhập.
Đáng chú ý trong nhóm các chính sách đặc thù, Bộ KH&ĐT đề xuất tạo cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng về lựa chọn phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thí điểm thực hiện, từ đó làm tiền đề, tạo động lực cũng như hành lang pháp lý cho việc thực hiện các dự án công trình ngầm khác của cả nước. Đồng thời, giúp địa phương sớm tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cũng như giải quyết được việc sắp xếp, xử lý các khu đất công có trong ranh dự án theo quy định về Luật quản lý, sử dụng tài sản công đối với các khu đất công, tránh để khu đất thực hiện dự án bị hoang hóa, lãng phí hoặc quy hoạch treo ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân tại các khu vực này.
Ngoài ra, dự thảo cho Đà Nẵng thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công nhằm tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, nhanh chóng, thực hiện đồng thời với các bước khác, đẩy nhanh thời gian hoàn thiện dự án, giảm chi phí giải phóng mặt bằng và hạn chế việc phải điều chỉnh dự án… giúp dự án sớm đi vào hoạt động, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, dự thảo đề xuất thí điểm thành lập khu thương mại tự do tại TP Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu với một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển đột phá cho TP Đà Nẵng.
Chính sách nhằm thiết lập nên một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, khai thác tối ưu tiềm năng, vai trò của cảng biển Liên Chiểu đối với cả nước và khu vực; đa dạng hóa các hoạt động thương mại, du lịch gắn với vai trò trung tâm của TP Đà Nẵng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Bộ KH&ĐT, khu thương mại tự do TP Đà Nẵng là khu chức năng thực hiện các hoạt động chế xuất, logistics, thương mại - dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế; là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư và được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển đột phá cho TP Đà Nẵng kể từ thời điểm Khu thương mại tự do TP Đà Nẵng được thành lập.
Thí điểm thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP Đà Nẵng nhằm tận dụng ngay các lợi thế hiện tại của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đối với khu vực và thế giới nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư của các thị trường tài chính truyền thống, vừa triển khai vừa nghiên cứu để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế, tạo ra động lực mới cho quá trình chuyển dịch nhanh cơ cấu dịch vụ giá trị gia tăng cao của TP Đà Nẵng theo mục tiêu quy hoạch.
Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Đà Nẵng hoạt động theo mô hình trung tâm tài chính hải ngoại, là một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh cao, các nhà đầu tư đều được xem là doanh nghiệp nước ngoài. HĐND TP quyết định việc cho phép TP Đà Nẵng là địa bàn được thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính.
Mô hình trung tâm tài chính hải ngoại nhằm thiết lập một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh, có tính gắn kết yếu với các thị trường tài chính trong nước còn đang trong lộ trình tự do hóa tài khoản vốn… Qua đó, dần hướng đến việc hình thành một trung tâm tài chính quốc tế hoàn chỉnh, tạo cơ hội kiến tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Ưu tiên chính sách về công nghệ cao, vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo
Trong 26 chính sách đặc thù, dự thảo dành hơn 30% chính sách đặc thù dành riêng cho lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Riêng đối với các lĩnh vực công nghệ cao, tự động hóa, Đà Nẵng muốn có cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư chiến lược vào địa phương nhằm nắm bắt xu hướng dịch chuyển ngành công nghiệp này.
Đây là cơ chế vượt trội trong việc lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực mà Đà Nẵng có ưu thế, phù hợp với xu hướng thời đại, có tác động lớn, lan tỏa đến kinh tế của TP, vùng miền Trung - Tây nguyên và cả nước.
Trong đó, danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP Đà Nẵng gồm: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và gắn với đào tạo, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, có quy mô vốn đầu tư từ 2.000 tỉ đồng trở lên;
Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghệ chip bán dẫn, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, các lĩnh vực công nghệ cao khác, có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỉ đồng trở lên;
Đầu tư xây dựng và kinh doanh phân khu thương mại, khu dịch vụ y tế, khu dịch vụ giáo dục và dịch vụ bổ trợ khác tại Khu đô thị Sườn đồi, quy mô vốn trên 6.000 tỉ đồng; đầu tư xây dựng và kinh doanh Phân khu sản xuất - logistics gắn với cảng biển Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với quy mô vốn trên 6.000 tỉ đồng; đầu tư xây dựng tổ hợp dịch vụ hậu cần cảng biển (có thể kết hợp đầu tư các khu công nghiệp sinh thái) có quy mô vốn trên 6.000 tỉ đồng; đầu tư xây dựng và kinh doanh khu Tổ hợp công viên chuyên đề vui chơi giải trí có quy mô đầu tư từ 8.000 tỉ đồng trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng biển Liên Chiểu theo quy hoạch vốn đầu tư từ 50.000 tỉ đồng trở lên.
Theo Bộ KH&ĐT, các chính sách này được triển khai sẽ tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách Đà Nẵng, góp phần nhanh chóng tăng tổng sản phẩm GRDP hàng năm của địa phương. Qua đó, giúp nền kinh tế Đà Nẵng có sự đa dạng và thay đổi về chất, tạo động lực cho việc phát triển kinh tế của cả thành phố. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn vốn đầu tư khác cũng sẽ không ngừng tăng lên, tạo điều kiện cho địa phương có nguồn vốn đầu tư về cơ sở hạ tầng cứng và mềm, tạo ra một diện mạo mới.
Nhất là chính sách sẽ hình thành được các trụ cột kinh tế mới cho Đà Nẵng gồm: Cảng biển gắn với logistics, khu thương mại tự do, khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, sản xuất công nghiệp công nghệ cao sẽ tác động lan tỏa cả về mặt trực tiếp và gián tiếp đến nền nền kinh tế, văn hóa xã hội và tạo ổn định chính trị.
Đáng chú ý nhất, chính sách thí điểm về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng theo hướng giao HĐND TP quyết định cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo thông qua các chương trình hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo với mức hỗ trợ phù hợp và tuyển dụng, thu hút chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong cơ quan, đơn vị nhà nước thuộc TP Đà Nẵng về lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
HĐND TP được xem xét, quyết định việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển tài sản kết cấu hạ tầng thông tin đối với Khu CNTT tập trung, Công viên phần mềm Đà Nẵng phục vụ thu hút, phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo từ nguồn ngân sách TP Đà Nẵng. Với chính sách này, Đà Nẵng được sử dụng tài sản công là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin để thu hút nhà đầu tư về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Được phép phê duyệt phương án khai thác, vận hành tài sản công đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác cho nghiên cứu, đào tạo vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo để kinh doanh, cho thuê và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân. Chính sách này được triển khai sẽ tạo động lực để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đến đầu tư, kinh doanh tại TP; tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn để đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của TP, qua đó góp phần định hình và thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau.
Với những chính sách thí điểm mang tính đột phá, đặc thù, Bộ KH&ĐT và Đà Nẵng kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho Đà Nẵng trong giai đoạn đến, góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển Đà Nẵng thành cực tăng trưởng lớn của khu vực theo Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.