Robot tình yêu của Nhật Bản có gì đặc biệt?

 Kodomoroid là loại robot khác với loại thông thường, được thiết kế gần gũi với người nhất. Robot có thể có bộ não và trái tim có cảm xúc người.
Robot Kodomoroid
Robot Kodomoroid

Người ta cứ nghĩ rằng chỉ có những thực thể bằng xương bằng thịt mới biểu lộ được cảm xúc, mới biết yêu và nói tiếng yêu. Nhưng có một loại không phải người hay động vật vẫn có thể có cảm xúc, vẫn có thể nói tiếng yêu, mặc dù cơ thể chỉ được làm bằng sắt, nhựa…đó là robot tình yêu.

Robot tình yêu là khát khao của các nhà khoa học trên thế giới, mà trong đó các nhà khoa học Nhật Bản đã truyền cảm xúc cho robot một cách thành công nhất.

robot tinh yeu cua nhat ban co gi dac biet hinh 1

Robot gắn với sinh hoạt hàng ngày

Thực tế cho thấy, lịch sử sử dụng robot đã có từ rất sớm tại Nhật Bản. Theo Tiến sĩ Bùi Việt Khôi, Tham tán Khoa học-Công nghệ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, từ thế kỷ 17-18, người Nhật Bản đã chế tạo búp bê bằng gỗ mang tên Karakuri Ningyo, có thể dùng để phục vụ trà hoặc một vài công việc giải trí khác.

Hiện nay, ngoài các thế hệ robot sử dụng trong công nghiệp, các công ty Nhật Bản cũng đã đi tiên phong trong việc phát minh ra các robot có thể sử dụng trong đời sống hàng ngày, từ giải trí đến hỗ trợ, chăm sóc người già, người bệnh như ASIMO của Honda, HSR (Human Support Robot) của Toyota …

Như vậy, công nghệ robot đã tiến một bước dài. Giáo sư Iroshi Ishguro trường Đại học Osaka cho biết; chế tạo một robot sử dụng cho các nhà máy, công xưởng đã khó, nhưng để chế tạo robot có “tri thức” và “có cảm xúc” khó hơn rất nhiều. Tuy nhiên, Nhật Bản đã có những thành công bước đầu về đưa robot sử dụng vào đời sống sinh hoạt hàng ngày, có thể thay thế những hoạt động đơn giản của con người.

Đến nay, có thể nói Nhật Bản là nước số 1 trên thế giới về phát triển công nghệ Robot. Ban đầu, robot chỉ được xem là công nghệ đơn thuần, nhưng hiện tại nó đã trở thành phổ cập thay thế cho con người trong các hoạt động sinh hoạt đời sống hàng ngày. Điều tuyệt vời lớn nhất cho tới nay mà robot mang lại đó là kỹ năng thay thế cho con người.

Theo Tiến sĩ Bùi Việt Khôi, trong những năm gần đây, Nhật Bản hết sức chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các loại robot dùng trong sản xuất nông nghiệp, y tế để hỗ trợ con người và chăm sóc người già, có thể sử dụng tại gia đình hoặc tại các cơ sở y tế. Chẳng hạn, các nhà khoa học tại trường đại học Kyoto và hãng Kubota đã phát triển thành công các loại máy cấy và máy thu hoạch lúa tự động hoàn toàn.

Thế hệ robot mới nhất sử dụng trong y tế (ROBEAR) do Viện RIKEN và Công ty Sumimoto Riko hợp tác nghiên cứu có thể nâng người bệnh từ giường bệnh lên xe lăn là các ví dụ tiêu biểu cho xu hướng công nghệ này.

Như vậy một xã hội có sự tham gia của robot sẽ bớt mệt nhọc, con người có thể nghỉ ngơi, giảm căng thẳng.

Robot - người bận rộn nhất Nhật Bản

Đến Nhật Bản, điều dễ thấy ở các khu vực giải trí sẽ có những robot chào hỏi, mời khách. Tại các nhà máy, công xưởng… robot sẽ làm nhiệm vụ khuân vác hay chỉ dẫn… Đến với các bệnh viện sẽ thấy robot lon ton chạy từ tầng này sang tầng khác phát thuốc hay lấy dụng cụ. Các robot hoạt động không mỏi mệt hết ngày này qua ngày khác, chỉ dừng nghỉ khi con người cho nghỉ.

Theo thống kê của Nhật Bản, đến tháng 6/2017, toàn Nhật Bản có tới hơn 2 triệu người già trên 90 tuổi, hơn 20% dân số là người già ở độ tuổi 65 tuổi trở lên và sẽ chiếm 40,5% dân số vào năm 2055. Do đó, việc sử dụng robot thay thế người làm việc gia đình, chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện, thay thế công chức ở một số công sở ngày càng phổ biến.

Robot Hospi đươc sử dụng tại bệnh viện Matsuhita, Osaka như một nhân viên. Tuy vẫn mang hình hài máy móc, nhưng đã giúp Ueno Seiko được rất nhiều việc. Ueno Seiko - Điều dưỡng viên bệnh viện Matsuhita, Osaka đã cảm thấy quen thuộc với Hospi:

“Để lấy thuốc giữa các tầng trước kia chúng tôi cứ phải chạy lên chạy xuống. Từ khi có robot Hospi, chúng tôi đã không phải làm điều này nữa. Việc này tốn nhiều thời gian, nhất là khi vào ban đêm chỉ có 1 điều dưỡng viên làm việc và khi có bệnh nhân cấp cứu.” Chị Ueno vui vẻ khi nói về Hospi.

Được phát triển bởi Công ty Panasonic, Hospi có thể tự di chuyển vào cầu thang máy, tránh vật cản, đi vào các tầng có buồng bệnh, nói những câu đơn giản thay thế cho nhân viên y tế.

Theo Kỹ sư Kitano Yukihiko, người thiết kế robot Hospi, robot sử dụng cho đời sống xã hội, nhất là cho các bệnh viện được thiết kết phức tạp hơn nhiều so với các robot được sử dụng tại các nhà máy, công trường. Các nhà khoa học trên thế giới và Nhật Bản vẫn đang nỗ lực thiết kế những robot có thể sử dụng nhiều cho sinh hoạt hàng ngày. Nghĩa là những robot đến lúc nào đó có thể thay thế con người ở nhiều công việc khác nhau, biết cảm xúc của con người.

Hiện tại, việc sử dụng robot thay thế người làm việc gia đình, chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện, thay thế công chức ở một số công sở đã trở nên phổ biến tại Nhật Bản.

Robot tình yêu

Thay thế kỹ năng con người, đó là đương nhiên, nhưng robot có khả năng biểu hiện cảm xúc của con người cũng là tương lai không xa cho những xã hội phát triển như ở Nhật Bản.

Giáo sư Iroshi Ishguro trường Đại học Osaka cho biết rằng Nhật Bản đang nỗ lực chế tạo robot có cảm xúc gần giống với người. Một loại robot đó là Kodomoroid đã được nghiên cứu, chế tạo và bước đầu đã có thành công nhất định.

Loại robot Kodomoroid là loại robot khác với loại thông thường rất nhiều bởi lẽ là loại robot được thiết kế gần gũi với người nhất. Bộ phận cơ thể dĩ nhiên là giống như người thật. Phần này có thể chế tạo dễ dàng, nhưng để mắt có thể chớp có cảm xúc, tay có thể cử động vẫy chào như người khi cần thiết thì thực sự rất khó.

Ngoài ra, Nhật Bản đang hướng tới chế tạo robot có thể đọc bản tin, có thể trả lời câu hỏi của công chúng về những vấn đề xã hội, có khuôn mặt biểu cảm của con người để có thể thay thế cho một phát thanh viên thông thường. Hiện tại cả Nhật Bản và thế giới đang tập trung nghiên cứu để có những robot giống như người về suy nghĩ.

Một loại robot gần với người nữa đang được nghiên cứu hoàn thiện đó là robot dạng nhỏ mang tên Telenoid. Loại robot này có thể giống con người ở những khả năng tối thiểu nhất trong giao tiếp xã hội. Telenoid có thể giao tiếp và cử động với những đối tượng giao tiếp với mình. Telenoid được nghiên cứu ra từ một phần của nghiên cứu robot Konomoroid và chỉ cử động được phần đầu và tiếp nhận thông tin từ bên ngoài vào.

Đến năm 2020, robot sẽ có thể thay thế hơn 20% nhân công tại các nhà máy của Nhật Bản. Đến 2050, số lượng này có thể lên đến 50%. Chúng ta chưa mường tượng được một xã hội Nhật Bản có nhiều người máy sẽ như thế nào. Robot có thể có cảm xúc và biết yêu, nhưng chắc chắn đây cũng là một vấn đề lớn, mặt trái của xã hội phát triển nhưng thiếu nguồn nhân lực./.

Theo vov.vn 
http://vov.vn/tinh-yeu-gia-dinh/robot-tinh-yeu-cua-nhat-ban-co-gi-dac-biet-705806.vov