Putin bị tố “đánh sập” châu Âu bằng vũ khí đặc biệt

Viettimes -- Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chủ tâm tạo tạo một cuộc khủng hoảng người nhập cư nhằm gây tràn ngập và phá vỡ châu Âu, the Telegraph (Anh) dẫn lời tư lệnh NATO tại châu Âu nhận định.
Ông Putin
Ông Putin

Tướng Mỹ Philip Breedlove, tư lệnh NATO nói rằng tổng thống Putin và tổng thống Syria Bashar al-Assad đã “vũ khí hoá” người tị nạn bằng một chiến dịch ném bom vào các trung tâm dân cư.

“Nga cùng chế độ Assad đã cố tình biến người tị nạn thành vũ khí với mưu đồ cố gắng chôn vùi cấu trúc châu Âu và bẻ gãy ý chí của châu Âu. Những vũ khí không phận biệt và không chính xác được cả lực lượng chế độ Assad và Nga sử dụng. Tôi không thể tìm ra bất cứ lý do nào khác cho chúng ngoài việc nhằm gây ra làn sóng người tị nạn và biến họ thành vấn đề của người khác”, tướng Breedlove phát biểu tại Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.

Liên hợp quốc vừa cảnh báo Hy Lạp đang ở đỉnh điểm của một cuộc khủng hoảng nhân đạo khi các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra kiên quyết siết chặt chính sách đối với người nhập cư, bịt con đường mà hơn 1 triệu người tị nạn đã sử dụng để tới Đức hồi năm 2015.

Macedonia, một nước trung chuyển lớn hồi mùa hè vừa qua hiện nay chỉ để cho vài chục người tị nạn đi qua từ Hy Lạp mỗi ngày. Khoảng 2.000 người vẫn đổ bộ lên các hòn đảo Hy Lạp một ngày và trong vài tuần số người bị kẹt lại tại đây có thể lên tới 100.000 người. Hàng ngàn người phải ngủ ngoài trời trong các ga tàu và các công viên trong thành phố.

Athens đã yêu cầu EU cung cấp 370 triệu USD cứu trợ khẩn cấp, lấy từ quỹ dùng cứu trợ châu Phi, để lo cho 100.000 người. Chính phủ Hy Lạp cảnh báo nước này có thể sẽ trở thành một Lebanon ở châu Âu. Đám đông người tị nạn phải sống trong các điều kiện tồi tệ, thiếu thực phẩm, nơi ở, nước uống và điều kiện vệ sinh. Căng thẳng leo thang đổ dầu vào bạo lực và mọi việc bị bọn buôn người thao túng, phát ngôn viên của Liên hợp quốc về người tị nạn Adrian Edwards cho biết.

Khoảng 131.000 di dân đã tới châu Âu trong tháng 1 và 2/2016, cao gấp 30 lần cùng kỳ năm 2015. Biên giới Macedonia đã đươc lực lượng đặc nhiệm tăng cường canh gác, triển khai trực thăng và súng phun nước. Đầu tuần, người tị nạn định phá cổng đã bị dùng hơi cay đẩy lùi.

Donald Tusk, chủ tịch Hội đồng châu Âu đã hối thúc mở lại cửa biên giới nhưng thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ việc đóng cửa của Áo và bác bỏ giải quyết vấn đề người nhập cư tại Hy Lạp tương tự như cuộc khủng hoảng tại Budapest hồi năm ngoái khiến Đức mở cửa đón người tị nạn Syria.

Nhà tài phiệt George Soros cho rằng, các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên minh châu Âu đang mắc một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là một đồng minh tiềm năng trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo. Bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Mục đích hiện nay của Putin là đẩy mạnh chia rẽ EU, và cách tốt nhất để đạt được mục tiêu là khiến EU bị “tràn ngập” người tị nạn Syria.

Soros cáo buộc Nga ném bom vào các khu dân cư tại miền nam Syria, buộc người dân phải qua Jordan và Lebanon để lánh nạn. Hiện có 20.000 người tị nạn Syria phải dựng lều bạt trên sa mạc để chờ được nhập cảnh vào Jordan. Một nhóm nhỏ khác đang chờ được vào Lebanon. Con số của hai nhóm người này vẫn đang gia tăng.

Làn sóng người di cư tiếp tục đổ sang châu Âu gây nên cơn ác mộng cho lục địa già
Làn sóng người di cư tiếp tục đổ sang châu Âu gây nên cơn ác mộng cho lục địa già

Nga cũng vừa phát động cuộc không kích trên diện rộng đe dọa dân thường ở miền bắc Syria. Theo sau đó là các cuộc tấn công trên bộ do quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực hiện nhằm vào Aleppo, một thành phố từng có hai triệu người dân sinh sống. Những quả bom thùng khiến 70.000 dân thường phải chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ còn có nhiều người nữa phải rời bỏ nhà cửa bởi các vụ tấn công trên bộ này.

Các gia đình trốn chạy có thể sẽ không dừng lại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vào ngày 9/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến thăm tới Ankara để đưa ra các thỏa thuận vào phút chót với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thuyết phục những người tị nạn tại nước này tiếp tục nán lại một thời gian nữa. Phương án bà đưa ra đó là, hằng năm, 200.000 đến 300.000 người tị nạn Syria sẽ được chuyển thẳng tới châu Âu với điều kiện, Thổ Nhĩ Kỳ ngăn họ tới Hy Lạp và vẫn sẽ tiếp nhận họ trở lại nếu họ làm vậy.

Theo tỷ phú Soros, một khi Putin thấy được cơ hội để đẩy nhanh sự tan rã của EU, ông sẽ nắm bắt nó. Ông đánh lạc hướng những hành động của mình bằng cách đề cập tới việc hợp tác chống lại kẻ thù chung ISIS. Ông vẫn đi theo nước cờ ông từng áp dụng ở Ukraine, ký Hiệp định Minsk nhưng không thực hiện các điều khoản của hiệp định.

Soro nhận định, cả nước Nga của Putin và Liên minh châu Âu đang tham gia vào một cuộc chạy đua thời gian: câu hỏi là bên nào sẽ sụp đổ trước. Nga sẽ đối mặt với khó khăn trầm trọng vào năm 2017, khi một phần lớn món nợ nước ngoài đáo hạn, và bất ổn chính trị có thể nổ ra còn sớm hơn nữa. Việc Putin vẫn được nhiều người dân yêu mến dựa trên một khế ước xã hội mà trong đó, chính phủ phải mang lại sự ổn định về tài chính và một mức sống tăng lên tuy chậm nhưng vững chắc. Các lệnh trừng phạt của phương Tây, cùng với giá dầu giảm mạnh, sẽ khiến chế độ không thể hiện thực hóa được cả hai mục tiêu trên.

Thâm hụt ngân sách ở Nga hiện chiếm 7% GDP, và chính phủ sẽ phải cắt giảm xuống còn 3% nhằm ngăn không cho lạm phát tăng vượt khỏi tầm kiểm soát. Quỹ an sinh xã hội đang dần cạn tiền và phải hợp nhất với quỹ cơ sở hạ tầng của chính phủ để bổ sung thêm tiền. Những thay đổi này cùng với các diễn biến khác sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới mức sống cũng như quan điểm của cử tri trước thềm cuộc bầu cử nghị viện sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay.

Theo Soros, cách hiệu quả nhất để chế độ của ông Putin có thể tránh khỏi sự đổ vỡ là khiến EU sụp đổ sớm hơn. Một EU lụi tàn sẽ không còn khả năng duy trì các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sau khi nước này xâm nhập vào Ukraine. Thêm vào đó, Putin sẽ có thể đạt được những lợi ích kinh tế to lớn từ việc chia rẽ châu Âu và khai thác mối quan hệ với các nhóm lợi ích thương mại cùng các bên phản đối hội nhập châu Âu mà ông đã chu đáo “chăm bón”.

Theo tình hình hiện tại, EU đang hướng tới sự tan rã. Liên tục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và những gói cứu trợ tiếp sau đó cho Hy Lạp, EU đang học cách xoay sở qua hết cuộc khủng hoảng này đến hết cuộc khủng hoảng khác. Nhưng ngày nay, tổ chức này đang phải đối mặt đồng thời với 5 hay 6 cuộc khủng hoảng, con số này có lẽ là quá nhiều. Đúng như dự đoán của bà Merkel, cuộc khủng hoảng di cư có nguy cơ tiềm ẩn phá hủy EU, nhà tài phiệt Mỹ nhận định.