Trong hôm Chủ nhật tuần trước, tờ báo hàng đầu nước Mỹ đã đang tải một câu chuyện cảm động về một khu nhà ở dành cho những người bị mất nhà cửa do chiến sự ở Syria, nói rằng quân đội Nga đã thực hiện một cuộc không kích nhằm vào khu vực này hồi tháng 8 vừa qua.
Các phóng viên của NYT sau đó còn nói họ phát hiện ra đòn không kích này được thực hiện bởi không quân Nga sau khi thu được "nhiều bức ảnh và đoạn video do nhân chứng cung cấp", thêm rằng họ nắm trong tay nhiều tài liệu về lịch sử bay cùng các đoạn băng ghi âm buồng lái.
NYT nói rằng các phóng viên của họ "đã bỏ ra nhiều tháng biên dịch và giải mã", nhưng lại không lý giải được làm thế nào mà họ lấy được những dữ liệu thuộc về quân đội Nga.
Phản ứng trước bài viết mà NYT đăng tải, Bộ Quốc phòng Nga đã vạch trần nhiều lỗ hổng trong bài viết này - đáng chú ý nhất trong đó là thực tế rằng các phi công Nga không hề nhận được bất kỳ chỉ thị hay báo cáo nào về nhiệm vụ của họ trong lúc đang bay, bởi vậy mà NYT không thể nào có được đoạn băng ghi âm buồng lái.
"Chúng tôi hết sức phẫn nộ đối với những kẻ đứng đằng sau thông tin giả mạo này. Chúng tôi phải nói lại một lần nữa rằng: Việc phát đi tọa độ (tấn công) cho các phi công máy bay ném bom Nga hay báo cáo về nhiệm vụ không được thực hiện bằng giọng nói khi đang ở trên không" - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov khẳng định.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên quân đội Nga vạch trần thông tin sai lệch xuất hiện trên các tờ báo Mỹ. Tháng 10 năm nay, Bộ Quốc phòng Nga cũng bóc mẽ một tờ báo Mỹ cũng vì đưa tin kiểu này. Bài viết khi đó cáo buộc Nga đánh bom các bệnh viện được Liên hợp quốc bảo vệ, một số trong đó hóa ra là nơi ẩn náu trong núi của các nhóm phiến quân ở tỉnh Idlib, Syria.
Nói về vụ việc "fake news" mới, ông Konashenko đặt nghi vấn về một bằng chứng khác mà NYT đưa ra, gọi nó là "sơ đẳng và không được xác nhận đầy đủ".
Bài viết của NYT dựa trên "một đoạn video thu được từ một nguồn tin ẩn danh, trong đó có cảnh các thành viên của tổ chức Mũ Trắng đang chạy khỏi một số khu nhà được cho là thuộc về một "trại tị nạn"; cùng một số bức ảnh chụp đường chân trời có xuất hiện một máy bay của Nga" - ông Konashenkov nói.
Một đoạn clip dài 7 phút cũng được NYT công bố với mục đích cho thấy cảnh hoang tàn sau đòn không kích mà 2 máy bay Nga thực hiện ở tỉnh Idlib. Đoạn băng này - không theo một trật tự thời gian nhất định - chiếu cảnh 2 địa điểm mà NYT cho là vừa bị đánh bom, với một số tòa nhà bị sụp đổ một phần và nhiều người đang chạy quanh để giúp đỡ những người bị thương; ngoài ra còn có cảnh quay bầu trời với một chấm nhỏ rất mờ được cho là máy bay quân sự.
Tổ chức Mũ Trắng từng bị cáo buộc có liên hệ với những kẻ cực đoan, dựng chuyện về các vụ tấn công bằng cũ khí hóa học (Ảnh: RT)
|
Dù cáo buộc Nga gây ra cái chết của nhiều thường dân, nhưng NYT lại không hề đề cập tới thực tế rằng tỉnh Idlib, nơi mà họ cho là vụ không kích đã xảy ra, vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của các phe phái phiến quân hiếu chiến - trong đó có Al Nusra, nhánh của Al Qaeda ở Syria.
NYT còn dẫn thông tin của Macro Media Center - một nhóm truyền thông tự xưng quy tụ các nhà hoạt động truyền thông và nhà báo dân sự đang làm việc tại Syria - như một bằng chứng đáng tin cậy.
Ông Konashenkov chỉ ra rằng, thời điểm mà NYT tung ra bài viết sai sự thực trên trùng với lúc mà tờ báo này tuyên bố hợp tác với Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) khét tiếng.
Tuần trước, SOHR tuyên bố rằng họ đã đạt thỏa thuận hợp tác với NYT từ hồi tháng 10, tức cùng thời điểm mà các thành viên của tổ chức này đang "xác nhận bằng chứng" vụ không kích ở Idlib.
SOHR, tổ chức có trụ sở tại Anh, vốn nhận được nguồn vốn hoạt động từ chính phủ Anh và trước đây từng bị cáo buộc là đưa tin kiểu thiên vị, có lợi cho phe nổi dậy ở Syria và là một công cụ tuyên truyền của phương Tây.
Mũ Trắng - hay còn gọi là tổ chức "Bảo vệ Dân sự Syria" - cũng là một tổ chức gây rất nhiều tranh cãi. Thường được truyền thông phương Tây ca ngợi, tổ chức này hoạt động chủ yếu ở các vùng lãnh thổ thuộc tầm kiểm soát của các băng nhóm phiến quân, trong đó bao gồm cả các nhóm thánh chiến cực đoan. Mũ Trắng từng bị cáo buộc có liên hệ với một số kẻ cực đoan, thậm chí còn dựng chuyện về các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.
Nói về việc tờ NYT liên tiếp hợp tác với các nguồn tin đáng ngờ như trên, ông Konashenkov cho rằng tờ báo này đang lợi dụng thông tin của họ để thúc đẩy một chương trình tuyên truyền.
"Sau lần tung ra tin giả gần đây nhất của NYT, vào hồi tháng 10, chúng tôi đã thể hiện rõ rất lấy làm tiếc về một tờ báo chất lượng cao như vậy lại bị những kẻ khủng bố và những tay sai của chúng trong hàng ngũ Mũ Trắng lừa bịp. Còn trong lần này thì lại khác. Mọi thứ diễn ra đều là dựa trên thỏa thuận giữa hai bên" - ông Konashenkov nói.
(Theo RT)