Phần mềm chuyển đổi giọng nói sang văn bản do nhóm tác giả trẻ của công ty VAIS phát triển dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Lương Chi Mai. Nó có thể nhận dạng được giọng nói của 3 miền Bắc - Trung - Nam với độ chính xác tương ứng là 95% - 85% - 90%. Còn theo kết quả của một tổ chức đánh giá độc lập thì độ chính xác khi chuyển đổi giọng nói sang văn bản của phần mềm này là 93,6%. Tốc độ nhận dạng là 0,5 giây, gần như một tốc độ tức thời.
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra tuần qua, với sự phối hợp của Trung tâm CNTT Quốc hội, phần mềm này đã chính thức được đưa vào sử dụng. Mục đích là để giúp cho các đại biểu Quốc hội có thể nắm bắt tức thời và lưu trữ nhanh chóng toàn bộ nội dung của kỳ họp.
Đánh giá về phần mềm này ngay khi đứng trên bục trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét: “Tôi rất ngỡ ngàng khi phần mềm dịch âm thanh thành văn bản rất tốt. Tôi vừa đi dự Hội nghị viễn thông thế giới thì bên đấy họ cũng làm thế. Mình làm không kém gì luôn, thậm chí của mình nhanh hơn, của họ độ trễ lớn hơn. (Phần mềm của mình) độ chính xác cao, nhanh. Văn bản được lưu trữ trên iPad nên các đại biểu quốc hội không phải cầm cái túi (đựng tài liệu) rất to”.
Đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Nãy giờ Bộ trưởng nói cái gì trên máy của tôi nó hiện ra hết”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng ông đã đi nhiều và đã thử nhiều phần mềm chuyển giọng nói sang văn bản, ông nhận thấy phần mềm đang được áp dụng tại Quốc hội là tốt. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có những đánh giá và khuyến nghị các cơ quan khác sử dụng phần mềm này.
Còn ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội nhận xét: “Phần mềm chuyển từ tiếng nói sang văn bản giúp cho việc bóc băng giữa các phiên họp tổ, các phiên thảo luận trên hội trường rất nhanh. Buổi sáng họp xong đến buổi trưa là có toàn bộ nội dung phiên thảo luận rồi.
Khi đại biểu đặt câu hỏi, trên màn hình máy tính trên bàn Thư ký, bàn Bộ trưởng đã xuất hiện ngay phần nội dung câu hỏi và sau đó là câu trả lời. Chúng tôi không cần phải ghi chép gì, mà ghi chép nhiều khi còn không kịp. Toàn bộ nội dung được lưu lại giúp chúng tôi sau này làm nghị quyết tham mưu về dự thảo nghị quyết chất vấn rất thuận tiện và nhanh”.
Phần mềm "gỡ băng" của VAIS
|
Ứng dụng của phần mềm này không chỉ giới hạn ở việc “dịch” thành văn bản các phiên họp của Quốc hội, mà nó có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực từ y tế, giáo dục cho đến ngân hàng, tài chính, hàng không. Chẳng hạn như trong lĩnh vực y tế, các bác sỹ có thể chuẩn đoán bệnh bằng giọng nói và phần mềm sẽ ngay lập tức xuất ra bệnh án điện tử.
Được biết, phần mềm này của VAIS đã nhận được giải thưởng Chuyển đổi số 2019 do Hội Truyền thông Số Việt Nam (dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với VTV24 tổ chức. Trước đó, phần mềm này cũng đã giành được giải Nhất của cuộc thi VLSP (Vietnamese Language and Speech Processing), vượt qua các sản phẩm của FPT và Viettel. Rất có thể, VAIS cũng sẽ nhận được giải thưởng Nhân tài Đất Việt cho hạng mục “Sản phẩm số triển vọng” khi lễ trao giải được tổ chức vào ngày 15/11 tới đây.