Tìm hiểu về nghề làm ảnh, chụp ảnh với máy phim đen trắng từ khi còn là nam sinh trung học, tới nay ông Nguyễn Thanh Liêm đã gắn bó với chiếc máy ảnh hơn 40 năm.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Liêm- Biệt danh Ma Rừng |
Tuy nhiên, phần lớn thời gian trong quãng đời đó, ông cất máy để làm kinh tế gia đình và đi ... trồng rừng. Nguyễn Thanh Liêm từng lội rừng dọc Trường Sơn, am hiểu đại ngàn và nghiện trồng cây gây rừng tới mức được bạn bè, đồng nghiệp quen gọi bằng biệt danh độc đáo: “Ma Rừng”.
Ma Rừng Lữ Quán thơ mộng với những túp nhà tím biếc giữa rừng hoa |
Chàng Ma Rừng này đã trồng cả vạn cây thông ba lá bản địa cho dự án phủ xanh đất trống đồi trọc 138 hecta đất rừng ở xã Lát, huyện Lạc Dương; Trồng dặm hàng nghìn cây mai anh đào, phượng tím dọc cung đường Suối Vàng; Tỉ mỉ chăm chút hoa lá cảnh quan để biến nông trại rộng hơn 1 hecta tại thôn Đa Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, cách trung tâm Đà Lạt hơn 20km, thành Ma Rừng Lữ Quán- một trong những khu du lịch sinh thái tươi đẹp nhất tỉnh Lâm Đồng.
" Khúc hát thanh xuân" -Ma Rừng chụp Bạc Má Bụng Vàng tại Ma Rừng Lữ Quán |
" Sắc màu thiên nhiên" - Chim Hút Mật Bụng Vàng |
Mãi tới khi hạ được gánh nặng cơm áo, hơn một năm nay ông mới chính thức trở lại với đam mê nhiếp ảnh. Là thành viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, thỉnh thoảng cộng tác ảnh nghệ thuật hoặc phóng sự cho các báo, nhưng Ma Rừng ít sinh hoạt hội hè, chỉ thích sống giữa rừng xanh núi thẳm.
Mi Langbian, chim Đặc Hữu Cao Nguyên Lâm Viên; cấp bảo tồn Nguy cấp |
Gõ Kiến Bụng Hung |
Nhìn Ma Rừng hầm hố vác cái máy to oành, nặng trĩu vẫn trèo nhanh thoăn thoắt trên cây, khó tin đó là chuyển động ở tuổi lục tuần. “Mình đang dùng cái body Nikon D6 kèm lens 500mm FL-F4. Hầu hết anh em săn ảnh chim đều đang sử dụng những thiết bị tốt nhất trên thị trường.”- Ma Rừng chia sẻ.
Ma Rừng phơi nắng trên cây cả buổi chỉ để chụp được 1 khoảnh khắc đẹp |
Ngay tại Ma Rừng Lữ Quán, ông cũng chụp được khá nhiều ảnh chim đẹp. Tuy nhiên, ông vẫn lặn lội về tận Tràm Chim Tam Nông-Đồng Tháp, rồi qua Đắk Lắk “phục kích” nhiều chuyến dài ngày trong Vườn Quốc gia Yok Đôn săn ảnh các loài chim quý hiếm khác.
Phút thăng hoa ngọt ngào của Cắt Nhỏ Bụng Hung |
Dáng bay tuyệt đẹp của Gõ Kiến Xanh Hông Đỏ |
Có chuyến Ma Rừng đi-về hơn 1.000km chỉ để ghi lại cảm xúc mùa yêu của loài chim Vàng anh đầu đen. Có đêm ông bước liêu xiêu ma mị dưới ánh trăng non giữa rừng khộp nguyên sinh, rồi vỡ òa hạnh phúc khi gặp cái “nhà trẻ trên cây” cực kỳ đáng yêu với những đôi mắt cú vọ bắt đèn tròn xoe vàng óng.
Vàng Anh Đầu Đen mẹ mớm mồi cho con |
" Nhà trẻ trên cây"- Tổ ấm đáng yêu của đàn Cú Vọ |
Ma Rừng hài hước kể chuyện 10 năm trồng rừng. Một lần sơ xuất té xuống vực, gẫy tay dập xương sườn, trẹo xương đòn, phải đi cấp cứu. Một lần nước lũ cuốn trôi ô tô khoảng 100m, người bơi thoát thân, xe vất lại đó, mấy ngày sau mới kéo về đại tu...Hi hi... Coi như cơ hội rèn luyện thêm nhiều kỹ năng bổ ích sinh tồn.
Từ góc chụp này, mới thấy rõ cổ chân Diều Đầu Nâu vẫn còn khoen xích sắt |
Còn chụp chim. Có lần vào rừng xã Tu Tra, vén cây lủi trong bụi để chụp con Diều Hâu trên cành khô, gặp ngay tổ ong to hơn cái thùng. Vất máy chạy bằng tốc độ tên lửa, va vào cây té lăn ra thở không được phải cố rú lên để hít hơi vào.
Dung mạo dũng mãnh của Dù Dì Phương Đông-họ Cú Mèo, Vườn QG Yok Đôn |
Cổ Rắn còn có tên khác là Điên Điển, tại Tràm Chim Tam Nông-Đồng Tháp |
Nghe tiếng bầy ong rượt tới như giông lốc lúc trời sắp mưa, hoảng quá bật dậy chạy tiếp, tự nhiên thở lại được, ùm xuống suối mới thoát chết... Hú hồn, cũng bị ong đốt cả chục phát vô đầu và cổ. Sau đó phải nhờ đồng bào lên lấy máy giúp.
"Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên"- Riêng cái tên ảnh đã dễ thương |
Nhan sắc huyền bí của chim Hù Lào- có tên trong Sách Đỏ VN |
“ Thật đau lòng khi nghĩ một mai sẽ có những loài xinh đẹp, đáng yêu kia rơi xuống vực tuyệt chủng... Cầu mong nỗ lực nhỏ bé của những cá nhân yêu chim trời như mình sẽ góp phần đánh động tới lương tâm cộng đồng, ngày càng có nhiều người chung tay bảo vệ động vật hoang dã.”- NSNA Nguyễn Thanh Liêm trăn trở.
Phù Thủy Mai Công Tuyết Trinh tháp tùng Ma Rừng Nguyễn Thanh Liêm vào VQG Yok Đôn săn ảnh chim |
Nhiều chuyến đi săn chim gần đây, Ma Rừng có thêm bạn đồng hành, là “Phù Thủy”. Đó là biệt danh của bà Mai Công Tuyết Trinh, do ông chồng quý hóa đặt, vợ vui vẻ nhận ngay. Bà Trinh chia sẻ: Khi chồng trèo cây, bà mượn xe VQG đạp vài chục cây số trong rừng, rồi đọc sách, học tiếng Anh, lo cơm nước. “Đam mê này tốn kém lắm cả tiền của lẫn sức lực, nhưng ý nghĩa rất đẹp, nên tôi ủng hộ và tháp tùng để chăm lo sức khỏe cho anh ấy”.
Khướu Hông Đỏ- Chim đặc hữu của Cao nguyên Lâm Viên |
Gà lôi nước Ấn Độ ở Tràm Chim Tam Nông
|
Ông Phạm Tuấn Linh- Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết: Trong danh mục động vật hoang dã ở Yok Đôn, lớp Chim phong phú nhất, có tới 373 loài. Gần đây, các nghệ sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Tăng A Pẩu và nhiều tay máy gạo cội khác trên cả nước tìm đến chụp ảnh chim rừng, góp phần khuyên nhủ hiệu quả thanh thiếu niên sống quanh Vườn từ bỏ thói quen bắn chim, bẫy thú khiến cán bộ nhân viên Vườn rất mừng và quý mến. Hiện Vườn đang thu xếp kinh phí để in một cuốn sách ảnh chim rừng Yok Đôn, hy vọng được anh Liêm cùng các nghệ sĩ nhiếp ảnh yêu chim hỗ trợ ảnh quý.