Đây là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương tổ chức để người dùng cùng tham gia tương tác, trải nghiệm công nghệ số, thương mại điện tử. Chương trình kéo dài đến 9/12.
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh sau 5 năm tổ chức, sự kiện Online Friday đã có sự phát triển, trưởng thành về cả số lượng, chất lượng. Số lượng doanh nghiệp tham gia, đơn hàng, doanh số ngày càng tăng, chất lượng hàng hóa được nâng cao, Ban tổ chức đã kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa, giá ảo, nhiều thương hiệu nổi tiếng đã tham gia chương trình.
Doanh nghiệp khi đăng ký tham gia chương trình phải đăng ký rõ nguồn gốc xuất xứ, mức chất lượng, giảm giá. Ban tổ chức cũng đổi mới các phương thức thanh toán, mua hàng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
“Để làm được việc này, Bộ Công Thương đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong mua bán, trao đổi hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của nền kinh tế số, thương mại điện tử đa kênh”, Bộ trưởng chia sẻ.
Online Friday trở thành Ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm do Bộ Công Thương tổ chức từ năm 2014 và ngày càng có quy mô, sức lan tỏa. Ban tổ chức hiện đặt mục tiêu sẽ có hơn 5.000 sản phẩm giảm giá tham gia.
Online Friday - sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm của Việt Nam sẽ diễn ra trong 24h ngày thứ 6 (07/12/2018) với chủ đề “Giảm giá siêu chất & Chất lượng chính hãng”. Dự kiến đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng, với trên 2 triệu đơn hàng trong 24h ngày diễn ra sự kiện. Ban tổ chức Online Friday 2018 cũng dự kiến có thể đáp ứng 5 triệu lượt người truy cập hệ thống và 120.000 người truy cập cùng lúc.
Về công nghệ, chương trình tiếp tục áp dụng thanh toán qua mã QR code, POS. Hệ thống kỹ thuật được chuẩn bị để đảm bảo 5 triệu lượt truy cập cùng thời điểm.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết, để giải quyết vấn đề chất lượng sản phẩm tham gia khuyến mại Ban tổ chức đã yêu cầu doanh nghiệp cam kết khi đưa lên hệ thống phải có văn bản, cung cấp thông tin chứng nhận về xuất xứ. Ban tổ chức cũng phối hợp với các hệ thống so sánh giá để đảm bảo các sản phẩm trước kia khi đưa lên hệ thống được kiểm tra giá so với giá trị trường.
Online Friday lần đầu được tổ chức vào năm 2014 với 400.000 lượt truy cập, 160.000 đơn hàng được bán, doanh số 154 tỷ đồng. Đến năm 2017, đã có 2,4 triệu lượt truy cập vào trang mua sắm của chương trình với 1,3 triệu đơn hàng được giao dịch, doanh thu 1.223 tỷ đồng.
Những điểm nhấn đáng chú ý khác của Online Friday 2018: - Doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được các nhà chuyển phát đồng hành cùng chương trình như VnPost, ViettelPost, Ninjavan, Lalamove, Snailship,… hỗ trợ chi phí chuyển phát trong thời gian diễn ra sự kiện. - 20 ngân hàng đồng hành cùng Ban tổ chức sẽ hỗ trợ hoạt động thanh toán, cash-back cho người tiêu dùng sử dụng thẻ thanh toán trong hoạt động mua sắm trong thời gian diễn ra sự kiện. Các Hệ thống trung gian thanh toán, cổng thanh toán, trong thương mại điện tử sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tích hợp thanh toán và phí thanh toán trong thời gian diễn ra chương trình. - Về pháp lý, Online Friday 2018 sẽ là chương trình khuyến mãi trực tuyến tập trung đầu tiên trong năm 2018 do Chính phủ tổ chức, triển khai theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 05 năm 2018 quy định chi tiết về luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó: • Các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. • Hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại 100% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định. |
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu