Cổ đông lớn nhất của Tencent rút bớt vốn |
Ngày 7/4, Prosus - cổ đông lớn nhất của hãng công nghệ internet và trò chơi điện tử Trung Quốc Tencent - đã thu về 14,6 tỉ USD bằng cách bán ra bớt cổ phiếu hãng này.
Rõ ràng, Prosus thu lợi không nhỏ từ thương vụ đầu tư công nghệ, sau khi đại dịch tạo ra một cú bật lớn cho Tencent nói riêng và ngành công nghệ nói chung tại Trung Quốc.
Lịch sử đầu tư vào Tencent
Năm 2001, công ty mẹ của Prosus là Naspers, công ty niêm yết lớn nhất châu Phi, đã chi ra 34 triệu USD để đổi lấy 1/3 cổ phần trước khi Tencent niêm yết. Giờ đây, Tencent, công ty được niêm yết tại Hồng Kông, đã trở thành hãng trò chơi điện tử lớn nhất thế giới dựa trên doanh thu và nhà điều hành ứng dụng “do-everything” WeChat phổ biến tại Trung Quốc. Tencent cũng là công ty niêm yết công khai có giá trị nhất Trung Quốc với giá trị vốn hóa thị trường tương đương 775,9 tỉ USD.
Lần bán cổ phiếu trong tuần này không phải là lần đầu tiên Naspers, công ty mẹ của Prosus bán bớt cổ phần trong Tencent. Vào tháng 3.2018, Naspers từng bán 190 triệu cổ phiếu của, cắt cổ phần của mình trong Tencent từ 33,2% xuống 31,2%, thu về khoản tiền 10 tỉ USD. Trước đó, Naspers chưa từng bán bất kỳ cổ phiếu Tencent nào và hứa sẽ không bán thêm trong ít nhất ba năm. Cam kết đã được thực hiện nghiêm túc.
Lý do rút bớt cổ phần
Sau khi bán ra, tỉ lệ cổ phần của Prosus ở Tencent giảm từ 30,9% xuống còn 28,9%. Lý do của việc cắt giảm đầu tư này là nhằm mục đích giúp Prosus tăng khả năng linh hoạt về tài chính để đầu tư vào các dự án tăng trưởng mạnh khác.
Prosus hiện có các khoản đầu tư vào các công ty công nghệ như nhà điều hành mạng xã hội Nga Mail.ru, hãng giao đồ ăn Đức Delivery Hero và thị trường trực tuyến Letgo của Mỹ.
Mặt khác, điều này cũng giúp thu hẹp khoảng cách khác biệt vô lý từ lâu giữa giá trị thị trường của Prosus với giá trị cổ phần của Prosus trong Tencent.
Naspers, công ty sở hữu 72,5% cổ phần của Prosus, là tập đoàn đầu tư công nghệ niêm yết tại Johannesburg (Nam Phi), có giá trị vốn hóa thị trường chỉ 104 tỉ USD. Trong khi đó, Prosus có vốn hóa thị trường vào khoảng 181,1 tỉ USD, đồng thời, giá trị của gần 31% cổ phần của Prosus trong Tencent là khoảng 240 tỉ USD.
Hậu quả của việc rút bớt cổ phần
“Niềm tin của chúng tôi vào Tencent và đội ngũ quản lý của công ty là vững chắc, nhưng chúng tôi cũng cần tài trợ cho sự tăng trưởng liên tục trong các ngành kinh doanh cốt lõi và các lĩnh vực mới nổi của mình”, Chủ tịch Prosus, Koos Bekker giải thích về quyết định giảm cổ phần trong Tencent. Ông thêm rằng việc Prosus rút chân ra cũng tạo thêm khoảng trống để các nhà đầu tư khác tham gia vào Tencent. Giám đốc điều hành Tencent Pony Ma cho biết công ty hiểu và ủng hộ quyết định này.
Thực vậy, Prosus định giá mỗi cổ phiếu Tencent ở mức 76,43 USD và có nhiều nhà đầu tư xếp hàng đợi mua 3/4 số cổ phiếu, trước khi chúng được mở bán vào ngày 7.4. Prosus bán ra khoảng 192 triệu cổ phiếu, thu về 14,6 tỉ USD. Các nhà đầu tư của Tencent đa dạng hơn. Prosus cũng cho biết họ cam kết không bán thêm bất kỳ cổ phiếu nào của Tencent trong ít nhất ba năm tới.
Giá cổ phiếu Tencent đạt giá trị cao nhất vào cuối tháng Một sau khi hàng triệu người tiêu dùng Trung Quốc đổ xô vào các ứng dụng và trò chơi điện tử của công ty này trong thời gian đại dịch. Đà tăng giá của cổ phiếu Tencent đã giảm bớt trong đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ trên toàn quốc một phần do lo ngại của nhà đầu tư về các quyết sách của chính phủ đối với các hãng công nghệ lớn. Tuy nhiên, lần rút bớt vốn này của Prosus không phải do lo ngại này mà từ vấn đề danh mục và khoảng cách giá trị tồn tại đã lâu của chính nhà đầu tư.
“Việc bán bớt cổ phiếu giúp giảm sự tập trung vào Tencent trong danh mục đầu tư, góp phần giảm khoảng cách”, theo Neelash Hansjee, giám đốc danh mục đầu tư tại Old Mutual Equities ở Cape Town, Nam Phi. Tuy nhiên, ông Hansjee cũng cảnh báo khoảng cách lại giãn rộng nếu tiền vốn rút ra được đầu tư vào nơi có khả năng gây ra thua lỗ ngắn hạn.
Cổ phiếu của Prosus giảm 4,6% ngày 7.4 xuống còn tương đương 111,55 USD. Vào giữa trưa ngày 8.4 tại Hồng Kông, cổ phiếu Tencent giảm nhẹ 0,6% ở mức 80,41 USD.
Nguồn tham khảo:
https://www.bloomberg.com/opinion/articles/2021-04-08/prosus-tencent-stake-sale-it-may-be-more-berkshire-hathaway-than-softbank
https://www.wsj.com/articles/tencents-biggest-investor-cashes-in-on-pandemic-rally-11617799558
https://www.businesslive.co.za/bd/companies/telecoms-and-technology/2021-04-07-naspers-and-prosus-slump-on-news-of-selldown-of-tencent-stake/