Quỹ đất thu hẹp, Đà Nẵng gặp khó khi TƯ giao thu ngân sách quá cao

VietTimes -- Đà Nẵng kiến nghị với  Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội khóa XIV vì mức thu ngân sách TƯ giao cho địa phương quá cao, trong khi quỹ đất ngày càng thu hẹp khiến TP gặp khó
Quỹ đất thu hẹp, Đà Nẵng gặp khó khi TƯ giao thu ngân sách quá cao
Quỹ đất thu hẹp, Đà Nẵng gặp khó khi TƯ giao thu ngân sách quá cao

Theo đó, tại buổi làm việc về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, xây dựng dự toán năm 2017 và kế hoạch đầu tư công 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 với Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội khóa XIV do Phó Chủ nhiệm Đinh Văn Nhã làm Trưởng đoàn. Lãnh đạo Đà Nẵng đã kiến nghị TƯ xem xét mức giao dự toán thu ngân sách đối với địa phương trong khi nguồn thu từ đất đang giảm mạnh.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên cho biết, số thu nội địa năm 2017 được Đà Nẵng dự kiến là 15.527 tỷ đồng, bằng 108,7% so với ước thực hiện năm 2016; Nhưng số dự toán thu mà Bộ Tài chính dự kiến giao cho Đà Nẵng lại lên đến 19.504 tỷ đồng, cao hơn số thành phố dự kiến là 3.277 tỷ đồng. Về chi ngân sách địa phương, Bộ Tài chính dự kiến chi 8.384 tỷ đồng, trong khi đó Đà Nẵng dự kiến chi 11.213 tỷ đồng, chênh lệch là 2.829 tỷ đồng. 

"Chỉ số giao dự toán như vậy là quá cao so với khả năng thực hiện của địa phương. Trong khi chưa loại trừ các yếu tố rủi ro như bất động sản rơi vào kỳ suy thoái, tiêu dùng dân cư, chu kỳ tăng trưởng kinh tế... Do vậy, Đà Nẵng đề nghị Trung ương xem xét lại dự toán dự kiên thu năm 2017 cho phù hợp với tình hình tế và khả năng thực hiện của địa phương", Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên nói.

Trong khi đó, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 của Đà Nẵng trong 7 tháng đầu năm đạt 11.316 tỷ đồng, bằng 80,3% dự toán Trung ương giao và tăng 43,3% so với cùng kỳ. Ước thực hiện cả năm 2016 là 17.418 tỷ đồng, bằng 123,5% dự toán Trung ương giao. 

Đà Nẵng, bất động sản, thu tiền đất, ngân sách, dự toán, khó khăn, thiếu vốn, VietTimes
Theo ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, dự toán thu ngân sách nhà nước giao cho Đà Nẵng là quá cao so với khả năng thực hiện của địa phương, chưa tính đến yếu tố rủi ro

Dự kiến thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp là 10.362,6 tỷ đồng, bằng 116,8% so với dự toán Trung ương giao và 115,8% so với dự toán địa phương giao. Tổng chi ngân sách địa phương 7 tháng là 6.344 tỷ đồng, đạt 56% dự toán TƯ giao và bằng 99% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 68% và chi thường xuyên đạt 54%. Ước cả năm 2016 là 13.177 tỷ đồng, bằng 116% dự toán TƯ giao. 

Tuy nhiên, với định mức tỷ lệ điều tiết nguồn thu ổn định cho cả thời kỳ 2017-2021, Bộ Tài chính dự kiến áp dụng mà theo đó Ngân sách thành phố hưởng khoảng 45%, ngân sách Trung ương 55% (tỷ lệ hiện nay là 85%-15%) khiến Đà Nẵng gặp khó khăn và không có đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ mang tính chất là Trung tâm của khu vực miền Trung và Tây nguyên như Nghị quyết số 33-NQ/TW và Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị đã xác định. 

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo TP Đà Nẵng, giai đoạn 2016-2020, Đà Nẵng dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển là 44.264 tỷ đồng, trong đó vốn tự cân đối từ ngân sách địa phương là 26.064 tỷ đồng. Nhưng nguồn thu tiền sử dụng đất của Đà Nẵng đang ngày càng giảm mạnh do quỹ đất ngày càng thu hẹp, thành phố cũng phải trả nợ vay phát hành trái phiếu địa phương, do vậy nguồn vốn để đầu tư trong năm sẽ gặp khó khăn.  

Do vậy, Đà Nẵng đề nghị TƯ quan tâm, xem xét cân đối nguồn vốn đầu tư cho Đà Nẵng năm 2017, tăng thỏa đáng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TP đối với các khoản thu phân chia giữa TƯ và thành phố và ổn định trong 5 năm tới theo cơ chế đặc thù về tài chính đã phê duyệt để Đà Nẵng có đủ nguồn lực đầu tư theo Kết luận 75/KL-TW và đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của thành phố. 

Ghi nhận ý kiến của địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội khóa XIV Đinh Văn Nhã cho rằng, nhu cầu vốn đầu tư phát triển của Đà Nẵng trong 5 năm đến là rất lớn, song tỷ lệ Đà Nẵng giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản (XDCB) được TƯ bổ sung có mục tiêu đến nay mới chỉ đạt 30%. Cùng với đó, tỷ lệ giải ngân vốn ODA mới chỉ đạt hơn 215 tỷ đồng trong tổng kế hoạch được TƯ giao cho năm 2016 là 641 tỷ đồng. 

"Với tỷ lệ giải ngân đạt thấp ở dưới trung bình như vậy, Đà Nẵng phải tập trung quyết liệt để có thể giải ngân hết, tránh trường hợp phải điều hòa lại về TƯ hoặc cho các địa phương khác. Đối với nhiệm vụ điều hành ngân sách của Đà Nẵng trong giai đoạn đến, thành phố cần tập trung chỉ đạo quyết liệt để tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng từ đây đến cuối năm khả quan hơn so với dự báo, trên cơ sở đó số giao dự toán cũng sẽ chính xác hơn", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội khóa XIV Đinh Văn Nhã nhấn mạnh.