Putin tuyên bố đại thắng Syria, tại sao?

VietTimes -- Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã lại gây sốc cộng đồng quốc tế khi bất ngờ tuyên bố bắt đầu rút quân khỏi Syria. Nga tuyên bố đã “thay đổi tận gốc tình hình” trên thực địa thông qua chiến dịch quân sự và các mục tiêu chiến lược đã cơ bản hoàn thành.
Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Putin

Ông Putin đưa ra thông báo đột ngột trên trong cuộc họp truyền hình với các cố vấn hàng đầu tại Moscow, bao gồm bộ trưởng ngoại giao Sergei Lavrov. Với tư cách tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, ông Putin quyết định “bắt đầu rút phần lớn các lưc lượng quân đội của chúng ta khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà Arab Syria kể từ ngày mai”.

Tuyên bố rút quân ngày 14/3 vừa đột ngột và gây kinh ngạc, diễn ra chỉ 6 tháng sau khi Nga can thiệp vào cuộc nội chiến Syria với cam kết ủng hộ liên minh toàn cầu chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Không ngạc nhiên, giới quan sát có khuynh hướng nhìn động thái của Moscow như một bước đi trước được sắp xếp nhằm tránh sa lầy vào cuộc chiến đã kéo dài cả nửa thập kỷ tại Syria.

Tuy nhiên, quyết định của ông Putin cũng phản ánh toan tính dài hạn khôn ngoan của Kremlin.

Ngay từ đầu, quyết định can thiệp của Nga đã bị chi phối bởi nhiều mục tiêu chồng chéo. Chính quyền của ông Putin gọi những hành động của mình như sự khởi đầu của một cuộc viễn chinh chống nhóm khủng bố nhà nước Hồi giáo (IS) – một sản phẩm phụ của thói thiếu trách nhiệm của phương Tây. Tuy nhiên, những động cơ thật sự của Nga thực tế hơn.

Đầu tiên và trên hết, Kremlin hăng hái hậu thuẫn cho chế độ đồng minh lâu đời Assad, vốn đã bị mất nhiều lãnh thổ vào tay nhiều nhóm chính trị đối lập. Đồng thời Nga cũng rất muốn tăng cường vị thế chiến lược của mình tại khu vực đông Địa Trung Hải, nơi Nga có căn cứ hải quân đóng trú từ lâu tại cảng Tartus ở Syria. Trong khi chính quyền ông Putin cũng đang cố gắng giành lại động lực đã mất trong cuộc khủng hoảng Ukraine trước đây.

Sáu tháng trôi qua, tất cả những mục tiêu trên đều đã đạt được.

Nhờ sự trợ giúp to lớn của Nga, chính quyền Assad tiếp tục nắm giữ được quyền lực. Trong khi chính quyền Syria không thể giành lại nhiều lãnh thổ, họ đã thành công trong việc củng cố kiểm soát khu vực của tộc người Alawistan của ông Assad ở phía tây Syria, nơi được xem là thánh địa tồn vong của chế độ. Và số phận quyền lực của Assad có vẻ không phải được “tính bằng ngày” như một số người đã nói trước đây nữa.

Sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria đã được mở rộng đáng kể. Kể từ tháng 9/2015, Nga đã tăng cường sức mạnh của căn cứ hải quân tại Tartus, triển khai một căn cứ không quân tại Latakia và đã bắt đầu công việc triển khai thêm ít nhất hai căn cứ quân sự khác gần đó. Nga triển khai binh sĩ và vũ khí tới khu vực, cũng như luân phiên các tuần dương hạm thuộc Hạm đội Biển Đen thường trực ngoài khơi Syria.

Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Syria cũng có lợi ích chính trị rõ ràng. Thông qua đó, ông Putin có thể kéo dư luận Nga khỏi những khó khăn, yếu kém trong nước. Can thiệp Syria cũng cho phép Nga ít nhất phá vỡ một phần sự cô lập quốc tế do cuộc khủng hoảng Ukraine. Và trong khi việc này chưa làm giảm bớt được các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng nó đã đặt Moscow vào vị thế của một thế lực ảnh hưởng chủ chốt tại Trung Đông.

Chung quy, Nga góp phần thực chất vào lệnh ngừng bắn đạt được tại Geneva hồi trung tuần tháng hai vùa qua và đóng góp chủ yếu vào việc thực thi thoả thuận trên. Thực tế trên trao cho Kremlin tiếng nói quyết định đối với chính trị khu vực, bởi lẽ phương Tây cần sự tham gia của Nga để bảo đảm chế độ Assad tuân thủ với các điều kiện của bất cứ thoả thuận chính trị nào.

Không quân Nga vẫn tiếp tục chiến dịch không kích tại Syria sau khi tuyên bố rút quân
Không quân Nga vẫn tiếp tục chiến dịch không kích tại Syria sau khi tuyên bố rút quân

Không có chuyện Nga từ bỏ những ưu thế chiến lược trên thực địa. Kremlin giữ kín về quy mô và sức mạnh của lực lượng quân sự còn đóng trú tại Syria sau khi “phần lớn” các lực lượng rút lui. Tất cả những dấu hiệu cho thấy lực lượng còn lại vẫn đáng kể và có năng lực tác chiến mạnh. Thực tế, Nga vẫn đang tiếp tục thực hiện các đợt không kích vào các mục tiêu chống chế độ Assad, ngay cả khi các lực lượng Nga bắt đầu rút khỏi Syria. Và nếu cần thiết, Moscow vẫn có thể quay lại. Như chính ông Putin đã lưu ý, Nga có thể tăng cường lực lượng quân sự trở lại Syria nếu thấy cần thiết và có thể làm vậy chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Trong khi sự hỗn loạn tiếp tục tại Syria khiến nhìn nhận việc Nga rút quân như một biện pháp phòng vệ. Tuy nhiên, mệnh lệnh của ông Putin mang tất cả dấu hiệu của một chiến lược phức tạp hơn, một bước đi được thiết kế nhằm giành cho Nga đòn bẩy chính trị quan trọng, trong khi bảo toàn được những lợi thế chiến lược.

Nhìn theo phương diện này nhiệm vụ của ông Putin đã hoàn thành.

* Bài viết của tác giả Ilan Berman, Phó chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại Mỹ trên National Interest.