PGS TS Nguyễn Thường Lạng: Thương nhân ở chợ truyền thống cần được đào tạo về thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đó là quan điểm của PGS TS Nguyễn Thường Lạng – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về thực trạng ế ẩm của chợ truyền thống trong bối cảnh thương mại điện tử lên ngôi.

PGS TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
PGS TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Thời gian gần đây, hình thức chợ truyền thống tại nhiều đô thị ở Việt Nam đã lâm vào cảnh ế ẩm, không ít tiểu thương đã buộc phải trả lại mặt bằng kinh doanh. Nguyên nhân vì thương mại điện tử lên ngôi, nhất là sau cú hích của dịch Covid-19.

cho-hang-da-3992.jpg
Rất nhiều gian hàng ở chợ Hàng Da (Hà Nội) đã phải đóng cửa, trả lại mặt bằng kinh doanh. Ảnh: báo Lao Động

Để khắc phục tình trạng này, tại nhiều địa phương mà điển hình là TPHCM thì các cấp chính quyền đã mời những người nổi tiếng trên mạng giúp đỡ các thương nhân và tiểu thương ở các chợ truyền thống đến livestream giới thiệu hàng hoá và hỗ trợ họ bán hàng theo phương thức thương mại điện tử.

Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ thực trạng này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS TS Nguyễn Thường Lạng – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

PV: Xin ông cho biết, trong bối cảnh hiện nay vì sao bán hàng qua mạng lên ngôi còn chợ truyền thống với không ít ngành hàng lâm vào cảnh ế ẩm?

PGS TS Nguyễn Thường Lạng: Thương mại điện tử lên ngôi là xu hướng phát triển của công nghệ mang tính khách quan. Theo đó, bán hàng qua mạng có cơ hội phát triển do sự tiện lợi như không cần chi phí thuê gian hàng đắt đỏ, tiết kiệm thời gian, so sánh được các mặt hàng cần mua dễ dàng, chất lượng và nguồn gốc rõ ràng, không cần mặc cả hay chịu cảnh nói thách giá cao hoặc bị “hớ”…, giao dịch thuận tiện, quảng cáo dễ dàng.

Do đó, bán hàng qua mạng là sự thay thế tốt hơn cho chợ truyền thống và điều này đã được dự báo từ nhiều năm trước. Thế hệ gen Z (sinh ra sau năm 1997) là những người yêu thích mua sắm trực tuyến. Khi khối khách hàng hay lượng cầu tăng hoặc tăng không đáng kể, tỷ trọng giao dịch trực tuyến tăng lên nhanh chóng, sẽ làm giảm hoặc tăng sự “ế ẩm” của chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ trung tâm, chợ cóc, chợ tạm, chợ vỉa hè…

PV: Để chợ truyền thống có thể tồn tại và phát triển, theo ông cần có những giải pháp gì để cải thiện tình hình?

PGS TS Nguyễn Thường Lạng: Để chợ truyền thống có thể tồn tại và phát triển cần thay đổi cách tiếp cận như thay đổi mô hình tổ chức theo hướng kết hợp trực tiếp và trực tuyến, gắn chợ với các hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống để kết hợp mua sắm với các hoạt động khác mà chợ trực tuyến không có.

Cần xây dựng các chuỗi ngành hàng khó có thể giao dịch trực tuyến như hàng cồng kềnh, nặng, hàng độc, lạ, chợ có giá cạnh tranh, hàng tươi sống cần thời gian vận chuyển ngắn nhất, giao hàng nhanh, thuận lợi, chi phí thấp, mua khối lượng lớn…Nghĩa là cần tổ chức tuyến giao hàng tối ưu cũng như khai thác thói quen mua hàng của khách hàng chợ truyền thống như đi chợ sớm, thích tham quan và trải nghiệm trực tiếp, ngắm gian hàng đa dạng…

PV: Có nên kết hợp hoạt động du lịch với chợ truyền thống không thưa ông?

PGS TS Nguyễn Thường Lạng: Việc kết hợp du lịch và chợ truyền thống là cách thức tăng thu hút khách và coi chợ truyền thống là điểm đón khách du lịch cùng mua sắm cần đồng thời phát triển cả hai loại chợ để khai thác sự bổ sung thế mạnh của nhau để tạo lợi ích lớn nhất cho khách hàng. Tuy nhiên, để sự kết hợp này diễn ra thành công thì ngoài sự hợp tác của chợ truyền thống với các doanh nghiệp dịch vụ du lịch thì vẫn phải tăng cường quảng bá, tiếp thị về chợ truyền thống thông qua môi trường mạng.

livestream-5567.jpg
Giới trẻ ở TPHCM đến một chợ truyền thống để giúp tiểu thương livestream giới thiệu và bán hàng trên mạng.

Dù sao thì chợ truyền thống cũng khó có thể giữ được vị thế trước sự lên ngôi của thương mại điện tử. Vì thế, có thể thu hẹp quy mô chợ truyền thống theo hướng tinh gọn, văn minh, đa dạng, thuận tiện để tiết kiệm chi phí đồng thời phát triển bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.

Theo đó, các thương nhân, tiểu thương kinh doanh ở chợ truyền thống cần được đào tạo để có kỹ năng livestream, quảng cáo hàng hoá trên mạng nhằm giới thiệu sản phẩm một cách trung thực, đặc sắc và cạnh tranh để lợi ích cả hai loại chợ được phát huy. Như thế, cả chợ truyền thống và chợ qua mạng đều phát triển mạng, mạng lợi ích cao nhất đến khách hàng!

PV: Xin cảm ơn ông!