Quá nhiều phần mềm, ứng dụng riêng: Cần rà soát việc đầu tư nguồn lực nhà nước trong lĩnh vực này

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – "Đang tồn tại quá nhiều ứng dụng quản lý được các cơ quan, ban ngành triển khai đến người dân, như: VnID, VssID, Sổ sức khỏe điện tử ...Vì vậy, Chính phủ cần quản lý chặt chẽ và có biện đảm bảo an toàn, an ninh thông tin".

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - tại phiên thảo luận ở hội trường
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - tại phiên thảo luận ở hội trường

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, chiều nay (1/11), tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024.

Tại phiên họp, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - cho biết, tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, các cơ sở dữ liệu về đất đai, tài chính, doanh nghiệp đang dần hoàn thiện, góp phần lớn trong việc đánh giá chính xác tình hình KT-XH của nước ta, điều tiết các chính sách vĩ mô liên quan.

Tuy nhiên, đại biểu Trinh cũng cho biết, hiện nay tồn tại quá nhiều ứng dụng quản lý được các cơ quan, ban ngành triển khai đến người dân, như: VnID, VssID, Sổ sức khỏe điện tử… Các hình thức triển khai có thể là giới thiệu, khuyến khích, hay bắt buộc người dân tham gia.

"Vì mỗi lĩnh vực đều có phần mềm, ứng dụng riêng, nên quá trình tương tác, hướng dẫn ít nhiều gây phiền hà cho người dân, gây tình trạng quá tải phần mềm, ứng dụng. Một số phần mềm, ứng dụng vận hành không tốt, hiệu quả không cao, chỉ cài đặt mang tính số lượng, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân trong cuộc sống"- đại biểu Trinh ý kiến.

Trước thực trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống kê, rà soát hiện nay có bao nhiêu phần mềm đang được xây dựng, đã được triển khai, có nguồn lực đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước.

"Cần đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của các phần mềm ứng dụng này, đồng thời kiểm soát chặt chẽ để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, chỉ đạo xây dựng một phần mềm, ứng dụng thống nhất có khả năng tích hợp tất cả các nội dung quản lý nhà nước của các ngành, các lĩnh vực để người dân chỉ cần cài đặt một lần, sau đó cập nhật và sử dụng"- đại biểu Trinh nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, chính vì có quá nhiều phần mềm triển khai đến người dân khiến, nhiều cơ quan, đơn vị lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin công dân như địa chỉ, số điện thoại, nên việc quản lý, bảo mật các thông tin này cần hết sức được quan tâm. Chính vì vậy, Chính phủ cần quản lý chặt chẽ và có các biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.