Mỹ bất ngờ đưa hai tàu chiến vào eo biển Đài Loan sau khi quân đội Trung Quốc tăng cường hoạt động quanh Đài Loan. |
Theo trang tin Đông Phương, sáng ngày 24.1, Trung Quốc đã cho nhiều chiếc máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay ném bom H-6 cất cánh từ các sân bay ở miền Nam Trung Quốc vượt qua eo biển Bashi (nằm giữa phía Nam Đài Loan và Bắc Philippines, nối Biển Đông với Thái Bình Dương) để huấn luyện, sau đó lại quay về theo đường bay cũ. Cùng thời gian đó, một biên đội tàu chiến gồm các tàu hộ vệ tên lửa lớp 054A Vu Hồ, Hàm Đan và tàu tiếp tế hậu cần 903A Đông Bình Hồ cũng hoạt động ở phía Đông bờ biển Đài Loan.
Ngay sau đó, trong sáng 24.1, Mỹ đã cho 2 tàu chiến đi vào eo biển Đài Loan từ phía Nam ngược lên phía Bắc. Tim Gorman, người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương cho báo chí biết: tàu khu trục mang tên lửa đạn đạo USS McCampbell và tàu tiếp tế hậu cần USNS Walter S. Diehl đã thực hiện một hoạt động định kỳ theo quy định của luật quốc tế tại eo biển Đài Loan. Được biết, khu trục hạm mang tên lửa USS McCampbell vừa tham gia cuộc diễn tập chung hải quân hai nước Mỹ - Anh trên Biển Đông hồi tuần trước.
Khu trục hạm mang tên lửa đạn đạo Mc Campbell hoạt động trong eo biển Đài Loan.
|
Ông Tim Gorman nói: “Hai chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan chính là thể hiện sự cam kết của Mỹ về vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực thi hành động hàng hải và hàng không tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép”.
Trong năm 2018 vừa qua, tàu chiến Mỹ đã 3 lần đi dọc eo biển Đài Loan - vùng biển nằm giữa đảo Đài Loan và tỉnh Phúc Kiến. Trước đó, mỗi năm tàu Mỹ thường chỉ vào khu vực biển nhạy cảm này 1 lần. Lần gần nhất mới đây là vào ngày 28.11, hai khu trục hạm mang tên lửa USS Stockdale, DDG-106 và tàu tiếp tế hậu cần USNS Pecos, T-AO-197 đã đi qua eo biển Đài Loan trong một hoạt động mang tính định kỳ.
Trung Quốc luôn mạnh mẽ phản đối việc Mỹ cho tàu chiến đi vào bên trong eo biển Đài Loan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần tuyên bố: “Vấn đề Đài Loan có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, là vấn đề quan trọng nhất, nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung - Mỹ. Chúng tôi nhắc nhở phía Mỹ tuân thủ nguyên tắc Một nước Trung Quốc và quy định trong 3 bản Thông cáo chung Trung - Mỹ, thận trọng xử lý ổn thỏa vấn đề liên quan đến Đài Loan để tránh tổn hại đến quan hệ Trung - Mỹ và hòa bình ổn định của eo biển Đài Loan”. Thời báo Hoàn cầu - một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo cho rằng: “Các tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan tuy hợp pháp, nhưng là động thái khiêu khích Trung Quốc. Phía Trung Quốc trước hết không nên quá tức giận về việc này, đồng thời cần khách quan đánh giá mức độ nguy hại của hành động này đối với Trung Quốc. Không khoanh tay ngồi nhìn nhưng cũng không xem xét vấn đề quá nặng để tránh bị người Mỹ dắt mũi”.
Cách đây không lâu, một tướng chỉ huy cao cấp của quân đội Mỹ đã ngầm cho thấy sắp tới có thể cho tàu sân bay đi dọc eo biển Đài Loan. Hãng Reuters hôm 18.1.2019 đưa tin, Đô đốc John Richardson, Bộ trưởng Hải quân Mỹ cùng ngày đã nhắc nhở quân đội Trung Quốc: nếu trên biển bất ngờ đụng đầu nhau thì cần tuân thủ các chuẩn tắc quốc tế để đảm bảo an toàn.
Các máy bay KJ-500 và H-6 của Trung Quốc bay qua eo biển Bashi.
|
Reuters cho biết, ông John Richardson đã nói với các phóng viên như trên tại Tokyo. Ông còn nói, việc đưa tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan vẫn là một sự lựa chọn của hải quân Mỹ, cho dù Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ về khoa học kỹ thuật quân sự.
Trong thời gian ông John Richardson ở thăm Trung Quốc, vấn đề Đài Loan là một trọng điểm bàn luận giữa ông với các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc. Trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 15.1 thông báo: trưa 15.1, tướng Lý Tác Thành, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung Quốc đã hội kiến Bộ trưởng Hải quân Mỹ John Richardson tại tòa nhà Bát Nhất - trụ sở của Quân ủy Trung Quốc.
Theo trang tin Đa Chiều, tối 23.1, Đài Truyền hình Trung Quốc (CCTV) đã lần đầu tiên phát đoạn video mô tả cảnh phóng thử loại tên lửa hiện đại “Sát thủ tàu sân bay” Đông Phong-26 (DF-26) - loại tên lửa được quảng cáo có tốc độ siêu nhanh và siêu cơ động. DF-26 được trình làng lần đầu tại lễ duyệt binh kỉ niệm 70 năm ngày “kháng chiến thắng lợi” 3.9.2015. DF-26 có tầm bắn xa nhất 5.000km, mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, có thể dùng tấn công các mục tiêu trên đất liền và tàu hạng trung đến tàu sân bay trên biển, là loại tên lửa thứ 2 dùng để đánh tàu sân bay sau DF-21. Năm 2015, báo chí Trung Quốc tiết lộ tốc độ bay của DF-26 đạt tới 18 Mach (18 lần vận tốc âm thanh tức 22,050km/h), được coi là “không thể đánh chặn”.
Hình ảnh phóng thử tên lửa DF-26 lần đầu tiên được Trung Quốc công bố sau khi ông John Richardson dọa đưa tàu sân bay vào eo biển Đài Loan.
|
Việc Trung Quốc công bố đoạn video phóng thử DF-26 có thể được coi là nhằm đáp trả ý kiến của Đô đốc John Richardson về việc đưa tàu sân bay vào eo biển Đài Loan. Đồng thời, việc Mỹ cho hai tàu chiến vào thực hiện “tự do hàng hải” tại eo biển Đài Loan ngay sau đó cũng có thể được hiểu là Mỹ không chùn bước trước sự đe dọa của Trung Quốc.