Kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Phần 8: Những ngày cuối cùng

VietTimes -- Sáng 31/12/1974, thị xã Phước Long bị Quân Giải phóng tiến công. Nằm cách Sài Gòn 120 km về phía Bắc, chiếm vị trí quan trọng trong tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn, đồng thời là điểm án ngữ, ngăn chặn hành lang vận chuyển của ta từ Tây Nguyên xuống, Phước Long là một trong số 11 tỉnh bao quanh Sài Gòn, thuộc quân khu 3 và do quân đoàn 3 ngụy chiếm giữ. Nằm trong thế bị bao vây và không được ứng cứu, đến ngày 6/1/1975, căn cứ này bị tiêu diệt.
Bức ảnh đi vào lịch sử: Đám đông tranh nhau lên trực thăng trên nóc một ngôi nhà Sài Gòn.
Bức ảnh đi vào lịch sử: Đám đông tranh nhau lên trực thăng trên nóc một ngôi nhà Sài Gòn.

Phần 7: Thanh danh các viên tướng bị chôn vùi

Rối ren nhưng vẫn chủ quan

Tin dữ bay về “thủ đô”. Để ổn định tinh thần tướng sĩ dưới quyền, Nguyễn Văn Thiệu đích thân lên đài phát thanh kêu gọi “toàn quốc dành 3 ngày truy điệu, cầu nguyện cho Phước Long” và “kiên quyết lấy lại Phước Long”.

Tại Washington, người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố: “Tổng thống Gerald Ford đã và đang theo dõi cuộc chiến ở Việt Nam cộng hòa, nhưng không có ý vi phạm việc cấm sử dụng lực lượng quân sự Hoa Kì tại Việt Nam”. Còn người phát ngôn Lầu Năm góc “vẫn tin vào sự đánh giá tình hình địch cách đây một tháng mặc dù có những chuyển biến mới, theo đó, các nhà phân tích của Lầu Năm góc đã không trù liệu một cuộc tổng tiến công của cộng sản trên toàn cộng hòa Việt Nam”. Có vẻ như lực đã bất tòng tâm, tuy nhiên Mỹ vẫn giở giọng đe dọa: “ Một lực lượng đặc biệt gồm tàu sân bay nguyên tử Interpride, tàu tuần dương Longbeach, hai tàu khu trục và một số tàu chở dầu đã rời cảng Subic, có thể đang hành quân về phía biển Nam Hải” và “Sư đoàn 3 hải quân đánh bộ đã được báo động, đang chuẩn bị di chuyển”.

Mọi động tác mang tính tâm lí đó không thay đổi được quyết tâm sắt đá của quân ta mà chỉ chứng tỏ Mỹ đã không còn đủ sức lực để ra tay cứu giúp chư hầu của mình. Từ đây, như một cỗ xe tuột dốc không phanh, quân đội ngụy Sài Gòn rút lui hết trận này đến trận khác: Ngày 11/3, mất Buôn Mê Thuột dẫn đến cuộc tháo chạy đại chiến lược khỏi Tây Nguyên và để lọt khu vực quan trọng này vào tay Quân Giải phóng (25/3). Ngày 26/3, ta giải phóng Huế. Tiếp đó, ngày 29/3, Đà Nẵng thành phố lớn thứ hai ở miền Nam Việt Nam thất thủ. Quân ngụy tháo chạy về Phan Rang. Chính quyền Sài Gòn chỉ còn lại quân khu 3 và 4; họ quyết tâm lập vành đai “tử thủ” ở đây để chờ cơ hội giành lại phần lãnh thổ đã mất, tạo thế mạnh để tiến hành đàm phán hòng duy trì cái chính thể đã mục nát.

Còn bản thân người Mỹ, dù cảm nhận rằng mọi sự đã kết thúc, song vẫn hi vọng tìm thấy một phép màu nào đó khả dĩ kéo dài thời gian giãy chết cho bọn tay sai hòng đạt được một giải pháp chính trị có lợi cho Mỹ và giữ thể diện cho Mỹ.      

Ngày 28/3/1975, theo lệnh Tổng thống Ford, một phái đoàn quan trọng của Mỹ do tướng Wayen - Tham mưu trưởng lục quân đứng đầu đã đến Sài Gòn để “xem xét, đánh giá thật khách quan tình hình hiện tại”, tìm biện pháp bảo vệ phần đất còn lại để duy trì chế độ Sài Gòn, nghiên cứu khả năng sử dụng lại lực lượng không quân, nhất là máy bay B-52 để cứu vãn tình thế.

Cựu Tổng thống Gerald R.Ford - Ảnh: Reuters
Cựu Tổng thống Gerald R.Ford - Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp của các quan chức chủ chốt Mỹ tại Sài Gòn, các ý kiến đều có sự bất đồng đến mức biến thành cuộc tranh cãi gay gắt. Giới quân sự, đứng đầu là tướng Smith (chỉ huy cơ quan DAO) cho rằng tình hình là rất nghiêm trọng, Sài Gòn đang có nguy cơ bị uy hiếp nghiêm trọng nên đề nghị cho di tản ngay người Mỹ.

Đại sứ Martin phản đối. Ông ta cho rằng tình hình chiến trường có nguy hiểm thật song vẫn còn kiểm soát được nên đề nghị tăng gấp viện trợ cho Thiệu, duy trì ủng hộ Thiệu. Martin chỉ trích gay gắt chủ trương thay Thiệu, cho đó là hành động chỉ gây thêm rắc rối, hỗn loạn, “có thể còn kinh khủng hơn thời kì lật đổ Diệm-Nhu”. Marin cho rằng cùng lắm chỉ cần cải tổ chính phủ, đưa một số nhân vật mới vào nội các là đủ để tiến hành mặc cả, thương lượng với “phía bên kia”.

Ngược hẳn với Martin, trùm CIA tại Sài Gòn - Paul Gah cho rằng để cứu vãn được tình thế cần loại bỏ ngay Thiệu, “kẻ từng đưa ra lập trường 4 không trong đàm phán trước đây và do đó không được lòng ngay cả các phe phái quốc gia”; tiếp đó đi vào thương lượng để kết hợp với biện pháp quân sự giữ phần đất còn lại.

Phó đại sứ Loman phản đối mọi ý kiến đánh giá tình hình Nam Việt Nam quá đen tối, cho những ý kiến đó là “tư tưởng thất bại”. Loman chủ trương chỉ cần tăng trang thiết bị cho ngụy quyền Sài Gòn là Nam Việt Nam có thể đứng vững hoặc ít ra đủ sức giữ như hiện nay để mặc cả được “một giải pháp công bằng”.

Các ý kiến khác nhau đã làm cho Wayen rối mù. Trước đó, tại Washington, trong cuộc họp chuẩn bị cho chuyến đi của Wayen sang Việt Nam do Tổng thống Ford triệu tập, ông ta cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi các cố vấn chủ chốt của Ford đã không giống nhau trong nhận định và đưa ra một giải pháp thống nhất cho vấn đề. Cực chẳng đã, Wayen đưa ra giải pháp trung hòa là kết luận cuối cùng sẽ được thông qua sau khi hội kiến với Thiệu và các quan chức chính quyền Sài Gòn.

Ngày 3/4, phái đoàn Wayen cùng Martin nghe Thiệu báo cáo. Wayen tán thành với phương án phòng thủ từ xa của Thiệu và hứa sẽ xin Washington tăng viện trợ cho “quân lực cộng hòa” để tăng cường khả năng chống đỡ. Nhưng ông ta bác bỏ đề nghị sử dụng sức mạnh không lực Hoa Kì, đặc biệt là máy bay B-52, để hỗ trợ cho quân ngụy.

Những người chứng kiến cuộc họp kể lại rằng Wayen đã trách cứ Thiệu bằng những lời lẻ gay gắt, miệt thị: “Sự sụp đổ của quân đội Sài Gòn đã gây cho người Mỹ ấn tượng kinh ngạc về sự thất bại và hèn nhát”.

Ngày 4/4/1975, Wayen bay thẳng đến Pam Spring (California) để báo cáo với Tổng thống Ford đang có mặt ở đây về kết quả chuyến khảo sát và đưa ra các đánh giá, kết luận:

1. Quân Bắc Việt Nam cơ động rất nhanh; tình hình quân sự (của ngụy Sài Gòn) rất nghiêm trọng;

2. Bắc Việt có thể trực tiếp tiến công Sài Gòn, giành thắng lợi hoàn toàn bằng quân sự, hoặc tạo áp lực cho một giải pháp thương lượng để giành thắng lợi lớn hơn. Tuy nhiên, Hà Nội chưa có đủ thời gian để giải quyết những vấn đề phát triển quá nhanh trong những ngày qua;

3. Vì vậy, cần khẩn trương cung cấp khoản viện trợ 722 triệu USD để đáp ứng nhu cầu quân sự cơ bản của Nam Việt Nam nhằm tạo cơ hội sống còn cho Sài Gòn;

4. Nếu không thực hiện được yêu cầu viện trợ trên thì chỉ còn cách tiến hành cuộc di tản ồ ạt cho 6.000 người Mỹ, hàng vạn người Việt Nam và những người thuộc nước thứ ba mà Mỹ có nghĩa vụ đưa đi.

Ford và Ngoại trưởng Kissinger đồng ý với báo cáo của Wayen và gửi đề nghị viện trợ khẩn cấp lên Quốc hội Mỹ, yêu cầu Quốc hội thông qua đề nghị này chậm nhất là trước ngày 19/4/1975.

Wayen đã trách cứ Thiệu bằng những lời lẻ gay gắt, miệt thị: “Sự sụp đổ của quân đội Sài Gòn đã gây cho người Mỹ ấn tượng kinh ngạc về sự thất bại và hèn nhát”.
Wayen đã trách cứ Thiệu bằng những lời lẻ gay gắt, miệt thị: “Sự sụp đổ của quân đội Sài Gòn đã gây cho người Mỹ ấn tượng kinh ngạc về sự thất bại và hèn nhát”.

Wayen chấp nhận ý kiến của Thiệu; đến lượt mình, Tổng thống Ford chấp nhận ý kiến của Wayen một mặt thể hiện tình cảnh đen tối của ngụy Sài Gòn; mặt khác, cũng cho thấy cả thầy lẫn tớ đều chủ quan cho rằng đối phương gặp nhiều khó khăn về điều động lực lượng, về tiếp tế hậu cần nên sẽ không kịp giải quyết mọi việc trước khi Mỹ-ngụy tổ chức ngăn chặn, giữ vững vùng chiến lược Nam Bộ và phản kích chiếm lại những vùng đã mất. 

Những giờ phút tuyệt vọng

Ngày 5/4/1975, Thiệu ra mật lệnh tử thủ quân khu 3 và 4. Mỹ cũng tổ chức tuyến đường không đặc biệt gồm toàn máy bay vận tải khổng lồ C-5 Galaxy để chuyển khẩn cấp hàng nghìn tấn trang thiết bị cho quân ngụy. Tàu sân bay Hellcawk và tàu chiến chở lính hải quân đánh bộ Mỹ rập rình ngoài khơi miền Nam Việt Nam để hỗ trợ cho binh lính Thiệu và răn đe đối phương.

Để tỏ quyết tâm và lên dây cót tinh thần cho cả lính ngụy và người Mỹ, Nhà Trắng đã bác bỏ đề nghị rút bớt người Mỹ khỏi Sài Gòn. Ngày 16/4/1975, Kissinger gửi điện cho Thiệu, ca tụng: “Chính phủ Mỹ đánh giá cao những việc ngài đang làm. Ngài đang hành động theo truyền thống tốt đẹp nhất của một vị tư lệnh chiến trường”.

Tuy nhiên, Sứ quán và Bộ chỉ huy Mỹ ở miền Nam Việt Nam lại thầm lặng thực hiện kế hoạch giảm bớt số lượng người Mỹ “không cần thiết”. Các cố vấn Mỹ từng chạy trước, chạy nhanh hơn quân ngụy ở Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... nên nay họ rất có kinh nghiệm tổ chức di tản một cách ít ồn ào mà lại nhanh gọn nhất. Ngày 1/4, tướng Smith đứng đầu cơ quan  DAO và tướng không quân Richard Bon phối hợp tổ chức mở đường không vận nối sân bay Tân Sơn Nhất với căn cứ Clark (Philippines) bắt đầu cho hàng trăm nhân viên cùng gia đình rời Sài Gòn. Ngày 3/4, trong một phiên họp bất thường tại đại sứ quán Mỹ, Phó đại sứ Loman công khai tuyên bố cho phép một số nhân viên sứ quán cùng gia đình được về Mỹ.

Nhanh chân hơn cả là phái bộ CIA đầy quyền lực và am hiểu tình hình hơn. Ngay từ cuối tháng 3/1975, người đứng đầu CIA ở Sài Gòn là Paul Gah đã xin phép Langly chuyển vợ con nhân viên tình báo Mỹ cùng một số nhân viên người Việt rời khỏi Sài Gòn song song với việc gài người ở lại hoạt động trong trường hợp chính thể Sài Gòn thất thủ. Ngày 8/4, Paul Gah cho vợ bay sang Băng Cốc.

Ngày 2/4, Đại sứ Martin thông qua kế hoạch sơ tán trẻ em Việt Nam sang Mỹ dưới chiêu bài “đảm bảo an toàn cho thiếu nhi vì chiến sự đang lan đến Sài Gòn”. Ý đồ của Martin là muốn tạo dựng trước công luận thế giới hình ảnh thương tâm và xúc động về miền Nam Việt Nam; về lâu dài là muốn nuôi dưỡng, đào tạo một thế hệ tay sai trung thành dành cho kế hoạch chống phá cách mạng Việt Nam sau này. Mỹ dự kiến đưa đi khoảng 2.000 trẻ em, nhưng ngay trong chuyến đầu tiên (ngày 4/4/1975) chiếc máy bay khổng lồ C5A bị nổ tung ngay sau khi cất cánh làm chết toàn bộ 243 cháu nhỏ. Sự kiện này đã gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong và ngoài nước, buộc Mỹ phải hủy bỏ kế hoạch nham hiểm ấy.

Trẻ sơ sinh được đánh số và đặt trong các hộp lớn có chằng dây để đảm bảo an toàn.
Trẻ sơ sinh trong "Chiến dịch không vận trẻ em" được đánh số và đặt trong các hộp lớn có chằng dây để đảm bảo an toàn.

Tâm trạng chán nản, thất vọng, lo âu lan rộng không chỉ trong quân ngụy mà ngay trong số những người “bạn” Mỹ của họ. Fran Snepp, một nhân viên cao cấp CIA tại Sài Gòn lúc bấy giờ đã thú nhận: “Tất cả chúng tôi đều ốm dở vì thiếu ngủ. Đêm nào cũng giật mình vì nghe tiếng đại bác nổ ngày một gần, hoặc tiếng xe tăng rít trên đường phố như báo hiệu sắp có một cuộc đảo chính xảy ra. Thực ra đôi khi cũng muốn một cuộc đảo chính xảy ra để đỡ phải lo âu, chờ đợi. Chúng tôi tưởng mình đang sống trơ trọi trên một sân bay mênh mông, không có máy bay cứu viện và giữa một biển người Việt Nam đang hỗn loạn. Có vẻ như đang bắt đầu những giờ phút tuyệt vọng của một cuộc đời đang tắt ngấm”.

Ngày 16/4/1975, trước sức tiến công như vũ bão của quân ta, “lá chắn Phan Rang” bị đập vỡ, kéo theo thất thủ Phan Thiết - Hàm Tân, khiến toàn bộ đông nam Sài Gòn bị hở. Xuân Lộc bị uy hiếp, bị bao vây và đến ngày 21/4 thì trên 25.000 quân “tử thủ” ở khu vực này cũng tháo chạy. Ngay sau khi ta nổ súng tiến công Xuân Lộc (9/4), Phân cục CIA ở Sài Gòn điện về Langly: “Mọi dấu hiệu cho thấy cộng sản đã thay đổi kế hoạch thời gian của họ. Có thể họ sẽ tiến công vào khu vực Sài Gòn vào khoảng giữa tháng 4. Họ cũng chẳng nhắc gì đến thương lượng và một chính phủ 3 thành phần nữa”. Tình hình miền Nam Việt Nam tồi tệ khiến Tổng thống Ford đứng ngồi không yên. Ông ta thú nhận: “Ngày nào tin tức từ Đông Dương gửi về cũng làm tôi phát ốm, từng giây từng phút vò xé tâm can tôi”.

Ngày 19/4, Ford nhận được báo cáo mật của Martin, trong đó viện đại sứ đánh giá tình hình miền Nam Việt Nam là tồi tệ. “... Các đơn vị cộng sản đang cùng lúc hội tụ về Sài Gòn từ mọi hướng với lực lượng trù bị lớn hơn lực lượng trù bị của chính phủ (ngụy) rất nhiều. Chính phủ Việt Nam cộng hòa sẽ vấp phải tình hình là Sài Gòn sẽ trở nên cô lập và bị cắt đứt hoàn toàn với bên ngoài trong vòng 2 tuần hoặc rơi vào tay cộng sản trong vòng 3 hay 4 tuần nữa”.

Nước Mỹ đã quá chán canh bạc Việt Nam. Ngày 19/4, trong phiên họp khẩn cấp, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội Mỹ chỉ chuẩn y cung cấp khoản viện trợ “nhân đạo dùng cho di tản người Mỹ ở Nam Việt Nam” trị giá 300 triệu USD (thay vì 722 triệu như Ford và Kissinger đề nghị); yêu cầu Nhà Trắng giảm ngay số người Mỹ (ở miền Nam Việt Nam) xuống mức thấp nhất; chỉ cho phép sử dụng quân đội cho hoạt động di tản, giới hạn dưới 1.000 quân, trong một thời gian nhất định và tại một khu vực nhất định.

Như vậy, những người tỉnh táo trong Quốc hội Mỹ đã giúp tránh cho nước Mỹ một cuộc phiêu lưu mới.

Giá như tôi cũng bỏ đi được!

Ngay trong ngày 19/4, Tổng thống Ford chỉ định Brown - một chuyên gia về tổ chức đã về hưu đứng đầu Ủy ban đặc biệt về di tản. Đồng thời, ra lệnh điều một bộ phận của hạm đội 7 đến phối hợp với số tàu hiện có ở khu vực vùng biển miền Nam Việt Nam để thực hiện kế hoạch di tản. Tổng số tàu tham gia gồm 35 chiếc, gồm 4 tàu sân bay, 1 tàu tuần dương, 17 tàu khu trục, 13 tàu đổ bộ, cùng lực lượng không quân trên tàu và ở Thái Lan.

Ngày 20/4, đô đốc Gheller - Tư lệnh quân Mỹ ở Thái Bình Dương và trung tướng Jonburn - Chỉ huy quân Mỹ ở Thái Lan bay đến Sài Gòn để họp với DAO và sứ quán Mỹ. Tại cuộc họp, Martin phản bác ý kiến chọn một số tay sai thân tín người Việt cho cùng di tản; ông ta sợ động thái này sẽ gây tác động dây chuyền, làm Sài Gòn thêm náo loạn.

Ngay chiều hôm đó (20/4), chiến dịch bắt đầu dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng Smith, tướng Belton (phụ tá của Gheller) và Phó đại sứ Loman, không còn oai vệ hùng hổ như các cuộc hành quân “đánh gãy xương sống Việt Cộng” trước đây. Ban ngày dùng máy bay C-141, ban đêm dùng máy bay C-130, bầu trời Sài Gòn như nổ tung ra bởi tiếng động cơ gào rít. Đến chiều 21/4, DAO đã chuyển gần hết hồ sơ tài liệu qua Thái Lan, số người còn lại rất ít. Phân cục CIA chuyển trên 1000 nhân viên cùng gia đình, tháo gỡ mang đi đài phát thanh “Gươm thiêng”. Không cần sự cho phép của Đại sứ Martin, Tổng lãnh sự ở quân khu 3 Dick Peter, Tổng lãnh sự ở Cần Thơ là Mc Namara đã tự động cho phép mình ra đi.

Đánh hơi thấy chủ Mỹ ra đi, Thiệu tiếp tục chuyển đồ đạc sang Đài Loan. Trần Văn Đôn cho cháu gái áp tải một chuyên cơ chở đầy đồ quý ra nước ngoài. Hoàng Đức Nhã đi “công cán” từ trước sang Băng Cốc điện sang Mỹ cho vợ con cùng sang Thái Lan. Hàng loạt sĩ quan, công chức cao cấp vắng mặt ở Sài Gòn. Sứ quán Anh, Canada, Austraylia đóng cửa. Sứ quán Đài Loan tháo chạy, bỏ rơi hàng nghìn “cộng tác viên”, bỏ rơi cả trung tướng “tâm lí chiến” Nguyễn Chấn Á được cử sang làm cố vấn cho Thiệu. Tướng Smith ngao ngán nói tiễn đưa với nhân viên dưới quyền: “Thế là hết. Giá tôi được như các bạn, tôi cũng bỏ đi ngay bây giờ”.

Cũng trong ngày 20/4/1975, Đại sứ Martin đến gặp Thiệu và nói thẳng: “Tình hình rất tồi, người Việt Nam cho rằng ông phải chịu trách nhiệm. Họ cũng không tin rằng quá trình thương lượng có thể được bắt đầu nếu ông không từ chức. Theo cảm nghĩ của tôi, nếu ông không từ chức thì các tướng của ông cũng sẽ đề nghị ông từ chức”. Martin cũng hứa sẽ đảm bảo cho Thiệu ra đi an toàn, trọn vẹn.

Mặt khác, các nhân viên sứ quán Mỹ được phái đi tiếp xúc, vận động, thăm dò mọi nhân vật có tên tuổi, các chính khách cầm đầu các phe nhóm chính trị ở Sài Gòn để tìm những gương mặt có thể đảm nhiệm được vai trò trong bộ máy ngụy quyền mới thay cho những con bài đã hết thời. Đích thân Martin gặp Đại sứ Pháp Marion và đại sứ nhiều nước khác để vận động ủng hộ giải pháp của Mỹ và thăm dò ý định của “phía bên kia”. Mỹ hi vọng dùng con bài thương lượng để có thời gian tăng cường phòng thủ phần đất còn lại, kéo dài thời gian tận số của chính thể Sài Gòn để có thể vớt vát được chút ít nào đó. Song mọi nỗ lực của họ đều vô ích.

19 giờ ngày 21/4/1975, Thiệu tuyên bố từ chức, “hi sinh” bản thân để tạo cơ hội cho giải pháp thương lượng và tránh đổ máu thêm. Người thay thế y là Trần Văn Hương 71 tuổi, mắt mờ, bị bệnh thấp khớp và nổi tiếng vì sự không hiểu biết hầu như trong mọi vấn đề. Trong khi đó, tình hình ngày càng xấu đi, đến mức ngày 24/4 Tổng thống Ford phải tuyên bố: “Chúng ta không thể nào giúp người Việt Nam (ngụy) được nữa, họ phải tự đương đầu với bất cứ số phận nào đang đợi họ. Cuộc chiến tranh đã kết thúc đối với người Mỹ”.

Tuy nhiên, cố đấm ăn xôi, Mỹ vẫn đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao xảo quyệt với âm mưu ngăn chặn bước tiến quân của ta, tìm giải pháp chính trị hoặc chí ít là một cuộc đầu hàng hòa bình dưới dạng thương lượng cho chính quyền Sài Gòn. Ngày 26/4, đại sứ Martin tìm gặp đại diện Hà Nội trong Ban liên hiệp quân sự bốn bên, trùm CIA tại Sài Gòn Paul Gah tìm đến một sứ quán; nội dung các cuộc gặp là thăm dò thái độ để đưa ra đề nghị về giải pháp thương lượng.

Trong khuôn khổ các cuộc thăm dò này thậm chí đã hình thành ý tưởng một “nước Việt Nam mới”, theo đó quân khu 1 sẽ liên hiệp cùng tồn tại với quân khu 2 (từ Phan Rang trở ra), còn tại quân khu 3 và 4 (Nam Bộ) sẽ thành lập một chính phủ rộng rãi có thể nói chuyện được với Hà Nội. Cũng nằm trong âm mưu tìm kiếm “giải pháp hòa bình”, Mỹ đã tìm một con bài mới là Dương Văn Minh. Ngày 25/4, tướng CIA Timed đến gặp Dương Văn Minh hỏi: “Nếu có cách gạt Hương thì (ông) có sẵn sàng thương lượng không”? Minh đồng ý và nói rằng ông ta “đủ sức để xoa dịu phía bên kia”.

16 giờ ngày 28/4/1975, Hương trao quyền tổng thống cho Dương Văn Minh. Minh kêu gọi “ngừng bắn và tiến hành đàm phán hòa bình trong khuôn khổ Hiệp định Paris”, hứa “lập một chính phủ rộng rãi gồm những nhân vật có lập trường hòa giải”. Đồng thời, Minh vẫn ra lệnh cho quân đội “bảo vệ những vùng đất đai còn lại và giữ vững vị trí để hoàn thành nhiệm vụ đó”. Theo nhận xét của một quan chức CIA, Fran Snepp, “đây không có vẻ là ngôn từ của một người sắp đầu hàng”.

“Chúng ta chuồn thôi”

Đúng 10 phút sau lễ “đăng quang” của Dương Văn Minh, sân bay Tân Sơn Nhất bị một biên đội máy bay A-37 của cách mạng tiến công, chấm dứt sự di tản người Mỹ bằng máy bay đồng thời báo hiệu cho phía Mỹ rằng mọi âm mưu trì hoãn đối phương chỉ là điều vô vọng. Rạng sáng hôm sau, 29/4, pháo tầm xa của Quân Giải phóng bắn trúng đường băng sân bay, trúng trụ sở DAO làm tướng Smith suýt chết. Hai hạ sĩ hải quân đánh bộ là Mc Mahurn và Juss trúng đạn chết ngay tại chỗ.

Đám đông trèo tường vào tòa đại sứ tại Sài Gòn
Đám đông trèo tường vào tòa đại sứ tại Sài Gòn

Đây được xem là hai người Mỹ cuối cùng tử trận tại Việt Nam. Đại sứ Martin giật mình thức dậy, triệu tập cuộc họp sứ quán và quyết định di tản. Cùng lúc, bên kia trái đất, Tổng thống Ford đang họp cùng các cố vấn kinh tế thì nhận được tin Sài Gòn bị tiến công, hai lính Mỹ chết. Ford lập tức triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia, quyết định sử dụng 60 máy bay vận tải loại lớn để di tản ngay 10.000 người trong vòng 24 giờ.

Lệnh được truyền ngay sang Sài Gòn. Martin cùng Smitth lập tức ra sân bay kiểm tra tình hình. Khung cảnh ở đây cực kì náo loạn. Hai chiếc máy bay C-130 bay tới nhưng không hạ cánh nổi vì một máy bay F-5E của không quân ngụy vừa hạ cánh, viên phi công đã vọt ra khỏi cabin tháo chạy, để mặc máy bay nằm chềnh ềnh giữa đương băng. Trong khi đó, có tới khoảng 3.000 người tràn ngập sân bay chờ di tản. Thâm tâm, Martin vẫn hi vọng rằng với Dương Văn Minh cầm đầu, chính phủ mới của Sài Gòn có thể tồn tại và dàn xếp một cuộc ngừng bắn.

Thế nhưng sáng nay CIA báo cáo với y rằng “phía bên kia không chấp nhận Dương Văn Minh; họ đòi Mỹ phải rút hết, phải xóa bỏ chính quyền Sài Gòn”. Martin và Smith cảm thấy như trời sập. Smith đề nghị: “Có lẽ phải thực hiện phương án 4 thôi (tháo chạy bằng máy bay lên thẳng, phương án được xem là làm mất thể diện người Mỹ). Nếu không chúng ta là những kẻ ngu dại và sẽ chết ráo ở đây”.

Tòa đại sứ Mỹ - “Nhà Trắng Phương Đông” đã mất hết vẻ tôn nghiêm, lạnh lùng vốn có. Hàng ngàn “người Việt bạn Mỹ” tay sách nách mang, chen lấn chửi thề hoặc cầu khẩn trước con mắt lạnh lùng của tụi hải quân đánh bộ Mỹ gác cổng. Từ lò thiêu tài liệu, khói bốc ngút trời. Cây me đại thụ trong sân bị cưa đổ để không cản trở máy bay lên xuống. Mới hôm qua thôi, Martin còn quyết giữ không cho đốn hạ cây me này vị xem đó là biểu tượng cho sự có mặt của nước Mỹ.

Trong khi đó, Kissinger và Bộ trưởng Quốc phòng Shlessinger đều điện đến thúc giục di tản “theo phương án 4”. Giám đốc CIA Colby triệu tập cuộc họp của các trợ thủ hàng đầu và đi đến kết luận: “Cộng sản đã vào đến ngoại ô Sài Gòn, chuẩn bị đánh chiếm thủ đô. Chính phủ Dương Văn Minh đã quá lạc hậu với tình thế. Chỉ trong hôm nay hoặc ngày mai là cùng, quân cộng sản sẽ làm chủ Sài Gòn. Đó là điều không thể tránh khỏi”.

Người ta cho rằng có lẽ đây là nhận định đúng nhất của CIA trong suốt cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam.

10 giờ 50 phút ngày 29/4, sứ quán Mỹ ở Sài Gòn nhận được lệnh thi hành kế hoạch “Gió cuốn”. Mật lệnh “Tôi đang mơ một lễ Giáng sing tuyết trắng” được phát liên tục trên đài phát thanh Mỹ để báo cho mọi người Mỹ ở Sài Gòn đến tập trung tại 13 điểm chờ máy bay lên thẳng đến bốc đi.

Một lực lượng gồm 81 máy bay lên thẳng của hải quân, 20 chiếc của công ti hàng không Mỹ do CIA thuê được sự hỗ trợ của 40 máy bay chiến đấu Con ma (F-4) và máy bay lên thẳng vũ trang, bay thành từng đợt 30-40 chiếc, thay nhau lên xuống liên tục để đảm bảo trong ngày 29/4 đưa hết người Mỹ và “những người bạn Việt chí cốt” di tản trước khi bị bắt làm tù binh. Các sĩ quan tham mưu DAO chuồn ngay trong chuyến đầu tiên ra hạm đội 7. Số người cần di tản đông vô kể, mạnh ai nấy chen trèo lên máy bay. Máy bay CH-53 thông thường chở được 50 người, nay phải nhét đến 70-80 người.

Những phi công tham gia vào cuộc hành quân “Gió cuốn” than thở rằng trong đời họ chưa bao giờ phải làm việc nhiều, liên tục và căng thảng như vậy. Do quá sức, một chiếc CH-53 và một chiếc UH-1 đã rơi xuống biển, cả phi công và những người di tản đều chết.

Tại Wasshington, Ford, Kissinger, Shlessinger theo dõi trực tiếp cuộc di tản, yêu cầu Sài Gòn thường xuyên báo cáo bằng điện thoại. Lo ngại trước khả năng người Mỹ có thể bị bắt, Ford đồng ý kéo dài thời gian nhưng ra lệnh phải kết thúc chiến dịch vào 4 giờ sáng ngày 30/4/1975.

3 giờ 20 phút ngày 30/4, trước khi lên máy bay, trùm CIA tại Sài Gòn gửi bức điện cuối cùng về Nhà Trắng: “... Cuối cùng chúng ta đã thất bại. Thất bại này hình như buộc chúng ta phải đánh giá lại các chính sách mặc dù đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu là tiền của. Những ai không rút ra được bài học gì của lịch sử nhất định sẽ mắc lại những sai lầm của lịch sử. Hi vọng chúng ta sẽ rút ra được bài học và không bao giờ có một Việt Nam khác nữa...”.

Vợ chồng đại sứ Martin dùng dằng không muốn rời căn buồng sang trọng dành cho họ. Kissinger gọi điện đến giục: “Tổng thống nhắc ngài phải rời ngay Sài Gòn, không được chậm trễ. Quân cộng sản đã bắt đầu tràn vào Sài Gòn”. Martin lẳng lặng cuốn lá cờ Mỹ nhét vào cặp, dắt bà vợ Dotty ra thang máy để lên sân thượng, miệng lẩm bẩm: “Nào chúng ta chuồn thôi”.

4 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, máy bay chở vợ chồng Martin cất cánh bay ra biển với dòng điện ngắn ngủi báo cáo về Nhà Trắng: “Lady 09 đã lên không trung cùng với Cottu” (Lady 09 là máy bay lên thẳng, Cottu là mật danh của Martin).

Những người Mỹ cuối cùng rút khỏi Sài Gòn đang rực rỡ ánh hỏa châu Quân Giải phóng là đại tá hải quân đánh bộ Summer cùng 11 tên lính dưới quyền. Họ rút lên tầng lầu đến đâu thì khóa cửa cầu thang đến đó để ngăn cản hàng ngàn “chiến hữu người Việt” đang gào thét, chửi rủa, dày xéo lên nhau chạy theo. Trước khi bước lên máy bay, Summer ra lệnh ném toàn bộ lựu đạn hơi cay để đẩy ra xa đám người đang phát điên khùng, đề phòng bị bắn lén.

Những giây phút cuối cùng của người Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là như thế đó.