Kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Phần 7: Thanh danh các viên tướng bị chôn vùi

VietTimes -- Edward Lansdale, O'Daniel, Paul Harkins, William Westmoreland, Creighton Abrams và Frederik Weyand, Maxwell Taylo đều là những tướng lĩnh lừng danh của quân đội Mỹ, và giống nhau ở chỗ đều chôn vùi sự nghiệp ở mảnh đất không hề chào đón họ.
Kế hoạch Staley Taylor là một phần trong chiến lược Chiến tranh Đặc biệt của Mỹ.
Kế hoạch Staley Taylor là một phần trong chiến lược Chiến tranh Đặc biệt của Mỹ.

Phần 6: Bước đường cùng của Nhà Trắng

Từ khi bắt đầu quá trình "can dự" vào Việt Nam cho đến khi phải rút không kèn không trống, các lực lượng quân sự Mỹ đã lần lượt được đặt dưới quyền chỉ huy của đại tá Edward Lansdale, các tướng: O'Daniel, Paul Harkins, William Westmoreland, Creighton Abrams và Frederik Weyand. Maxwell Taylor, tuy sang miền Nam Việt Nam với tư cách là đại sứ, song chủ yếu là để thực hiện kế hoạch "bình định" mang tên chính ông ta (kế hoạch Staley - Taylor). 

Trung tướng O'Daniel - Tư lệnh Lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương từng làm cố vấn cho quân đội Pháp ở Đông Dương. Khi Mỹ hất cẳng Pháp, O'Daniel trở thành người đứng đầu (1956) Phái đoàn cố vấn viện trợ quân sự Mỹ ở Sài Gòn (MAAG) với 300 nhân viên dưới quyền. Tiếp nhận quân đội ngụy do Pháp bàn giao mà ông ta hiểu khá tường tận, "như một người ông nuôi đứa cháu mồ côi bố", O'Daniel nêu quyết tâm vực nó dậy để giúp Ngô Đình Diệm "Bắc tiến".

Chỉ trong một thời gian ngắn, số cố vấn Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã tăng từ 300 lên 900 (cuối 1960), rồi 3.200 (1961), nắm chắc tới cấp đại đội ngụy. Thế nhưng, với sự ra đời của Nghị quyết Hội nghị 15 BCH Trung ương Đảng (1959), phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, làm phá sản kế hoạch "Bắc tiến" của quân đội ngụy được sự trợ giúp của cố vấn và vũ khí Mỹ, buộc chúng phải quay sang "vãn hồi trật tự".

Phái đoàn MAAG buộc phải nâng cấp lên thành Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ (MACV); O'Daniel bị đưa về nước, nhường chỗ cho đại tá CIA Lansdale. Ông này vốn là chuyên gia chống nổi dậy, do vậy chỉ tạm điều hành MACVmột thời gian ngắn trước khi chuyển giao cho Harkins.

Dưới thời Harkins, các "cố vấn" quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam thực tế đã trở thành những binh sĩ trong lực lượng đặc biệt Mỹ. Đến ngày 31-12-1963, số lượng cố vấn/binh sĩ này đã lên đến 16.300; một năm sau, nó phình ra thành 23.300 tên. Cũng trên thực tế, trong những năm này, Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh không tuyên bố tại miền Nam Việt Nam mà chỉ ít lâu sau họ chính thức hóa bằng tên gọi "Chiến tranh đặc biệt". Với các chiến thuật "Thiết xa vận", "Trực thăng vận",...

Nhà Trắng và Lầu Năm góc hi vọng sẽ đè bẹp cách mạng miền Nam. Tuy nhiên, như Harkins báo cáo về Washington, "các cuộc hành quân xem ra không mấy hiệu quả, các "ấp chiến lược", "ấp tân sinh" cứ xây rồi bị phá". Trong khi đó, lực lượng vũ trang của ta với trận Ấp Bắc nhớ đời đã cho người Mỹ thấy rằng hi vọng của họ vẫn chỉ là hi vọng mà thôi.

Vấn đề có lẽ là ở chỗ "nhân sự" chăng? Giữa năm 1964, Nhà Trắng cử đại tướng Taylor (1901-1987), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ sang miền Nam Việt Nam làm "đại sứ" để trực tiếp đôn đốc "Chiến tranh đặc biệt". Taylor được xem là "chiến lược gia số một" của nước Mỹ, cha đẻ của chiến lược "Phản ứng linh hoạt" khét tiếng một thời thay thế cho chiến lược "Trả đũa ồ ạt” trước đây.

Được phong đại tướng từ năm 1944, ông ta từng làm tùy viên quân sự Mỹ tại Nam Kinh từ năm 1937, tham gia ủy ban quân quản tại Nhật Bản sau khi kết thúc chiến tranh, giám đốc trung tâm huấn luyện chiến tranh chống du kích cho các nước chư hầu của Mỹ ở châu Mỹ La tinh, chỉ huy tập đoàn quân trong chiến tranh Triều Tiên, tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Viễn Đông... Taylor còn nổi tiếng là một nhà sử học kiêm ngôn ngữ học do thành thạo đến 6 thứ tiếng là tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản.

Là cựu quân nhân, Taylor được cử sang miền Nam Việt Nam để cứu vãn cái chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đang có nguy cơ bị phá sản. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, khi kế hoạch Staley-Taylor với ý đồ bình định miền Nam trong 18 tháng thất bại, đã trở nên rõ ràng là đó không còn là “nguy cơ” nữa, mà là phá sản thật sự. Trả lời phỏng vấn báo chí, Taylor ngao ngán: "Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến rất gian khổ mà chưa thấy ngày kết thúc". Ông ta bị triệu hồi về nước, đồng nghĩa với việc quy không thanh danh của một đại tướng quân đội Mỹ.

Ngày 8-3-1965, 3.500 binh sĩ Mỹ đầu tiên thuộc Sư đoàn hải quân đánh bộ số 1 (Sư đoàn "Old Bread"), đổ bộ lên bãi Nam Ô (còn gọi là bãi Biển Đỏ), phía bắc Đà Nẵng, đánh dấu việc chính quyền của Tổng thống Johnson chuyển sang thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam Việt Nam. Chỉ huy đội quân viễn chinh Mỹ đạt mức kỉ lục 549.500 người vào ngày 30-4-1969 này là một viên tướng khác, oai danh không kém gì Taylor, đó là đại tướng Westmoreland (1914-2005).

Tướng Westmoreland chỉ huy các cuộc hành quân
Tướng Westmoreland chỉ huy các cuộc hành quân

Đây là người "sinh ra để làm tướng", nguyên Giám đốc Học viện quân sự West Point danh tiếng, từng tham gia Thế chiến thứ II và chiến tranh Triều Tiên, 51 tuổi trở thành tướng 4 sao.  Được các đồng nghiệp nhất trí coi "là kiến trúc sư của Chiến tranh cục bộ", Westmoreland được Johnson "tin cậy tới mức trao cho tấm ngân phiếu trắng", có nghĩa là "xin gì có nấy", miễn là đánh thắng Việt Cộng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara công khai tuyên bố: "Trong lịch sử quân đội Mỹ, tôi chưa hề thấy có vị tướng nào cầm quân tài giỏi hơn thế".

Nắm trong tay một binh lực hùng hậu, bản thân Westmoreland cũng chắc mẩm phen này ông ta sẽ làm nên nghiệp lớn, như chính ông ta mong muốn, "trở thành vĩ nhân của thế giới". Ông ta chủ trương thực hiện chiến lược quân sự hai gọng kìm "tìm diệt và bình định" ở miền Nam đồng thời leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân, để "sang năm 1968, sự có mặt của quân đội Mỹ (ở miền Nam Việt Nam) sẽ trở nên thừa".

Tuy nhiên, những thắng lợi của ta mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã "làm tắt ngấm niềm lạc quan của chính phủ (Mỹ) đối với cuộc chiến tranh này". Bối rối, bực tức, ngày 22-3-1968, Johnson tuyên bố cách chức Westmoreland, chuyển ông này về làm Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ. Bản thân Johnson tự "xử lí" mình bằng tuyên bố từ bỏ ý định ra tranh cử Tổng thống Mỹ, để lại một di sản nặng nề cho người kế nhiệm là Richard Nixon.

Cuối đời, Taylor sống trong một căn hộ đầy những hiện vật của các cuộc chiến tranh, lấy đó làm cảm hứng viết cuốn "Tiếng kèn ngập ngừng" thừa nhận Mỹ đã sai lầm khi dính líu ở Việt Nam. Còn Westmoreland - người chịu trách nhiệm nhiều nhất về thất bại của Mỹ ở Việt Nam, xây một biệt thự kiểu phương Đông để đến khi mất luôn hoài niệm về xứ sở đã chôn vùi danh tiếng của ông ta.