Đánh giá ban đầu, việc sử dụng tên lửa Kalibr không có ý nghĩa gì về quan điểm quân sự hay kinh tế. Kalibr là loại tên lửa hành trình tầm xa cực kỳ đắt đỏ, được thiết kế cho chiến tranh cường độ cao và chiến tranh hạt nhân. Nga được cho là đã giới hạn sử dụng loại tên lửa chính xác quá nhiều do chúng quá tốn kém, vậy sau đó Moscow giải thích ra sao về việc dùng Kalibr chống IS hay thậm chí là các lực lượng chống đối ông Assad vốn không có vũ khí phòng không?
Schneider kết luận, việc sử dụng tên lửa Kaliber có một mục đích rõ ràng: Phát một tín hiệu tới Mỹ và các đồng minh Mỹ về khả năng quân sự của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết các mục tiêu bị tên lửa tấn công tại các tỉnh Raqqa, Idlib, và Aleppo của Syria. Nhà báo tên tuổi Nga Pavel Felgenhauer lưu ý rằng các mục tiêu nói trên nằm gần căn cứ tác chiến không quân Latakia của Nga, chủ yếu nẳm tại tỉnh Idlib, nằm gọn trong tầm tấn công của chiến đấu cơ và bom của Nga.
Không có mấy ý nghĩa khi đánh các mục tiêu phiến quân Syria bằng những vũ khí tàng hình tốn kém như vậy, trong khi các nhóm này không có vũ khí phòng không và đang bị máy bay Nga dội bom. Hơn thế, máy bay từ căn cứ không quân Nga ở Syria có thể tấn công các mục tiêu nọ nhanh hơn tên lửa.
Tờ The New York Times tường thuật: “Một quan chức quân sự Mỹ cho biết quả là điều ngạc nhiên khi Nga dùng tên lửa hành trình tấn công các mục tiêu tại Syria. Nên biết các vũ khí trên thường hay được sử dụng để đối phó với các hệ thống phòng không mạnh mà các nhóm phiến quân Syria không hề có”. Một ngày sau đòn tấn công bằng Kalibr, hãng thông tấn TASS của Nga nói rằng IS không đe dọa được các máy bay Nga.
ABC News dẫn lời quan chức Mỹ cho rằng đòn tấn công tên lửa “cố ý thể hiện sức mạnh quân sự của Nga”. TASS viết bài nói rằng “Đòn tấn công tên lửa Nga chống IS tại Syria đánh vào Lầu Năm Góc…”. Bài báo trích ý kiến của tướng hồi hưu Leonid Ivashov nhận định “Các tên lửa chính xác cao là một cú sốc thực sự đối với Lầu Năm Góc”.
Còn Sputnik News hể hả: “Toàn bộ biển Địa Trung Hải, bán đảo Arab và Vùng Vịnh Persian đều nằm trong trung tâm chú ý”. Sputnik tuyên bố vụ tấn công là một thành công đối với Nga và “khiến NATO bối rối”. Ông Putin tuyên bố Kalibr là loại vũ khí tiên tiến chính xác cao và rằng thế giới đã chứng kiến “Nga sẵn sàng sử dụng chúng nếu như việc đó phục vụ lợi ích của đất nước và nhân dân chúng ta”.
Việc sử dụng tên lửa Kalibr cũng có vẻ là một thông điệp với không lực Mỹ hiện đang thực hiện chiến dịch không kích chống IS rằng họ rất dễ tổn thương trước đòn tấn công của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nhấn mạnh Nga đã không thông báo trước với Mỹ về vụ tấn công. Lý do hiển nhiên là Nga đang thể hiện năng lực phát động một cuộc tấn công bất ngờ bằng hệ thống tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Lực lượng Nga tại Syria đã được chuẩn bị đủ sức có thể chiến đấu với Mỹ bằng hệ thống tên lửa phòng không SA-22 và tiêm kích đa nhiệm tối tân nhất Su-30SM.
Schneider cho rằng, việc sử dụng tên lửa Kalibr là hành động của Nga liên quan việc kiểm soát vũ khí. Năm 1992, tổng thống Nga Boris Yeltsin đã cam kết Nga không chế tạo các loại tên lửa hành trình có thể mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu chiến như Kalibr. Chính quyền Obama kết luận rằng Liên bang Nga đã vi phạm quy định của Hiệp định INF về việc không được sở hữu, sản xuất hoặc thử nghiệm các loại tên lửa hành trình bắn từ mặt đất (GLCM) có tầm bắn từ 500 đến 5.500km, hay sở hữu hoặc sản xuất các hệ thống phóng các loại tên lửa tương tự.
Theo nhà báo Dmitriy Litovkin thân thiết với Điện Kremlin, hiện đang viết cho trang Vzglyad Onlines, loại tên lửa nghi vấn chính là một phiên bản Kalibr phóng từ mặt đất.
Theo Schneider, đe dọa quân sự, bao gồm đe dọa hạt nhân hiện trở thành một phần chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Nga, như từng được dùng hỗ trợ Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Học thuyết hạt nhân Nga cho phép đánh đòn phủ đầu hạt nhân trong chiến tranh khu vực và chiến tranh địa phương. Các quan chức Nga đã nhiều lần nhắc lại răn đe hạt nhân. Hồi đầu năm 2015, một đại sứ Nga đã cảnh báo các chiến hạm Đan Mạch sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa hạt nhân Nga nếu Đan Mạch ủng hộ lá chắn phòng thủ tên lửa Mỹ.
Schneider cho rằng, Nga sử dụng tên lửa Kalibr và răn đe hạt nhân cho thấy Mỹ cấp bách cần có một chiến lược răn đe hạt nhân hiệu quả. Kalibr là một trong ít nhất 4 loại tên lửa hành trình tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, chưa kể tới kho tên lửa hạt nhân tầm ngắn.
Mỹ vào năm 1981 sở hữu một kho tên lửa hành trình hạt nhân lớn, nay có thể đã hỏng do quá niên hạn trước khi được thay thế. Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter tuyên bố Mỹ cần có một chiến lược mới để đồng bộ hóa năng lực răn đe hạt nhân và thông thường tại châu Âu. Schneider đề xuất đáp trả “thông điệp Kalibr” có thể là một bước đi tốt đầu tiên.
*Tiến sĩ Mark Schneider là nhà phân tích kỳ cựu của Viện chính sách công quốc gia Mỹ, tiến sĩ lịch sử tại Đại học Nam California và tiến sĩ luật Đại học George Washington. Ông chuyên nghiên cứu về chính sách phòng thủ tên lửa, vũ khí hạt nhân, răn đe, các lực lượng chiến lược, kiểm soát vũ khí.
Theo QPAN