Việc chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 Nga trên biên giới Syria ngày 24/11 gây chia rẽ sâu sắc giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp phía Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, những người lâu nay vẫn thể hiện hình ảnh của chính trị gia quyền lực, mạnh mẽ và can thiệp ngày một sâu vào cuộc xung đột tại Syria.
Giới chức cả hai nước ngay hôm sau bác bỏ khả năng xảy ra đối đầu trực tiếp vì vụ việc. "Chúng tôi sẽ không phát động chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định với các phóng viên, cho dù Moscow xem vụ tấn công là "hành động khiêu khích được lên kế hoạch từ trước".
Tuy nhiên vụ việc cũng cho thấy nguy cơ xung đột giữa các cường quốc ở hai phe, một bên hậu thuẫn và bên kia muốn lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, cho dù có mục tiêu chung là nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Cụ thể hơn, các cuộc không kích của Nga nhằm vào các nhóm đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã khiến Ankara tức giận.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đi một thông điệp rõ ràng với vụ bắn rơi máy bay Nga", Mustafa Alani, chuyên gia về Trung Đông tại Trung tâm nghiên cứu Vùng Vịnh, nhận định. "Đây chính là lời cảnh báo về chính sách của Nga trong khu vực. Nga không thể cứ làm bất kỳ điều gì họ muốn".
Còn tại Moscow, vụ việc đang được nhìn nhận không chỉ là một vụ tấn công vào một chiếc máy bay. "Xung đột xảy ra bởi Nga đang tấn công các nhóm nổi dậy có quan hệ đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ", Alexander Baunov, một nhà phân tích tại Trung tâm Carnegie Moscow nói khi được hỏi về khả năng xảy ra đụng độ do tình cờ. "Hoàn toàn sai khi cho rằng việc này xảy ra do những nguyên nhân như kiểu bầu trời tại đó quá đông đúc".
Siết dần
Bộ Quốc phòng Nga hôm 25/11 tuyên bố, các chiến đấu cơ Nga từ nay sẽ hộ tống các máy bay ném bom, và Moscow đồng thời đưa hệ thống tên lửa phòng không mạnh S-400 tới Syria. Đây là những hệ thống có thể vươn sâu vào trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ khi được đặt tại căn cứ không quân Nga ở Latakia, tây bắc Syria.
Ngoài ra, các nhà phân tích nhận định, Nga sẽ lựa chọn từ một danh mục những phản ứng bất đối xứng để đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ, gồm các lệnh trừng phạt kinh tế phi chính thức và hỗ trợ quân sự cho đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có các chiến binh người Kurd.
Quan hệ chồng chéo giữa các thế lực trong khủng hoảng Syria. |
"Tất nhiên Nga sẽ tăng cường không kích tại khu vực đó ở Syria, và những nhóm có liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ", Fyodor Lukyanov, một nhà phân tích kỳ cựu về chính trị Nga nói đến khu vực biên giới phía bắc Syria, nơi Su-24 Nga rơi.
Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu tối 25/11 cho biết, các cuộc không kích của Nga giờ đang nhắm vào đoàn xe chở hàng cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ tại thị trấn biên giới Azzaz của Syria. Ít nhất 7 lái xe thiệt mạng. Thị trấn này là đầu mối tập kết hàng tiếp viện từ Thổ Nhĩ Kỳ cho phe nổi dậy Syria đang chiến đấu với lực lượng chính phủ tại thành phố Aleppo gần đó. Chi tiết về vụ việc mới này vẫn chưa thể kiểm chứng độc lập.
Shady al-Ouaineh, một đại diện truyền thông của nhóm Determined Storm, có liên hệ với lực lượng nổi dậy Quân giải phóng Syria (FSA), khẳng định Nga đã gia tăng mạnh mẽ các cuộc không kích vào khu vực phe đối lập kiểm soát tại tỉnh Latakia.
Lực lượng của chính phủ Syria và các chiến binh Shiite đồng minh từ Iraq, với sự yểm trợ trên không của Nga, đang nỗ lực tiến quân vào một số cứ điểm cuối cùng của phe đối lập tại tỉnh này, Ouaineh nói. Đây cũng là khu vực gần với hiện trường chiếc Su-24 bị bắn rơi.
"Rõ ràng rằng Nga đang trả đũa chúng tôi tại đây", thành viên nhóm Determined Storm nhận định.
Thái độ của người Nga với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn một năm trước còn khá thân thiện, đã chuyển sang lạnh lùng nhanh đáng báo động. Hầu hết các hãng lữ hành Nga dừng bán tour tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ 25/11. Người biểu tình tại Moscow ném trứng và gạch đá vào đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ, làm vỡ nhiều cửa sổ.
Các nhà lập pháp Nga cũng đề xuất xử lý hình sự với những người nào phủ nhận sự kiện hàng loạt người Armenia năm 1915 bị Đế chế Ottoman giết là "tội diệt chủng". Đây là vấn đề rất nhạy cảm. Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay thừa nhận những tội ác này đã diễn ra nhưng không công nhận đó là tội diệt chủng.
Tháng 12 năm ngoái, Nga đã chuyển hướng một đường ống khí đốt từ châu Âu sang Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa phương Tây. Nhưng giờ số phận của dự án này lại là dấu hỏi lớn.
"Hậu quả sẽ rất lớn", Lukyanov nói.
Nga sẽ tìm cách trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đồng thời không muốn kích động phương Tây, Baunov nhận định. "Nếu vụ việc trở thành cuộc chiến giữa Nga và phương Tây, thì như vậy đã đi ngược lại mục tiêu ban đầu của chiến dịch can thiệp: đó là thoát khỏi sự cô lập quốc tế gắn với các lệnh trừng phạt", chuyên gia này cho biết. Các lệnh trừng phạt được áp đặt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ phe ly khai tại miền đông nam Ukraine.
Sau khi chiếc Su-24 bị bắn rơi, một phi công trên máy bay khi đang nhảy dù đã bị phiến quân dưới mặt đất bắn chết, người còn lại may mắn thoát nạn. Nhưng nỗ lực tìm kiếm phi công thoát nạn này còn chịu thêm tổn thất, khi một lính thủy đánh bộ trên chiếc trực thăng Mi-8 thiệt mạng do bị trúng tên lửa chống tăng của phiến quân.
Ông Putin từng hứa hẹn với công chúng Nga về những can thiệp có giới hạn tại Syria, không triển khai bộ binh để hạn chế thương vong. Cho dù quân đội Syria đã chặn được đà tấn công của phe đối lập, các cuộc không kích của Nga vẫn chưa thay đổi lớn cục diện cuộc chiến.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã giáng một đòn mạnh vào Putin, và giờ ông ấy đang ở thế tiến thoái lưỡng nan", Fawaz A. Gerges, giáo sư quan hệ quốc tế Trường kinh tế học London nhận định. "Tình thế có thể trở nên đáng sợ khi Nga bị sa lầy trong một cuộc chiến không thể thắng".
Theo VnE