Ngày 13/9, dưới sự chủ trì của Bộ TT&TT và UBND TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã phối hợp với quận Phú Nhuận tổ chức “Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số và triển khai thí điểm khảo sát, đo lường, đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng thương mại điện tử (TMĐT) và chuyển đổi số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng bán buôn, bán lẻ trên địa bàn quận Phú Nhuận”.
Tham dự hội nghị có ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT, bà Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch TPHCM, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM, cùng đại diện các sở, ban, ngành của thành phố, các doanh nghiệp công nghệ số và đại diện các doanh nghiệp, cửa hàng bán buôn, bán lẻ trên địa bàn quận Phú Nhuận.
Theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT, đến nay tỉ trọng TMĐT trên tổng bán lẻ của Việt Nam chỉ chiếm 8%, trong khi đó trung bình thế giới là 19,4%, đặc biệt một số quốc gia như Trung Quốc tỉ trọng này đạt 43%, Anh 35%, Hàn Quốc 28%, Mỹ 26%, cho thấy tiềm năng phát triển TMĐT của Việt Nam vẫn còn rất nhiều.
Thực tế Việt Nam có 1,4 triệu cửa hàng tạp hoá, 9.000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ và 208.995 doanh nghiệp bán buôn. Lĩnh vực này không chỉ tạo ra hàng hoá cho nền kinh tế mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Toàn bộ hoạt động bán buôn, bán lẻ đang đóng góp gần 10% cho GDP quốc gia năm 2023, cho thấy tầm quan trọng của bán buôn, bán lẻ trong phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Ông Trần Minh Tuấn cho biết, đánh giá gần nhất của Cục Kinh tế số và Thương mại điện tử của Bộ Công thương, mỗi người Việt Nam trung bình mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng, cho thấy sự phổ biến và nhu cầu ngày càng cao đối với TMĐT, giá trị thị trường TMĐT của Việt Nam liên tục tăng từ năm 2018 – 2023, doanh thu đã đạt đến 20,5 tỉ USD vào năm 2023, ước lượng tăng trưởng khoảng 200%.
Tại Trung Quốc với văn hoá kinh doanh bán lẻ giống như Việt Nam, tốc độ tăng quy mô của các chợ truyền thống đã giảm từ 0,11% vào năm 2017 xuống còn 0,05% vào năm 2023, từ đó giúp doanh thu bán lẻ TMĐT chiếm đến 27% doanh thu bán lẻ Trung Quốc và 67% dân số nước này đã sử dụng dịch vụ bán buôn, bán lẻ trên TMĐT.
Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tế tại Việt Nam, ngày 28/8, Bộ TT&TT đã phê duyệt chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số. Quận Phú Nhuận, TPHCM là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc triển khai thí điểm đầu tiên chương trình này.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Hội nghị là "phát súng" đầu tiên triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp bán lẻ, bán buôn trên cả nước, trong đó quận Phú Nhuận, TPHCM là địa bàn đầu tiên được chọn làm thí điểm.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, trong các lĩnh vực để phát triển kinh tế số, chuyển đổi số tạo ra tăng trưởng nhanh nhất là thương mại dịch vụ, vì thế cần tập trung vào chuyển đổi số ở lĩnh vực này, điển hình là TMĐT trong bán lẻ, bán buôn.
Thứ trưởng Phạm Đức Long phân tích, TMĐT trên tổng bán lẻ của Việt Nam mới chỉ 8%, nếu thay đổi được tỉ lệ này bằng với mức trung bình thế giới là 19,4%, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ thêm 2,1%, đây là một con số rất lớn.
Bộ TT&TT cũng ước tính, nếu làm TMĐT kết hợp với mạng xã hội, thì doanh thu của các doanh nghiệp có thể tăng trưởng 32%.
Ở lĩnh vực bán buôn, trên thế giới 88% doanh nghiệp bán buôn đã chuyển sang TMĐT, doanh thu hằng năm tăng trưởng 49%. Tiềm năng hiện nay của Việt Nam rất lớn, khi bán buôn trên TMĐT vẫn đang là con số 0.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chia sẻ, sau khi làm việc với chính quyền TPHCM và cam kết đồng hành trong chuyển đổi số, ở lĩnh vực kinh tế số, trọng tâm mà Bộ TT&TT và thành phố chọn đó là chuyển đổi số thương mại và dịch vụ. Thúc đẩy chuyển đổi số trong bán lẻ, bán buôn kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích thay đổi và TPHCM sẽ trở thành đầu tàu dẫn dắt cả nước đi cùng.
Với việc TPHCM chọn Phú Nhuận làm thí điểm, quan điểm của Bộ TT&TT là tiến hành thí điểm thành công rồi sẽ phổ cập và nhân rộng. Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, phổ cập ở đây là bắt buộc các địa phương khác phải làm. Bộ TT&TT kì vọng với chương trình này doanh nghiệp bán lẻ, bán buôn trên địa bàn quận Phú Nhuận sẽ tạo ra sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh của mình, tạo nên động lực phát triển kinh tế số, tạo động lực cho các quận khác của thành phố cùng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và tạo động lực cho cả nước phát triển. Việc thành công hay không của quận Phú Nhuận ở đây rất quan trọng,
Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, chương trình chuyển đổi số cửa hàng bán buôn, bán lẻ được đưa ra không phải do Bộ TT&TT tự nghĩ ra, mà mô hình này được học tập từ quốc tế, điển hình là Singapore và một số nước khác. Để đánh giá thế nào là bán lẻ, thế nào là bán buôn.
Trong chương trình này, Bộ TT&TT cũng đưa ra hoạt động khảo sát đánh giá mức độ chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ, để xem hiện nay các doanh nghiệp đang ở đâu trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ.
Bộ TT&TT cũng làm việc với các doanh nghiệp công nghệ số để hỗ trợ các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ chuyển đổi số. Các doanh nghiệp này cam kết sẽ hỗ trợ cho các đơn vị sử dụng dịch vụ miễn phí ít nhất 6 tháng, nếu thành công sau này mới thu phí, Bộ TT&TT sẽ trao đổi với các doanh nghiệp để đưa ra mức phí hợp lý nhất.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM cho biết, trong thời gian tới Sở TT&TT sẽ phối hợp với UBND quận Phú Nhuận, thực hiện các yêu cầu của chương trình đưa ra như: thí điểm khảo sát, đo lường, đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng thương mại điện tử, khả năng sử dụng công nghệ số thực hiện chuyển đổi số 2.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ hoạt động trên địa bàn quận Phú Nhuận.
Xác định nhu cầu cụ thể, khả năng tiếp cận, thách thức và rào cản mà các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ trong quá trình chuyển đổi số.
Hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Thu thập các thông tin, số liệu liên quan để làm cơ sở cho việc xây dựng và điều chỉnh các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số.
Đồng thời nắm bắt, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ để phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định chiến lược của thành phố.
Ông Đỗ Đăng Ái, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận cho biết, UBND quận Phú Nhuận sẽ triển khai chương trình một cách tích cực, đảm bảo tiến độ và đặc biệt chất lượng các phiếu khảo sát sẽ phản ánh đúng thực chất. Theo ông, việc chọn Phú Nhuận làm thí điểm sẽ giúp các hộ kinh doanh trên địa bàn tiếp cận được các công nghệ số khi chuyển đổi số.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu