Theo nguồn tin của Reuters, ByteDance - công ty mẹ phát triển ứng dụng video và mạng xã hội TikTok - đã thâu tóm thành công nhà sản xuất trò chơi Moonton.
Bất chấp lệnh cấm TikTok ở Ấn Độ và đe dọa cấm hoạt động ở Mỹ, doanh thu của ByteDance năm 2020 vẫn gấp đôi năm trước, đạt 37 tỉ USD nhờ doanh thu quảng cáo tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường nội địa. Đó là tiền đề cho thương vụ trị thâu tóm trị giá lên đến 4 tỉ USD với đối tác Moonton, gaming studio nổi tiếng có trụ sở tại Thượng Hải với tựa game Mobile Legends: Bang Bang, theo nguồn tin của hãng Reuters.
Nuverse, nhánh game của ByteDance, thành lập năm 2019, đứng sau thương vụ thâu tóm này.
“Thông qua sự hợp tác giữa các nhóm và rút ra bài học và hiểu biết sâu sắc từ tăng trưởng nhanh chóng của mình, Moonton đem lại hỗ trợ chiến lược cần thiết để đẩy mạnh dịch vụ trò chơi Nuverse cung cấp trên toàn cầu”, ByteDance thông báo. Trong một bản ghi nhớ nội bộ, Yuan Jing, Giám đốc điều hành của Moonton, cho biết studio sẽ tiếp tục hoạt động độc lập với ByteDance sau khi được mua lại.
Tencent, công ty truyền thông xã hội và trò chơi điện tử lớn nhất Trung Quốc, cũng từng đàm phán với Moonton nhưng studio thành lập từ năm 2014 này đã nhận lời với ByteDance. Việc này đặt ByteDance vào thế cạnh tranh trực tiếp với Tencent và thể hiện tham vọng chiếm nhiều phần hơn trong miếng bánh ứng dụng game trên di động trị giá 86 tỉ USD cũng như mở rộng ra thị trường quốc tế.
“Đây là một thương vụ rất lớn trong ngành công nghiệp trò chơi trên thế giới, chứ không chỉ ở Trung Quốc. Tôi tin rằng ByteDance sẽ còn tiếp tục tìm kiếm các studio khác nữa”, Serkan Toto, CEO của hãng tư vấn Kantan Games, trả lời phỏng vấn CNBC về việc thâu tóm trên.
Nỗ lực vươn ra quốc tế của ByteDance
Tencent là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực game di động và đứng sau một số tựa game hàng đầu như Liên Minh Huyền Thoại (League of Legends) hay game bắn súng PUBG.
Tencent đạt được thành tựu này chỉ trong vài năm là nhờ chiến lược mua lại hoặc nắm cổ phần chiến lược trong các công ty game nhỏ hơn cũng như phát triển tựa game của riêng mình. Điều này giúp Tencent nhanh chóng có được danh mục trò chơi phong phú, thu tiền về cho công ty và giúp mở rộng ra quốc tế.
Đây rõ ràng chính là hướng đi mà ByteDance đang thực hiện. Khi thâu tóm được Moonton, tựa game phổ biến ở Đông Nam Á là “Mobile Legends”, đấu trường chiến đấu trực tuyến nhiều người chơi (MOBA) 5 đấu 5 sẽ nằm trong tay ByteDance.
ByteDance năm 2020 cũng đã hợp tác với công ty trò chơi Gravity để phát hành “Ragnarok X: Next Generation” trong khu vực Đông Nam Á.
“Bytedance đang áp dụng cách tiếp cận toàn cầu đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử của mình ngay từ ngày đầu tiên”, công ty phân tích trò chơi Niko Partners viết trong một lưu ý cho khách hàng.
Trong cùng danh mục, “Mobile Legends” cạnh tranh trực tiếp với "Honour of Kings" (Vương giả vinh diệu) của Tencent và "Liên minh huyền thoại" do Riot Games (công ty mà Tencent nắm 100% cổ phần) phát triển. Moonton cũng từng bị Riot kiện ở Mỹ vì đạo nhái hình ảnh Liên Minh Huyền Thoại.
Trong mảng game di động, ByteDance chỉ là một “kỳ lân” non trẻ. Tính trong quý 3 năm 2019, Tencent chiếm 55,8% tổng doanh thu thị trường Trung Quốc trong lĩnh vực này, NetEase, một công ty game khác, chiếm 17,3 %. Đầu năm 2020, ByteDance mới lần đầu tiên dành vị trí “head of gaming” cho Yan Shou, người từng là giám đốc chiến lược ở Tencent.
Tuy nhiên, ByteDance có lợi thế nhờ ứng dụng video ngắn Douyin ở Trung Quốc và TikTok ở thị trường quốc tế. Năm ngoái, ByteDance cho biết Douyin có 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày và TikTok có 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Công ty có thể sử dụng nền tảng truyền thông xã hội này để quảng cáo trò chơi và thu hút người dùng.
“Với sự lãnh đạo của Bytedance, hai công ty (Moonton và ByteDance) có thể tận dụng TikTok/Douyin để quảng bá Mobile Legends ở các thị trường như Trung Quốc và Mỹ, nơi mà Vương giả vinh diệu hay Liên Minh Huyền Thoại là các tựa game thống lĩnh danh mục game MOBA”, công ty Niko Partners cho biết.
Nhưng ByteDance không thể chỉ dựa vào việc thâu tóm để thành công trong lĩnh vực trò chơi. “Thách thức lớn nhất đối với Bytedance là tạo ra một tựa game hit do chính mình phát triển để có thể hoạt động lâu dài", Niko Partners nói thêm./.
Nguồn tham khảo:
https://www.cnbc.com/2021/03/23/bytedance-takes-on-tencent-with-major-gaming-studio-acquisition.html
https://www.reuters.com/article/us-bytedance-videogames-mooton-idUSKBN2BE0ES
https://www.techinasia.com/bytedances-revenue-doubled-37b-2020-sources
https://www.theguardian.com/technology/2020/jan/15/mobile-gaming-collects-biggest-revenue-share-of-app-stores-spending
https://technode.com/2020/02/18/bytedance-appoints-dedicated-head-of-gaming-report/
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu