Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa: “Giải pháp Jitsi cần thời gian để khẳng định chất lượng, chỗ đứng trên thị trường”

VietTimes -- Trong thời gian qua, Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT đã có nhiều chương trình hành động cùng cả nước phòng chống dịch Covid-19. Phóng viên VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa

Pv: Ông có thể điểm một số kết quả nổi bật mà Cục đã triển khai trong thời gian qua?

ông Nguyễn Hữu Hạnh: Thời gian qua, Cục Tin học hóa đã có nhiều cố gắng trong công tác thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần giúp xã hội có thể hoạt động bình thường, cụ thể:

Về cơ chế, chính sách Cục Tin học hóa đã chủ trì và phối hợp xây dựng để ban hành 1 Nghị định của Chính phủ; 2 thông tư, các công văn hướng dẫn, chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Cục đã vận động các doanh nghiệp công nghệ xây dựng, đồng hành, hỗ trợ người dân như: đào tạo trực tuyến; hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến,..

Đặc biệt, Cục đã chủ trì xây dựng các ứng dụng cụ thể như: ứng dụng NCOVI nhằm hỗ trợ người dân toàn quốc khai báo y tế tự nguyện, góp phần phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra; giải pháp hội nghị trực tuyến giúp học và họp trực tuyến; ứng dụng Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth để xác định người dùng smartphone đã từng tiếp xúc những người có kết quả dương tính với Covid-19 hay không...

PV: Thời gian qua Cục Tin học hóa đã giới thiệu giải pháp học và làm việc trực tuyến của Việt Nam nào chưa, vì sao tôi thấy các đơn vị và trường học vẫn dùng giải pháp của nước ngoài?

ông Nguyễn Hữu Hạnh: Như đã nói ở trên, thời gian vừa qua, Cục Tin học hóa đã cung cấp giải pháp hội nghị trực tuyến (EGOVC Jitsi) tại địa chỉ emeeting.mic.gov.vn miễn phí cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu. Đây là giải pháp được xây dựng trên nền tảng mã nguồn mở Jitsi từ khá sớm. Việc thử nghiệm được tiến hành từ cuối năm 2019, đến đầu tháng 3/2020 thì chính thức cung cấp cho cộng đồng. Như vậy, việc cung cấp giải pháp này là kịp thời đáp ứng yêu cầu giãn cách xã hội khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu.

Tuy nhiên, do mới cung cấp cho cộng đồng nên một số đơn vị vẫn dùng giải pháp của nước ngoài là những giải pháp đã triển khai khá lâu trên thị trường và đã quen thuộc với người sử dụng.

PV: Giải pháp Hội họp trực tuyến dùng phần mềm Jitsi có phải được đưa ra hơi muộn hay không khi nhiều nơi đã mua bản quyền Zoom hay Microsoft Teams thưa ông?

ông Nguyễn Hữu Hạnh: Tôi cũng đã đề cập đến vấn đề này ở trên, ứng dụng Jitsi được thử nghiệm từ cuối năm 2019, đến đầu tháng 3/2020 thì chính thức cung cấp cho cộng đồng và cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu xã hội. Mặc dù sản phẩm này là miễn phí thì vẫn cần thời gian để sản phẩm hoàn thiện, khẳng định được chất lượng, chỗ đứng trên thị trường. Do đó, một số nơi đã mua bản quyền các phần mềm đã có thương hiệu, có vị trí trên thị trường.

PV: Trên thực tế, vào thời điểm ban đầu khi nhiều công ty và trường học phải cho nhân viên và học sinh làm việc tại nhà, họ đã rất lúng túng để tìm giải pháp cho hội họp trực tuyến. Xin ông đánh giá công tác truyền thông và tư vấn của Cục Tin học hóa trong giai đoạn vừa qua?

ông Nguyễn Hữu Hạnh: Theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, toàn ngành đã có hỗ trợ to lớn cho cộng đồng nhằm phục vụ phòng chống dịch. Có hàng chục kênh truyền hình phát sóng các bài giảng giáo dục phổ thông. Kho bài giảng E-learning với 5.000 bài giảng giáo dục phổ thông đã và đang được các giáo viên, học sinh trên cả nước khai thác, sử dụng miễn phí.

Đặc biệt, các doanh nghiệp viễn thông đã cung cấp miễn phí dịch vụ nhắn tin phục vụ thông tin chỉ đạo điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, miễn phí cước data di động cho học sinh, giáo viên và phụ huynh khi sử dụng các giải pháp đào tạo trực tuyến do Bộ TT&TT và Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Hỗ trợ miễn phí hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền cho các cơ sở đào tạo đại học, miễn phí giải pháp đào tạo trực tuyến cho toàn bộ các trường phổ thông, đại học trên toàn quốc. Toàn ngành thông tin và truyền thông đều đồng lòng, cố gắng hết mình hỗ trợ cho các doanh nghiệp và đều tạo được dấu ấn riêng của mình.

PV: Hiện nay, việc giãn cách xã hội đã bắt đầu được Chính phủ cho nới lỏng, liệu các gói hỗ trợ có còn được tiếp tục duy trì không? Điển hình như việc hỗ trợ học trực tuyến, hay việc miễn giảm cước điện thoại di động cho khách hàng?

ông Nguyễn Hữu Hạnh: Theo cam kết của các doanh nghiệp, việc hỗ trợ trên vẫn được tiếp tục cho đến khi hết dịch bệnh Covid-19.

PV: Theo ông, “hậu Covid-19”, Bộ TT&TT có thể có những chính sách gì để sớm góp phần cùng cả nước khôi phục nền kinh tế?

ông Nguyễn Hữu Hạnh: Ngày 24/4/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số, khôi phục và tăng tốc nền kinh tế trong thời gian tới đồng thời góp phần khắc phục những hậu quả mà đại dịch Covid-19 đã gây ra.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này