Tờ Thời báo Tài chính Anh bản tiếng Trung ngày 25/11 đăng bài viết của Phó giáo sư Vương Giang Vũ, Viện Luật, Đại học Quốc gia Singapore. Ông Vương Giang Vũ có quốc tịch Trung Quốc, tốt nghiệp Đại học Chính pháp Trung Quốc. Những quan điểm của ông trong bài viết này là những quan điểm cá nhân. Sau đây là nội dung bài viết, mời đọc giả tham khảo:
Ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ đã được hơn 2 tuần. Hiện nay, ông Donald Trump đã có một số thay đổi đối với những tuyên bố "dọa nạt" trong thời gian tranh cử, vừa không tiếp tục dự định "bỏ tù" bà Hillary Clinton, vừa thể hiện tư thế cởi mở hơn với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thậm chí cũng không nói nhiều đến cam kết xây dựng một bức tường chắn ở biên giới giữa Mỹ và Mexico.
Điều này làm cho rất nhiều người cho rằng trong chính sách thương mại, ông Donald Trump cũng sẽ rút lại lập trường phản đối thương mại tự do trước đó.
Cơ bản là do nguyên nhân này, cách đây không lâu, tại Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức ở Peru, nhà lãnh đạo các nước thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thể hiện hy vọng ông Donald Trump có thể thay đổi trong vấn đề TPP, tiếp tục thúc đẩy hiệp định thương mại có trình độ cao nhất trong lịch sử này.
Nhưng hầu như ông Donald Trump đã dội gáo nước lạnh lên đầu các nhà lãnh đạo APEC, bởi vì, vào ngày thứ hai sau khi kết thúc hội nghị APEC, ông Donald Trump tuyên bố sẽ lập tức để Mỹ rút khỏi hiệp định TPP trong ngày đầu tiên khi ông lên nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Tuyên bố này được ông đưa ra bằng một đoạn video. Lễ nhậm chức của ông Donald Trump sẽ được tổ chức vào ngày 20/1/2017. Ông coi TPP là một "thảm họa tiềm tàng của đất nước chúng ta (Mỹ)" (a potential disaster for our country).
Đối với rất nhiều nhà quan sát, chính sách thương mại của ông Donald Trump là "đào hố chôn mình", sẽ gây thiệt hại cho vị thế của Mỹ trong trật tự kinh tế và chính trị thế giới, vì vậy cực kỳ không sáng suốt, gây khó hiểu.
Nhà lãnh đạo một số nước cũng thông qua các cách thức khác nhau để chỉ ra cho ông Donald Trump biết về những hậu quả xấu mà chính sách thương mại và ngoại giao của ông Donald Trump có thể gây ra, như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chạy đến New York để tiến hành "can gián trực tiếp".
Những lời nhắc nhở này về cơ bản có nội dung ở hai cấp độ. Thứ nhất, thương mại tự do và toàn cầu hóa là đường ra duy nhất của kinh tế thế giới, trong đó có kinh tế Mỹ, Tổng thống Mỹ tuyệt đối không thể phản đối thương mại tự do, đi con đường đi ngược lại toàn cầu hóa.
Thứ hai, nếu Mỹ rút khỏi TPP, chính là đã nhường lại vị thế lãnh đạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và quyền chủ đạo nhất thể hóa kinh tế khu vực cho Trung Quốc. Điều này hoàn toàn không phù hợp với lợi ích địa-chiến lược của Mỹ và cũng làm cho các nước nhỏ ở khu vực lo ngại.
Rất rõ ràng, những cảnh báo này hoàn toàn đã trở thành "gió thoảng bên tai", bởi vì những người cảnh cáo cơ bản đã xem thường (theo Vương Giang Vũ) 3 sự thực cơ bản:
Thứ nhất, ông Donald Trump không thể không hiểu những đạo lý này. Vài năm qua, các phương tiện truyền thông chủ yếu của Mỹ hầu như vừa tuyên truyền lệch lạc về lợi ích của TPP đối với Mỹ về mặt kinh tế và địa-chiến lược. Sau khi ký kết hiệp định TPP, mức độ tuyên truyền lên tới đỉnh, ông Donald Trump và đội ngũ của mình không thể không hiểu được vấn đề này.
Thứ hai, ông Donald Trump có chủ trương rõ ràng đối với việc kinh tế Mỹ hiện nay phát triển theo hướng nào, khác hoàn toàn với lý luận thương mại tự do truyền thống.
Thứ ba, vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa lịch sử của Mỹ làm cho xã hội Mỹ luôn tồn tại trào lưu chủ nghĩa cô lập, không phải luôn luôn rập khuôn theo quan điểm địa-chính trị truyền thống của châu Âu.
Vì vậy, chủ trương dựa trên lý luận toàn cầu hóa truyền thống không thể thuyết phục được Donald Trump, hậu quả bất lợi dựa trên quan điểm địa-chính trị cũng không dọa được ông. Nói tóm lại, đối với ông Donald Trump, những "hậu quả" này không quan trọng, không đáng quan tâm.
Điều ngày càng rõ ràng là, chủ trương của ông Donald Trump trên phương diện thương mại là muốn thông qua các biện pháp bảo hộ thương mại ở mức độ nhất định, thúc đẩy vốn, ngành nghề (quan trọng nhất là ngành chế tạo) và việc làm quay trở lại Mỹ, làm cho Mỹ trước hết được mạnh lên. Để làm được việc này thì ông Donald Trump không tiếc trả giá trên các phương diện khác.
Về thương mại, vị thế lãnh đạo của Mỹ trên thế giới hiện nay không thể nghi ngờ, nhưng đây là điều được đánh đổi bởi thâm hụt thương mại trong vài chục năm qua.
Mỹ có nhập siêu thương mại lớn với hầu hết các đối tác thương mại của họ (chủ yếu nhất là Trung Quốc), thị trường Mỹ đã tiếp nhận xuất khẩu hàng hóa của các nước khác, điều này đã làm phong phú sự lựa chọn cho người tiêu dùng Mỹ, cũng đã thúc đẩy phát triển kinh tế của các nước khác, đồng thời Mỹ đã thu được lợi ích chính trị quốc tế to lớn, đó là các nước khác lệ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.
Do vị thế lãnh đạo của Mỹ trong hệ thống tài chính quốc tế, đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế chiếm vị thế mang tính áp đảo trên thế giới.
Đối với ông Donald Trump, mô hình này có lẽ có lợi cho các nhà tài chính của phố Wall, nhưng lại làm cho bản thân nước Mỹ mất đi các ngành nghề. Mấy chục năm qua, có các dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngành chế tạo và việc làm trong ngành này ở Mỹ đã bị chuyển ra nước ngoài.
Ông Donald Trump nhiều lần cho rằng vài chục năm qua việc chuyển ra nước ngoài của ngành chế tạo đã làm mất đi hàng chục triệu việc làm của Mỹ, làm cho vài trăm nghìn doanh nghiệp Mỹ bị đóng cửa.
Ông Donald Trump cho rằng hiện tượng "chảy máu" này không thể tiếp tục, sẽ làm cho Mỹ ngày càng yếu ớt. Cứ như thế này, cho dù Mỹ muốn làm bá chủ thì cũng không thể duy trì được vị thế lãnh đạo. Trong khi đó, nếu Mỹ tiếp tục đi con đường truyền thống của thương mại tự do và toàn cầu hóa thì sẽ không thể ngăn chặn được "chảy máu".
Nhìn vào quan điểm này, TPP hoàn toàn không có nhiều giá trị đối với ông Donald Trump. Chính quyền Barack Obama nói thẳng ra rằng Mỹ tham gia TPP là muốn xây dựng quy tắc thương mại của thế kỷ 21, ngăn chặn Trung Quốc trở thành người xây dựng các quy tắc mới, vì vậy các nguồn lực của chính quyền Barack Obama dành cho TPP chủ yếu dùng cho xây dựng các quy tắc.
Hơn nữa, chính quyền Barack Obama đi theo "chủ nghĩa mở cửa", cũng chủ yếu lấy mở cửa bản thân thị trường Mỹ để khuyến khích các nước khác mở cửa thị trường, chứ không phải là lấy bảo hộ thương mại để uy hiếp nhau.
Nhưng, đối với ông Donald Trump, bất kể là xây dựng quy tắc hay đãi ngộ thuế quan bằng không theo quy định của TPP, mở cửa lớn về thương mại dịch vụ, tự do hóa chưa từng có về dịch vụ tài chính đều không có lợi nhiều cho thực hiện các mục tiêu kinh tế chủ yếu của ông, đó là thúc đẩy các ngành nghề, vốn và việc làm chuyển về nước Mỹ. Trái lại, TPP có khả năng có lợi cho các ngành nghề chuyển từ Mỹ sang các nước khác.
Do tôn chỉ của TPP đi ngược lại mục tiêu cầm quyền của ông Donald Trump, bất kể nhà lãnh đạo các nước thành viên TPP có nỗ lực thuyết phục như thế nào thì đều không thiết thực đối với ông Donald Trump. Chỉ có điều, nhà lãnh đạo các nước khác còn chưa thấy thực tế rằng những lời nói của họ đã "lỗi thời, lạc hậu" đối với ông Donald Trump.
Điều ông Donald Trump muốn làm chính là đưa các doanh nghiệp và việc làm từ các nước khác (nếu cần đương nhiên bao gồm các nước thành viên TPP) chuyển về Mỹ, cho nên khuyên bảo ông Donald Trump về mở cửa thị trường và thương mại tự do giống như "bảo hổ lột da".
Về địa-chính trị, ông Donald Trump đương nhiên sẽ không từ bỏ lợi ích địa-chính trị của Mỹ ở các khu vực trên thế giới, nhưng trên phương diện đánh giá thứ tự ưu tiên của lợi ích nước Mỹ và xử lý các mối đe dọa ở nước ngoài lại có những đánh giá khác với chính quyền Barack Obama. Hơn nữa, đánh giá của ông Donald Trump hầu như không kèm theo nhân tố ý thức hệ và chủ trương nhân quyền.
Ông Donald Trump hầu như đã hạ quyết tâm xây dựng quan hệ hợp tác hài hòa với nước Nga, bởi vì ông nhận định Nga đã không phải, cũng không có khả năng trở thành kẻ thù của Mỹ, trong khi đó chính quyền Barack Obama có sự thù địch quá mức đối với Nga.
Mặc dù ông Donald Trump không nói rõ, nhưng điều có khả năng rất lớn là ông sẽ coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất cần phải nhanh chóng xử lý. Điều này có mấy nguyên nhân:
Thứ nhất, chính sách kinh tế "nước Mỹ đầu tiên" của ông Donald Trump đối mặt với đối thủ cạnh tranh hàng đầu là Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành nước lớn số một số hai của ngành chế tạo thế giới, trong khi đó ông Donald Trump nhiều lần tuyên bố Trung Quốc và một số nước khác đã ăn cắp việc làm và của cải của Mỹ.
Thứ hai, chính sách kinh tế của ông Donald Trump tất nhiên có nhân tố chủ nghĩa cô lập, nhưng chính sách quân sự, an ninh của ông đối với Trung Quốc lại mở rộng và mang tính đối đầu.
Ông Donald Trump muốn mở rộng chi tiêu quốc phòng của Mỹ, đặc biệt là tăng cường xây dựng hải quân, đồng thời tuyên bố muốn triển khai nhiều lực lượng quân sự của Mỹ hơn ở Biển Đông. Những điều này đều có khả năng xảy ra va chạm, xung đột với Trung Quốc.
Thứ ba, chính sách kinh tế của Donald Trump đã không nhấn mạnh đến hợp tác với bên ngoài, đương nhiên sẽ giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Như vậy, ông càng có lý do thông qua các hành vi "không hữu nghị", mang tính "đập phá" đối với môi trường bên ngoài "phát triển hòa bình của Trung Quốc".
Một điểm có thể dự đoán là chính sách thương mại và an ninh mới của ông Donald Trump không chỉ sẽ tạo ra khó khăn cho sự phát triển của Trung Quốc và toàn bộ châu Á. Chính sách thương mại của ông Donald Trump là muốn "hút máu" từ các nước khác để bổ sung cho nước Mỹ. Theo đó, tất cả các nước châu Á không phân biệt lớn nhỏ đều sẽ bị thiệt hại.
Trên phương diện này, ông Donald Trump cũng sẽ không quan tâm nước nào là quốc gia hữu nghị, nước nào là quốc gia thù địch.
Về thủ pháp địa-chính trị, Vương Giang Vũ dự đoán ông Donald Trump sẽ đóng vai trò can dự "xa bờ" ở châu Á một cách thích hợp, từ đó tác động đến khu vực châu Á, đặc biệt là tác động vào quan hệ giữa Trung Quốc và các nước nhỏ ở châu Á, đồng thời khi cần thiết Mỹ sẽ đích thân đối đầu với Trung Quốc, thể hiện vai trò "lãnh đạo".
Nếu ông Donald Trump làm như vậy, có thể một số nước châu Á sẽ vui mừng với sự ủng hộ của Mỹ. Nhưng, khu vực châu Á có thể xuất hiện cục diện chia rẽ, môi trường phát triển hòa bình của châu Á trở nên xấu đi, bản thân các nước trong khu vực sẽ bị trả giá, còn các nước ngoài khu vực sẽ là "ngư ông đắc lợi". - Vương Giang Vũ kết luận.