Phó Đô đốc Lopez nhắc tới quan ngại của chính phủ Philippines rằng việc triển khai này "là mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh khu vực" khi Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Philippines đã ra tuyên bố nói rằng hành động của Trung Quốc đang vi phạm Tuyên bố ứng xử (DOC) của các bên trên Biển Đông và các tuyên bố trước đó của ASEAN, làm xói mòn lòng tin và gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trong khi đó, VOA dẫn lời các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đã có những bước thực thi các đòi hỏi chủ quyền và mở rộng sự có mặt trên Biển Đông mà không cần đưa lực lượng quân sự chính thức tới đây.
"Lợi thế vượt trội của Trung Quốc thể hiện qua lực lượng hải cảnh, các lực lượng bán quân sự, và thậm chí việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc được che giấu dưới vỏ bọc là phục vụ cho lợi ích công chúng, tìm kiếm cứu nạn, hoạt động khoa học, khai thác dầu khí và đánh cá" - Carlyle Thayer, nhà phân tích về an ninh Đông Nam Á thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận xét. Ông lưu ý rằng Trung Quốc có nhiều tàu bảo vệ bờ biển hơn cả 9 nước ASEAN khác gộp lại.
Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift cho biết, Trung Quốc trước đây đã 2 lần triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm để diễn tập phòng vệ tên lửa, kể cả bài tập bắn rơi máy bay không người lái. Tuy nhiên tuần qua không có những bài tập như vậy, khiến Mỹ phải cảnh giác về ý định của Trung Quốc.
Nhưng ông cũng nói rằng những khác biệt Mỹ - Trung về Biển Đông cần được giải quyết thông qua ngoại giao và hải quân hai nước cần ngăn chặn những tính toán sai lầm về chiến thuật trở thành sự đối đầu chiến lược.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook hôm 19.2 cũng khẳng định Trung Quốc đã diễn tập ở Hoàng Sa liên quan đến loại vũ khí này, và Mỹ "vẫn còn quan ngại đáng kể về việc đặt tên lửa cụ thể tại thời điểm cụ thể này". Ông cũng nói thêm rằng hành động của Trung Quốc chỉ làm căng thẳng hiện nay tồi tệ hơn.
Theo ASIA TiMES, VOA, Lao Động