"Những gì Bamboo Airways làm được là đáng kinh ngạc!"
Tại phiên 1 của tọa đàm “Bay thẳng Việt - Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh”, Chủ tịch Bamboo Airways - ông Trịnh Văn Quyết - chia sẻ đã nhận được nhiều sự chú ý, cũng như nghi ngờ khi FLC công bố việc gia nhập lĩnh vực hàng không.
“Nhiều người đã chia sẻ với tôi rằng những gì Bamboo Airways làm được trong thời gian vừa qua rất là kinh ngạc. Hãng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận như là hãng bay đúng giờ nhất, an toàn nhất, với tỷ lệ lấp đầy trên 90%” - ông Quyết cho biết. Người đứng đầu hãng hàng không Bamboo Airways còn đánh giá cao sự minh bạch, “chính xác đến từng con số” của lĩnh vực hàng không.
Phân tích thêm vê đường bay thẳng tới Mỹ, ông Trịnh Văn Quyết đã đưa ra những con số khá chi tiết, sau buổi họp diễn ra cả ngày hôm trước, để khẳng định đường bay này sẽ không lỗ như nhiều người lo ngại.
Nhận định về thị trường, ông Quyết lấy ví dụ về Singapore với dân số chỉ có khoảng 5,8 triệu người, trong khi Việt Nam có dân số tới 100 triệu người. Hãng hàng không Singapore Airlines phải tìm kiếm khách trên cả thế giới, bao gồm cả Việt Nam cho đường bay tới Mỹ.
Trong khi đó, chỉ riêng tại bang California, người Việt ở đây đã lên tới 2 triệu người, bằng nửa dân số của Singapore. Con số được cơ quan quản lý cho biết có tới 700.000 khách hàng/năm từ đường bay này. Do đó, không có lý do để cho rằng việc mở đường bay thẳng Việt - Mỹ không tiềm năng, không có khách hàng.
“Người ta có bay hãng hàng không của mình hay không thì lại là một câu chuyện khác” - ông Quyết đánh giá.
Phép tính của ông Trịnh Văn Quyết
Chủ tịch Bamboo Airways tiếp tục đưa ra các con số để chứng minh tính khả thi khi mở đường bay thẳng tới Mỹ và tự tin hãng sẽ có lãi.
Trong trường hợp chưa có máy bay, Bamboo Airways phải thuê tàu bay Boeing 787 - 9 thì tiền thuê máy bay là 1 triệu USD/tháng/chiếc (khoảng 23 tỷ đồng). Tiền nhiên liệu khoảng 900 USD/tấn, bay 2 chiều, thì sẽ tốn khoảng 175 tấn/chuyến, tương đương với 61 tỷ đồng/tháng. Mỗi tháng chỉ bay khoảng 17 ngày và mỗi chuyến bay thông thường khoảng 15 - 17 tiếng. Bên cạnh đó là chi phí bảo dưỡng khoảng 16 tỷ, chi phí mặt đất khoảng 1 tỷ và chi phí khác 6 tỷ/tháng.
Như vậy, theo phương án này, chi phí mỗi tháng sẽ rơi vào khoảng 113 tỷ/tháng.
Về mặt doanh thu, giả sử Bamboo Airways bán với mức giá 1.100 USD/vé, chuyên chở 240 khách (tăng số lượng ghế hạng C) thì số tiền hãng thu về vào khoảng 116,3 tỷ đồng. Số lỗ rơi vào khoảng 14 tỷ.
“Tuy vậy, chỉ cần tăng lêm khoảng 200 USD (vé khứ hồi) thì số lãi sẽ lên mức 8,4 tỷ đồng” - ông Trịnh Văn Quyết phân tích.
Giai đoạn đầu hãng có thế áp dụng hình thức khuyến mãi nên giá vé sẽ thấp hơn nhưng khi ổn định, khách hàng có sự tin tưởng rồi thì hãng có thể nâng giá vé lên “một vài trăm đô” thì hãng đã có thể có lãi hơn 8 tỷ đồng. Mặt khác, so với các hãng trong khu vực như Japan Airlines (1.600 USD/vé) và Cathay (1.300 USD/vé) thì mức giá của Bamboo Airways khá cạnh tranh.
Trong khi đó, nếu thuê máy bay Airbus 350 thì số lãi của hãng thậm chí còn được nâng lên mức 28 tỷ đồng/tháng.
Trong trường hợp mua máy bay, vị Chủ tịch Bamboo Airways cho biết nếu được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép sớm, hãng có thể nhận máy bay Boeing 787 - 9 “ngay trong tháng 10 năm nay”.
Ngoài ra, thừa nhận cũng có rủi ro trong việc mở đường bay tới Mỹ, ông Quyết cho biết nếu số hành khách thấp hơn số ghế đã dự tính, hãng cũng có kế hoạch phù hợp, có thể là rút xuống một nửa số chuyến bay.
“Đây là áp dụng trong trường hợp bay thẳng, không dừng đỗ ở nước nào cả. Còn t rong trường hợp dừng đỗ tại một nước thứ 3 (Hàn Quốc, Nhật Bản) thì số lãi của Bamboo Airways còn lớn hơn nhiều vì hãng sẽ thu hút được thêm nhiều khách hàng” - ông Trịnh Văn Quyết tỏ ra tự tin./.