Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần có thái độ kiên quyết hơn với Facebook và Youtube

VietTimes -- Theo trao đổi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên trả lời chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tại hội trường chiều nay, hiện, thị trường quảng cáo trực tuyến, Facebook và Youtube đã chiếm 80%, doanh thu của hai công ty này là 350 triệu USD. Đồng thời, chúng ta phải có thái độ kiên quyết hơn đối với các mạng xã hội này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ một số vấn đề của ngành TT&TT trong phiên trả lời chất vấn chiều nay. Ảnh: AL
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ một số vấn đề của ngành TT&TT trong phiên trả lời chất vấn chiều nay. Ảnh: AL
Theo dõi phiên trả lời chất vấn tại đây:
 

Bộ Thông tin đã kiến nghị sớm có kết luận thanh tra AVG

Trả lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP.HCM, về thông tin chuyển nhượng AVG, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Thanh tra Chính phủ đã thanh tra việc chuyển nhượng từ 9/2016.

Trong quá trình xây dựng kết luận, Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo để đảm bảo kết luận thanh tra chính xác, đảm bảo lợi ích doanh nghiệp. Thời gian qua, Bộ đã có kiến nghị sớm có kết luận thanh tra nhưng đến nay chưa nhận được dự thảo kết luận thanh tra để tiếp thu, giải trình.

Thái độ kiên quyết hơn đối với Facebook và Youtube

Liên quan đến việc quản lý mạng xã hội và làm rõ một số vấn đề có liên quan, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bổ sung thêm cho phần trả lời của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Ông nhấn mạnh, Việt Nam có 67% người dân sử dụng Internet và 60% sử dụng mạng xã hội. Ở Việt Nam, phần lớn khi nói về lĩnh vực này, khi nói về thị trường gần như là của các công ty nước ngoài. Mạng xã hội có 95% thị phần của nước ngoài. Công cụ tìm kiếm 98% là của nước ngoài. Về thư điện từ 98% là Yahoo và Gmail. Về thương mại điện tử 80% là của nước ngoài. Còn về trò chơi điện tử chúng ta còn 60%.

Hiện, thị trường quảng cáo trực tuyến, Facebook và Youtube đã chiếm 80%, doanh thu của hai công ty này là 350 triệu USD. Vì vậy chúng ta phải có thái độ kiên quyết hơn. Các nước đều làm cả, như ở Trung Quốc có mạng xã hội của họ. Người ta làm đương nhiên có công cụ pháp luật và đương nhiên là có các nhà cung cấp dịch vụ khác. Người ta cũng có các biện pháp kỹ thuật như chặn, lọc và làm chậm lại khi cần thiết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần có thái độ kiên quyết hơn với Facebook và Youtube ảnh 1Phiên họp chiều nay tại Hội trường.

Được biết, trước phần trao đổi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ĐBQH Vũ trọng Kim bày tỏ sự hoang mang sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc quản lý mạng xã hội. Bày tỏ sự hoang mang sau trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Vũ Trọng Kim nêu một số vấn đề tranh luận: Thứ nhất, mạng xã hội hiện nay áp đảo là áo đảo gì? Áp đảo dư luận xã hội hay áp đảo báo chí. Nếu vậy thì mặt trận chủ quyền Thông tin truyền thông cần phải xem lại.

Tổng kết phần chất vấn của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: "Phó thủ tướng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã giải trình nhiều vấn đề liên quan. Các đại biểu hỏi rõ, đúng vấn đề. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời trước Quốc hội nhưng rất thẳng thắn. Việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Phó thủ tướng nhận được sự hài lòng của ĐBQH".

Thứ hai, ĐBQH này cho rằng khi Google, Facebook làm quá, làm sai phải có cách gì xử lý chứ không chỉ thể trách móc họ được. Đây là vấn đề cần phải chú ý để giữ vững mặt trận thông tin.

Và thứ 3, Việt Nam không phải là mảnh đất không chủ đất hoang mà kinh doanh thu hơn 100 triệu USD không đóng thuế. Trong trường hợp này, Bộ trưởng có cần phải yêu cầu Quốc hội ra nghị quyết để xử lý.

Lấy báo chí để dẫn dắt mạng xã hội

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc xử lý người dùng mạng xã hội nặc danh, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước trên phương diện truyền thông, Bộ TT&TT đã làm việc với các nhà mạng có văn phòng đại diện, có quan hệ hợp tác với Việt Nam và yêu cầu các nhà mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Sự hợp tác này bước đầu đã đạt kết quả khả quan. Hiện đã gỡ được trên 5.000 clip có thông tin xấu, độc hại, chống phá lợi ích của Nhà nước Việt Nam… trên Youtube.

Lý giải về việc số lượng clip được gỡ này còn ít, Bộ trưởng nêu rõ, các nhà mạng cho biết cứ mỗi phút đồng hồ trôi qua thì thời lượng clip tung lên mạng xã hội tương đương với khoảng 48 giờ đồng hồ nên bản thân họ cũng không thể kiểm soát được. Nếu phía Việt Nam thấy có vi phạm pháp luật của Việt Nam thì chuyển cho nhà mạng, họ xử lý.

Hiện nay, cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang làm việc tiếp với Youtube để có bộ chặn lọc; đồng thời rà soát hệ thống pháp luật, có chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm trên mạng xã hội.

Để hạn chế tình trạng thông tin xấu, độc tràn lan trên mạng xã hội thì một giải pháp cũng đã được nêu trong Báo cáo của Bộ TT&TT là thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, thực hiện chính sách hỗ trợ các trang mạng do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp thì phải ưu tiền đồng bộ cả tài chính, thuế, giảm thủ tục hành chính, cũng như có chính sách ưu tiên đặc biệt để quản lý thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp thông tin số. Có như vậy mới hình thành được hệ sinh thái số lớn mạnh ở Việt Nam, và khi đó mới có cơ sở để doanh nghiệp Việt phát triển trang mạng thay thế facebook, youtube trong 5 - 7 năm tới.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trong phiên trả lời chất vấn chiều nay. Ảnh: ALBộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trong phiên trả lời chất vấn chiều nay. Ảnh: AL

Bộ trưởng cũng cho rằng, phải có sự chung tay của 4 nhà: Nhà cung cấp hạ tầng viễn thông  – nhà mạng xã hội - nhà quảng cáo và nhà phát triển nội dung trong nước thì mới hy vọng xây dựng hệ thống sinh thái số Việt Nam.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, phải lấy báo chí làm hạt nhân dẫn dắt mạng xã hội, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực. Báo chí phải định hướng và tuyên truyền thông tin tốt, để thông tin tốt ngày càng phát triển và hạn chế nhiều hơn thông tin xấu. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho rằng, dù ngành TT&TT có tích cực, làm nhiều hơn nữa cũng không thể tránh khỏi sai sót, không thể hoàn thiện đầy đủ. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn, các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm giám sát và chỉ ra các hạn chế để ngành TT&TT tiếp tục vươn lên, thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước của mình.

Trung bình có hơn 1.100 cuộc tấn công mạng mỗi tháng

Tình hình tấn công mạng diễn ra nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hết tháng 10/2017, có hơn 11.000 cuộc tấn công mạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngay trong hội nghị APEC có 27 cuộc tấn công mạng có chủ đích ở trung tâm hội nghị cấp cao và trung tâm báo chí, 17 lỗ hổng được phát hiện và hàng nghìn cuộc có nguy cơ tấn công. 

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra hiện có 41% cơ quan, tổ chức không thực hiện đánh giá rủi ro, không phát hiện nguy cơ mã độc tiềm ẩn trong hệ thống; 51% cơ quan, tổ chức chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi, xử lý khi xảy ra sự cố; 73% cơ quan, tổ chức chưa triển khai các biệ pháp an toàn thông tin...

Thực tế cho thấy nhận thức về đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng chưa đầy đủ. Nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng còn mỏng. Cùng với đó, chúng ta cũng chưa thu hút được các nhân tài do chế độ đãi ngộ hạn chế.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nghe các nhân viên làm nhiệm vụ báo cáo về tình hình an ninh mạng trong những ngày tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nghe các nhân viên làm nhiệm vụ báo cáo về tình hình an ninh mạng trong những ngày tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Ảnh tư liệu: VNPT

Cần cơ chế hỗ trợ DN trong nước phát triển MXH

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân về vụ chuyển nhượng Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) về Mobifone, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là vấn đề đang được thanh tra, do vậy phải "chờ khi nào có kết luận thanh tra mới có cơ sở để báo cáo". Theo đó, chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân sẽ chưa được Bộ trưởng Thông tin Truyền thông trả lời trực tiếp trên Hội trường.

Tiếp tục nội dung của phiên chất vấn buổi sáng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tiếp tục đăng đàn. Ngay phần trả lời cho câu hỏi đầu tiên về việc quản lý mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội nước ngoài, ông cho rằng rất nhiều doanh nghiệp tham vọng xây dựng thương hiệu cạnh tranh với Fcebook, Google.

Ông cho rằng, từ năm 2008, chúng ta đã có những trang mạng xã hội được kỳ vọng có thể cạnh tranh với Facebook, Google nhưng chỉ hoạt động được một thời gian. Chúng ta có thể thí điểm phát triển mạng xã hội trong nước nhưng phải có cơ chế đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp số trong nước.

Sau giờ nghỉ trưa, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục trả lời chất vấn về các vấn đề được dự luận quan tâm hiện nay như việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn: Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan (nếu có).
Buổi chiều, từ 14h00 đến 16h50 (giải lao từ 15h30-15h50), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 3.

Từ 16h50 đến 17h00, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có 70 đại biểu đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. 
Trong phiên trả lời chất vấn buổi sáng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã trả lời thẳng thắn vào các vấn đề như quản lý mạng xã hội, quảng cáo trên các phương tiện thông tin và truyền thông,... Trong buổi chiều nay, ông sẽ tiếp tục làm rõ các vấn đề mà các ĐBQH quan tâm dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Các đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp); Mong Văn Tình (Nghệ An); Nguyễn Lân Hiếu (An Giang); Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An); Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình); Phạm Văn Tuân (Thái Bình); Cao Thị Xuân (Thanh Hóa); Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên);... chất vấn các nội dung: Giải pháp đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử; giải pháp xử lý bất cập xã hội hóa truyền hình, truyền hình thương mại "lấn lướt" truyền hình công; giải pháp xử lý một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động báo chí (thông tin giật gân, câu khách, thông tin chưa chính xác, thiếu kiểm chứng, sai sự thật, chưa đúng tôn chỉ mục đích,...); giải pháp ngăn chặn tình trạng quảng cáo tràn lan, sai sự thật, gây nguy hại trên mạng internet; cách phân loại thông tin độc hại để quản lý, tránh ngăn chặn thông tin phản biện; giải pháp đột phá để kiểm soát thông tin mạng (đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, nói xấu cá nhân, tổ chức);...