TBKTSG: Nhà nước thường nhấn mạnh nhiều vào tốc độ giảm nghèo, nhưng ít đề cập khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng. Bà nhận định thế nào về tình trạng này ở Việt Nam?
- Bà Phạm Chi Lan: Khoảng cách giàu - nghèo ở Việt Nam đang tăng lên, tốc độ tăng không kém so với việc giảm nghèo.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hai năm một lần làm tổng điều tra dân số về mức sống. Khoảng cách giữa nhóm cao nhất và thấp nhất luôn ngày càng xa. Năm 2012, con số này đã gấp gần 10 lần. Năm 2014 chưa công bố nhưng tôi tin đã vượt 10 lần.
Đó là mới chỉ tính về thu nhập và không phản ánh đầy đủ. Có một thứ tạo nên bức tranh chênh lệch giàu - nghèo kinh khủng mà thước đo về thu nhập hoàn toàn vô nghĩa. Đó là tài sản của công chức. Thu nhập của công chức không lớn, nhiều khi không đủ sống. Nhưng thực tế biết bao công chức ở trung ương, địa phương có nhà lầu, xe hơi, có con đi học nước ngoài tự túc... Tiền ở đâu ra?
TBKTSG: Thực trạng trên ảnh hưởng thế nào tới tăng trưởng bền vững của đất nước?
- Làm sao tăng trưởng bền vững được nếu trong xã hội còn tình trạng như vậy? Người nghèo bị dồn vào thế cùng cực, có những người nghèo truyền kiếp không thoát ra được, trong khi một số ít lại hưởng lợi quá nhiều trên sự cùng cực đó, nhởn nhơ, thậm chí gây phương hại cho cộng đồng.
Với doanh nghiệp, người ta bất bình vì anh thân quen, anh được hưởng lợi từ chính sách, tước đoạt cơ hội của người khác, gây hậu quả về tài nguyên, môi trường.
Với công chức, người dân căm phẫn vì tham nhũng. Một số quan chức không từ thủ đoạn nào kể cả lấy tiền từ dự án của người nghèo.
Bất an là ở chỗ đó, chứ không phải người ta ganh tỵ với người giàu. Cái nghèo khi đi cùng tham nhũng, sự kém cỏi của bộ máy sẽ nhân lên và tạo nên những bất ổn xã hội.
TBKTSG: Theo bà, việc thực hiện những chính sách xóa đói, giảm nghèo hiện nay đang có những bất cập gì?
- Cách đây hơn một năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, có đến 63% tiền đầu tư vào xóa đói giảm nghèo được sử dụng cho bộ máy, như vậy là quá nhiều.
Nhà nước đưa ra các chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia rất nhiều, tiền đổ vào kinh khủng, nhưng thực hiện ra sao, hay là đẻ ra một bộ máy to quan liêu, lãng phí và nguy cơ tham nhũng không phải không có.
Người nghèo không bao giờ biết được nhà nước rót cho họ bao nhiêu. Nhưng thỉnh thoảng báo chí lại phát hiện các con giống nuôi phát cho người nghèo lọt vào nhà quan xã.
Thiết kế chính sách là một chuyện nhưng tổ chức thực hiện mà không đến nơi đến chốn sẽ làm mất hết thành quả của chính sách, thành quả của ngân sách và các nguồn khác nhau đóng góp cho người nghèo.
Khoảng cách giàu - nghèo ở Việt Nam đang tăng lên, tốc độ tăng không kém so với việc giảm nghèo. Ảnh: Minh Khuê |
TBKTSG: Người ta thường nói: “Cho cần câu, chứ đừng cho con cá”?
- Đúng vậy! Nhưng cho cần câu thế nào? Nhà nước rất thiện ý khi đưa ra chương trình mỗi năm đào tạo một triệu nông dân. Nhưng đi về các tỉnh, tôi thấy người dân học xong ba tháng về chẳng có việc để làm trong lĩnh vực được đào tạo, lại quay về như cũ.
Chẳng hạn như việc đào tạo làm thủ công mỹ nghệ. Nghề đó chết vì kết nối thị trường, sáng tạo mẫu mã không hợp với nhu cầu, người đã có tay nghề còn đang gặp khó huống chi là người mới học việc. Những chương trình như thế hoàn toàn vô bổ, cách đào tạo chủ quan, theo kiểu hành chính chứ không xuất phát từ yêu cầu thực tế. Rốt cục, đó lại là thứ chia chác giữa các đơn vị tham gia vào dự án, còn bản thân người dân chẳng được lợi gì.
Ý tưởng chính sách là không sai. Nhưng nếu Nhà nước chỉ bố trí vốn mà không giám sát bộ máy, buông lỏng thì rốt cục cuộc sống người dân không cải thiện được, mà họ lại quay sang oán trách Nhà nước.
TBKTSG: Nhà nước còn công cụ khác để điều tiết, phân chia của cải trong xã hội, chẳng hạn như thuế. Có nhiều tranh cãi cho rằng chính sách thuế còn bất hợp lý, dẫn đến giá xăng thì đắt còn thuốc lá, bia thì rẻ, trong khi chi phí xăng dầu thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi của người nghèo...
- Vấn đề lợi ích nhóm đang chi phối trong quyết định tăng giảm thuế. Ngoài ra, còn có cái gắn với lợi ích của chính Nhà nước. Với xăng dầu là như vậy, trong giá bán một lít xăng thì phần thuế, phí rất cao. Thu ở đó dễ nhất cho Nhà nước, và được nhiều nhất.
TBKTSG: Tiến bộ về công nghệ và toàn cầu hóa có thể sẽ khiến nhiều người bị gạt ra ngoài lề, và tình trạng phân hóa giàu - nghèo sâu sắc hơn?
- Đó là vấn đề lớn khi nói đến thách thức hội nhập. Các nghiên cứu cho thấy các ngành dùng nhiều lao động giá rẻ không có tương lai xa nữa, vì tự động hóa phát triển sẽ thay thế đáng kể lực lượng lao động. Nhà nước phải biết lo chuyện đó, đừng nên quá háo hức với cơ hội của FTA, TPP mang lại trước mắt mà quên đi chặng đường dài phải đối diện.
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, tôi thấy rõ vướng nhất hiện nay là lực lượng nông dân dư thừa sẽ làm gì. Ví dụ Đồng Tháp tính toán sẽ dư thừa khoảng nửa triệu nông dân nếu tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Chưa cần làm cánh đồng mẫu lớn như ở An Giang, chỉ cánh đồng liên kết thôi, hình thành hợp tác xã, đã dư thừa chừng đó. Nhưng Đồng Tháp đã rất nhân văn, họ chậm lại một số chương trình để chờ cơ hội tạo việc làm cho người mất việc đã, chứ không chạy theo thành tích mà bỏ mặc nông dân. Tôi rất sợ tái cơ cấu mà chạy theo thành tích.
Hay, ngành dệt may Việt Nam đang rất háo hức với TPP. Chúng ta có cơ hội lớn đưa kim ngạch xuất khẩu dệt may lên 50 tỉ đô la Mỹ. Nhưng 50 tỉ đô la này liệu bền được bao lâu? Các nghiên cứu giờ mới chỉ tính được đến năm 2025 thôi, không tính được xa hơn!
Sẽ đến lúc lao động giá rẻ không còn phù hợp, có thể vẫn giữ được nhưng quy mô thị trường giảm đáng kể. Đó là chưa kể đến sức cạnh tranh của các nước khác. Người ta không đứng lại, họ cũng tham gia FTA chứ không chỉ mình Việt Nam.
Một khía cạnh khác phải nghĩ đến, là công nhân dệt may chỉ làm được chừng 20 năm, chẳng hạn từ 16-35 tuổi. Vậy họ sẽ làm gì trong 20 năm nữa cho đến khi về hưu? Tích lũy của họ có đủ đảm bảo để sống không?
Chưa kể tại Việt Nam, gánh nặng về già hóa dân số đang tăng lên, nghĩa là tương lai một người đi làm việc phải chia sẻ nhiều hơn cho những người không làm, không đóng góp vào ngân sách chung cho an sinh. Cái đó phải tính chứ.
Bài toán an sinh xã hội là phức tạp hơn nhiều trong thời kỳ hội nhập, không nên chỉ nhìn thấy tăng trưởng trước mắt và cho đó là thành công.
Tôi không hài lòng với cách mà báo chí và mọi người hay nói là “Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất khi gia nhập TPP”. Cái đó là chỉ nói về tốc độ và tỷ lệ tăng trưởng thôi, chứ không đề cập hàm lượng.
Theo TBKTSG
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu