Phát triển cây dược liệu ở Điện Biên: Đổi đời cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Điện Biên có tiềm năng phát triển các loại cây dược liệu quý như cẩu tích, sa nhân, thảo quả, đẳng sâm... theo hướng tập trung gắn với chế biến, dựa vào thế mạnh có diện tích rừng lớn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Thảo quả là một trong các cây dược liệu quý được phát triển mạnh ở Điện Biên (ảnh: Dienbienphu)
Thảo quả là một trong các cây dược liệu quý được phát triển mạnh ở Điện Biên (ảnh: Dienbienphu)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, là tỉnh miền núi, Điện Biên có diện tích rừng lớn cùng tỷ lệ che phủ rừng tới 42,96%. Vì vậy, nhằm phát huy thế mạnh từ rừng, Sở đã hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn trồng các loại cây dược liệu quý, đồng thời, thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao. Hiệu quả bước đầu đã mở ra hướng đi mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên, khi giúp bà con chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế.

Với sự hỗ trợ của chính quyền, xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) đã mở rộng diện tích trồng cây thảo quả lên hơn 80ha. Hiệu quả kinh tế được khẳng định khi đã mang lại thu nhập cho người dân từ 50 - 80 triệu đồng/ha.

Còn địa bàn xã Tỏa Tình lại phù hợp để phát triển cây táo mèo và cây sa nhân nên hiện xã đã có khoảng 150ha cây sơn tra với sản lượng gần 1.000 tấn quả tươi. Từ quả táo mèo, Hợp tác xã Nông sản sạch Tây Bắc đã chế biến thành nhiều sản phẩm thuốc, thực phẩm hỗ trợ sức khoẻ, mang lại giá trị kinh tế: Táo mèo ngâm sành; giấm táo mèo; Cider táo mèo; mứt táo mèo và táo mèo sấy lạnh vv…

Toả tình.jpeg
Hội nghị tổng kết dự án thí điểm chế biến sản phẩm táo mèo ngâm sành ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên (ảnh: huyện Tuần Giáo)

Một số doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân ở huyện Tuần Giáo đã trồng được trên 60.550 cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu trên tổng diện tích hơn 2ha. Cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu sinh trưởng tốt đã khẳng định sự phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng khu vực và cho thấy định hướng phát triển cây dược liệu ở địa phương là hoàn toàn đúng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, từ nhiều năm trước, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Tây Bắc) đã trồng thử nghiệm 1 ha mô hình cây đẳng sâm, giảo cổ lam, ý dĩ.

Với chủ trương đúng, phù hợp tình hình thổ nhưỡng, khí hậu, đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính ở Điện Biên đã đạt khoảng 1.250,7ha, tập trung ở các chuyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ. Trong đó: Sa nhân 441,4ha; táo mèo 228,5ha; sả java 262 ha; tam thất 12.500 cây; thất diệp nhất chi hoa 5.500 cây; tổng sản lượng ước đạt 3.256,6 tấn.

HTX nong san sách Tay Bắc.jpg
Sản phẩm từ dược liệu của Điện Biên

Việc phát triển cây dược liệu ở Điện Biên đã tạo sự thay đổi trong phát triển nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời, góp phần bảo tồn nguồn gen các loại cây thuốc quý và tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho ngành Y học cổ truyền.

Tuy nhiên, quy mô, diện tích, sản lượng, số lượng loài dược liệu ở tỉnh Điện Biên hiện chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng như tiềm năng, lợi thế của địa phương. Người dân còn gặp khó khăn trong kỹ thuật trồng cây dược liệu, kỹ thuật đảm bảo an toàn cây trồng, sản phẩm, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ sản phẩm, nên chưa hình thành được vùng dược liệu tập trung, quy mô lớn, chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, các sản phẩm dược liệu của Điện Biên chủ yếu là sản phẩm thô. Do quy mô còn nhỏ, nên việc đưa sản phẩm dược liệu của địa phương lên sàn thương mại điện tử cũng còn gặp khó khăn nhất là trong cạnh tranh.

Để phát triển mạnh việc trồng dược liệu trên địa bàn, dần mở rộng thành vùng trồng dược liệu phục vụ ngành y học cổ truyền, Điện Biên cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển các loại cây dược liệu,đồng thời, nghiên cứu, tuyển chọn và trồng thử nghiệm để nhân rộng các giống cây dược liệu quý có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường.

Việc tạo điều kiện cũng như thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dược liệu hoạt động tại địa phương sẽ được Điện Biên quan tâm cùng với việc khuyến khích liên kết sản xuất doanh nghiệp với người dân, từ đó, sẽ mở rộng quy mô phát triển dược liệu về cả số lượng và chất lượng, thực hiện truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đủ sức cạnh tranh khi đưa lên sàn thương mại điện tử