Phụ nữ Afghanistan lo sợ trở về “thời kỳ đen tối” dưới ách cai trị của Taliban

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong lúc nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan giành được quyền lực và lãnh thổ, phụ nữ Afghanistan sợ hãi khi nghĩ về tương lai của mình.
Nhiều phụ nữ tham gia Loya Jirga, Đại hội đồng, đóng góp chính sách kinh tế và chính phủ Afghanistan (Ảnh: AFP)
Nhiều phụ nữ tham gia Loya Jirga, Đại hội đồng, đóng góp chính sách kinh tế và chính phủ Afghanistan (Ảnh: AFP)

Nhóm phiến quân Taliban tiếp tục cuộc chiến chết chóc để giành quyền kiểm soát lãnh thổ Afghanistan sau khi lực lượng Mỹ và NATO rút khỏi. Trong khi nhóm này sắp tiến sát các thành phố lớn từng là thành trì của chính phủ, như Badakhshan và Kandahar, nhiều người dân Afghanistan – và cả thế giới – lo ngại Taliban sẽ giành quyền kiểm soát hoàn toàn.

Và có lẽ phụ nữ Afghanistan là những người có lý do để lo sợ nhóm phiến này nhất.

Asia Times đã dẫn lại kết quả thăm dò của một nhóm học giả thực hiện với 15 nhà hoạt động, các lãnh đạo cộng đồng và chính trị gia là nữ ở Afghanistan trong năm qua, một phần trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ. Vì lý do an toàn nên những phụ nữ tham gia thăm dò chỉ không sử dụng tên họ đầy đủ.

“Thay đổi tư tưởng của Taliban là điều bất khả thi” – một nhà hoạt động nữ quyền đến từ thủ đô Kabul, nói – “Tư tưởng hệ cốt lõi của họ chính là chủ nghĩa chính thống trong tôn giáo, đặc biệt là với phụ nữ”.

Từ nô dịch hóa cho tới Quốc hội

Taliban cai trị tất cả lãnh thổ của Afghanistan trong khoảng 1996 – 2001. Trong giai đoạn này, tất cả người dân đều phải tuân thủ theo những quy định cực kỳ hà khắc của đạo Hồi, chủ yếu do cách hiểu bảo thủ của Taliban. Nhưng hà khắc nhất chính là đối với phụ nữ.

Phụ nữ không được phép rời khỏi nhà mà không có người bảo hộ là nam, buộc phải che phủ thân thể kín từ đầu cho tới chân bằng một chiếc áo choàng dài gọi là Burqa. Họ không được phép tới các trung tâm y tế, đi học hay làm việc.

Những người phụ nữ Afghanistan phải phủ Burqa kín mít đi ngang qua các tay súng Taliban, năm 2001 (Ảnh: AFP)

Những người phụ nữ Afghanistan phải phủ Burqa kín mít đi ngang qua các tay súng Taliban, năm 2001 (Ảnh: AFP)

Vào năm 2001, Mỹ lao vào cuộc chiến ở Afghanistan, lật đổ chế độ Taliban và hợp tác với người Afghanistan để thành lập một chính phủ dân chủ.

Thực chất, cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan là nhằm mục đích săn lùng trùm khủng bố Osama bin Laden, kẻ đứng đằng sau sự kiện khủng bố ngày 11/9 ở nước Mỹ. Taliban lúc bấy giờ che giấu bin Laden ở Afghanistan. Tuy nhiên, Mỹ lại lấy nữ quyền ra như lời biện minh để chiếm đóng vùng đất này.

Sau khi Taliban bị quét sạch, phụ nữ bắt đầu được hưởng những quyền lợi mà trước đây họ chưa từng có. Họ được tham gia các lĩnh vực như luật pháp, y tế và cả chính trị. Phụ nữ cũng chiếm tới ¼ số nghị sĩ trong Quốc hội Iran, và vào năm 2016, hơn 150.000 phụ nữ được bầu chọn vào các vị trí quan chức địa phương.

Nói một đằng, làm một nẻo

Năm ngoái, sau 20 năm đóng quân ở Afghanistan, Mỹ đã ký một thỏa thuận với Taliban trong đó nhất trí rút hết binh sĩ Mỹ nếu như Taliban cắt đứt quan hệ với al-Qaida và tham gia các vòng hòa đàm với chính phủ Afghanistan.

Trong các vòng đàm phán với Mỹ, các thủ lĩnh của Taliban nhấn mạnh rằng họ mong muốn trao quyền cho phụ nữ “theo đạo Hồi”. Tuy nhiên, những người phụ nữ tham gia khảo sát nói, họ tin rằng Taliban không bao giờ muốn có bình đẳng giới.

“Taliban có thể học được cách quý trọng Twitter và mạng xã hội để truyền bá tư tưởng, nhưng những hành động thực tế của họ cho chúng tôi thấy rằng họ không hề thay đổi” – Meetra, một nữ luật sư, trả lời thăm dò.

Taliban không cho phép phụ nữ tham gia vào đội ngũ đàm phán của họ, và trong lúc các tay súng địa phương của họ đang đánh chiếm nhiều khu vực, nữ quyền dường như bị tước đoạt dần.

Một nữ giáo viên đến từ tỉnh Mazar-e-Sharif, mới đây bị rơi vào tay Taliban, nói: “Ban đầu, khi chúng tôi thấy các cuộc phỏng vấn Taliban trên truyền hình, chúng tôi đã hy vọng có hòa bình, như thể Taliban đã thay đổi. Nhưng khi tôi quan sát họ kỹ hơn, họ vẫn chả thay đổi gì hết”.

Sử dụng các dàn loa phóng thanh, chiến binh Taliban ở các khu vực dưới sự kiểm soát của mình thường xuyên tuyên bố rằng phụ nữ giờ gần phải mặc Burqa và phải có người bảo hộ nam mới được ra đường. Taliban cũng đốt các trường học, thư viện và phòng thí nghiệm máy tính.

“Chúng tôi tiêu hủy chúng và xây dựng nên những ngôi trường tôn giáo của mình, để huấn luyện chiến binh Taliban trong tương lai” – một chiến binh Taliban đến từ Herat trả lời phỏng vấn kênh France 24 của Pháp vào tháng 6/2021.

Trong những ngôi trường tôn giáo dành cho nữ giới mà Taliban vận hành, học sinh được học vai trò “phù hợp” của phụ nữ theo đạo Hồi, theo cách hiểu bảo thủ của Taliban. Và vai trò này chủ yếu là làm nội trợ.

Những hành động như vậy khiến rất nhiều người ở Afghanistan có suy nghĩ rằng Taliban không đồng tình với những nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ, trong đó có bình đẳng giới và sự tự do được thể hiện bản thân. Các nhà đàm phán của Taliban còn yêu cầu người dân Afghanistan chấp nhận một bản Hiến pháp mới mà sẽ biến nước này thành một “tiểu vương quốc” – một nhà nước Hồi giáo được cai trị bởi một nhóm nhỏ các thủ lĩnh tôn giáo với quyền lực tuyệt đối.

Yêu sách đó đương nhiên là không thể chấp nhận đối với chính phủ Afghanistan, bởi vậy mà các vòng đàm phán hòa bình đã lâm thế bế tắc.

Từng là một quốc gia bình đẳng

Nhà vua Allah Khan và Nữ hoàng Soraya (Ảnh: AFP)

Nhà vua Allah Khan và Nữ hoàng Soraya (Ảnh: AFP)

Rất nhiều quốc gia Hồi giáo hiện đã tăng đáng kể sự bình đẳng giới, trong đó có cả Afghanistan, nơi mà phụ nữ đã chật vật kêu gọi và giành được những quyền mới của họ trong suốt cả thế kỷ.

Vao những năm 1920, Nữ hoàng Soraya của Afghanistan đã tham gia vào việc phát triển chính trị của đất nước cùng với chồng của mình, Nhà vua Amanullah Khan. Vốn là một người hoạt động vì nữ quyền, Soraya đã đưa ra một hệ thống giáo dục hiện đại cho phụ nữ, trong đó bao gồm các ngành khoa học, lịch sử và nhiều môn học khác, bên cạnh các khóa huấn luyện kinh tế hộ gia đình truyền thống và các môn học về tôn giáo.

Vào những năm 1960, phụ nữ được tham gia vào soạn thảo bản Hiến pháp toàn diện đầu tiên của Afghanistan, được phê chuẩn năm 1964. Bản Hiến pháp công nhận quyền bình đẳng của đàn ông và phụ nữ, và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ. Vào năm 1965, 4 phụ nữ được bầu vào Quốc hội Afghanistan, một số khác được làm Bộ trưởng.

Phụ nữ Afghanistan phản đối mọi sự công kích nhằm vào quyền của họ. Ví dụ, khi các nghị sĩ bảo thủ cố gắng thông qua một dự luật cấm phụ nữ đi du học vào năm 1968, hàng trăm trường học dành cho nữ giới đã tổ chức tuần hành ở thủ đô Kabul cùng nhiều thành phố khác.

Quyền của phụ nữ tiếp tục được cải thiện dưới thời chế độ chủ nghĩa xã hội được Liên Xô hậu thuân vào nhưng năm 1970 – 1980. Trong thời kỳ này, Quốc hội Afghanistan tiếp tục tăng quyền lợi giáo dục của nữ giới, và chống các hành động gây tổn hại cho phụ nữ - ví dụ hành động ép cưới để giải quyết bất đồng giữa 2 bộ tộc hay ép góa phụ cưới anh em của người chồng đã mất.

Đến giai đoạn cuối của chế độ đó, năm 1992, phụ nữ được có vai trò đầy đủ trong cộng đồng ở Afghanistan.

Nhưng đến năm 1996, sự trỗi dậy của Taliban đã làm gián đoạn quá trình đi lên của nữ quyền.

Các tay súng Taliban được chụp ở tỉnh Farah (Ảnh: AFP)

Các tay súng Taliban được chụp ở tỉnh Farah (Ảnh: AFP)

Giai đoạn hậu Taliban đã cho thấy người dân Afghanistan mong muốn có một chính phủ dân chủ và phản ứng linh hoạt hơn. Tuy nhiên, việc Mỹ rút quân giờ đe dọa sự sống còn của các thể chế dân chủ vốn đã dễ đổ vỡ của Afghanistan.

Taliban khó có thể giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử dân chủ. Chỉ khoảng 13,4% người dân nước này ủng hộ họ, theo kết quả thăm dò được The Asia Foundation thực hiện năm 2019. Bởi vậy, Taliban phải dùng vũ lực để giành quyền lực, giống như điều họ từng làm trong khoảng những năm 1990. Nhiều phụ nữ hy vọng rằng lịch sử đó sẽ không lặp lại.

Theo Asia Times