Nhận định trên do nhà phân tích chính trị Patrick Smith thuộc tạp chí The Fiscal Times đưa ra. Theo đó, việc phá vỡ hoàn toàn mối quan hệ với Nga là kết quả đáng thất vọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama.
Trong một vài tháng còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, ông Obama dự định sẽ theo đuổi giải quyết 3 vấn đề trong chính sách đối ngoại mà trước đây không thể giải quyết được: hàn gắn mối quan hệ bị phá vỡ với Nga, chương trình hạt nhân Iran và cuộc khủng hoảng ở Trung Đông.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, dường như chính quyền Obama vẫn chưa biết cách giải quyết dù chỉ là 1 trong 3 vấn đề này.
Phía Nga đã từng đề nghị ông Obama thừa nhận sự dính líu của Mỹ đến những bất ổn ở Ukraine, ngừng thực hiện chính sách mở rộng sang phía Đông của NATO và bắt đầu tính đến các lợi ích quốc gia của Nga.
Tuy nhiên, không có bất cứ đề xuất nào trong số các đề xuất trên của Nga được phía Mỹ thực hiện. Tổng thống Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter lại hành động ngược lại so với những đề xuất của Nga khiến Ngoại trưởng John Kerry phải thực hiện vai trò “trung gian hòa giải” một cách bất đắc dĩ.
Chính sách của Mỹ là một nguyên nhân quan trọng khiến Nga quyết định sửa đổi Chiến lược An ninh Quốc gia theo hướng coi Mỹ và NATO là các mối đe dọa chính.
“Đây là điểm nhấn hoàn toàn không mong muốn và đáng thất vọng. Không chỉ mối quan hệ với Nga bị làm cho trở nên căng thẳng một cách không cần thiết, chính quyền Mỹ còn bỏ qua tất cả các khả năng phối hợp cùng Nga hành động trong các lĩnh vực khác, từ cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cho đến giải quyết vấn đề toàn cầu….”- bài báo của Patrick Smith viết.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Syria, chiến lược lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ lâu đã là một sai lầm của Mỹ. Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất không phải là do chiến lược của Mỹ mà là do các đồng minh của Mỹ, cụ thể là Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra.
Thổ Nhĩ Kỳ dù là đồng minh của Mỹ nhưng lại ngấm ngầm thực hiện các chiến dịch chống lại cộng đồng người Kurd, cộng đồng cũng được coi là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây còn ngang nhiên đưa quân vào Iraq khiến Tổng thống Erdogan bị ví như là “Hitler của Thổ Nhĩ Kỳ”
Trong khi đó, đồng minh khác của Mỹ là Arab Saudi cũng lại theo đuổi các lợi ích riêng của mình tai Trung Đông.
“Chính những hành động của hai quốc gia được coi là đồng minh thân cận của Mỹ khiến đã đến lúc phải đặt câu hỏi: Chính quyền Mỹ đang làm gì ở trong những liên minh kỳ lạ này?” - Patrick Smith bình luận.
Đối với Iran, chính quyền Obama cũng lựa chọn cách thức giải quyết vấn đề mất khá nhiều thời gian và không nhận được sự ủng hộ trong việc ký kết hiệp định với Iran về chương trình hạt nhân nước này.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi hiệp ước này được ký kết, Iran lại tiến hành thử tên lửa đạn đạo mới.
Hành động của Iran khiến Mỹ phải đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc là ban hành các lệnh cấm vận mới chống Iran vì vẫn tiếp tục tiến hành thử tên lửa đạn đạo có thể được trang bị đầu đạt hạt nhân hoặc phải hủy bỏ các lệnh cấm vận vì Iran đã hoàn toàn ngừng hoạt động các lò phản ứng hạt nhân.
“Việc gỡ bỏ nút thắt này như thế nào, có lẽ cả Obama và John Kerry hiện đều không biết cách”- Patrick Smith nhận định.
Theo RIA Novosti, Infonet