Theo đó, chỉ thời gian ngắn, từ 29/06 – 30/11/2015, PGBank đã dồn dập bán nợ cho VAMC tới 4 lần, đồng thời liên tiếp xử lý, hay lên phương án xử lý hàng loạt các khoản nợ khác của khách hàng.
Có thể kể đến như phê duyệt phương án xử lý nợ đối với CTCP Lương thực Hà Bắc; Xử lý khoản nợ của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Thương mại Hà Việt; Lên phương án thu hồi nợ của CTCP Sông Đà 207; Lên phương án xử lý TSBĐ khoản nợ xủa DNTN Xăng dầu Vĩnh Hải, Công ty TNHH An Đại Phát, Công ty Nam Dũng, CTCP Đông Thiên Phú Miền Nam; Giảm lãi vay cho nhóm khách hàng Công ty Minh Mẫn; Miễn giảm lãi để thu tất toán khoản nợ của Nguyễn Đình Tuấn tại PG Bank An Giang; Miễn giảm một phần lãi quá hạn đối với CTCP Thép Bắc Việt và CTCP Công nghệ Bắc Việt.
Thống kê của VietTimes, trong tổng số 19 nghị quyết mà HĐQT PGBank đã phê duyệt trong 6 tháng cuối 2015, thì đã có tới 13/19 nghị quyết chỉ để nhằm mục đích xử lý nợ, và nhiều khả năng hầu hết đó đều là nợ xấu.
Vậy, tại sao PGBank lại phải “rốt ráo” bán nợ, xử lý nợ đến thế?
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của PGBank đã tăng mạnh từ mức 2,68% cuối quý I/2015 lên thành 3,73% vào bán niên 2015. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm lớn nhất với hơn 250 tỷ đồng, chưa tính nợ khoanh.
Mà theo chỉ đạo của NHNN thì trong năm 2015, các tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện mọi biện pháp, đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% trước ngày 01/10, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD của toàn ngành.
Thêm nữa, đối với PGBank, ngày 22/05/2015, ngân hàng này đã cùng VietinBank, chính thức ký kết Bộ hồ sơ sáp nhập PGBank vào VietinBank. Và thống nhất thành lập Ban chỉ đạo sáp nhập do ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT PGBank làm Trưởng ban chỉ đạo.
Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo ngân hàng VietinBank đã cho biết vì thủ tục hành chính nên quá trình hoàn tất đã không thể thực hiện trong năm 2015. “Hai bên đang tích cực hoàn tất các công tác chuẩn bị cuối cùng cho việc sáp nhập, hy vọng quý I/2016, sẽ hoàn tất sáp nhập PGBank”, vị này tiết lộ.
Tất nhiên, công tác hoàn tất các thủ tục cuối cùng như vị lãnh đạo Vietinbank đã nói cũng bao gồm cả việc xử lý nợ xấu và những vấn đề còn tồn đọng của PGBank.
Và như vậy, ở một giác độ nhất định, có thể hiểu động thái “chạy nợ” dồn dập mà PGBank tiến hành trong nửa cuối 2015, cũng tương tự việc dọn và làm "sạch nhà", trước lúc chủ nhân mới – Vietinbank – tiếp quản.
Cổ đông “bự” nhất
Theo Báo cáo tình hình quản trị của PGBank, tính đến hết năm 2015, cơ cấu cổ đông của ngân hàng này hầu như không có sự thay đổi.
Theo đó, gia đình Chủ tịch HĐQT Bùi Ngọc Bảo vẫn đang nắm giữ 1,549% cổ phần PGBank. Trong đó, ông Bùi Ngọc Bảo có 66.000 cổ phiếu tương đương sở hữu 0,022% cổ phần. Vợ ông Bảo là bà Trần Hồng Anh sở hữu 0,407% và em ruột ông Bảo là bà Bùi Ngọc Bích nắm giữ 1,12% vốn cổ phần.
Ngoài trọng trách ở PGBank, hiện ông Bùi Ngọc Bảo còn đang giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Tuy nhiên, cá nhân ông Bảo và gia đình lại chưa phải là cổ đông và nhóm cổ đông lớn nhất ở PGBank.
Cá nhân sở hữu nhiều cổ phần nhất hiện nay tại PGBank là ông Lê Minh Quốc với hơn 13,9 triệu cổ phần tương đương nắm giữ 4,657%, không thay đổi so với năm 2012.
Ông Quốc là thành viên HĐQT của PGBank, đồng thời đang đảm nhiệm các chức vụ: Chủ tịch HĐTV Công ty Việt Năng; Phó Giám đốc CTCP Mipec; Giám đốc CTCP Mipecland.
Còn gia đình sở hữu nhiều cổ phần nhất tại PGBank là gia đình ông Đinh Thành Nghiệp – thành viên HĐQT với tổng số cổ phần nắm giữ là 3,7547%.
Ông Đinh Thành Nghiệp từng giữ chức Giám đốc Ngân hàng TMCP Đồng Tháp Mười - tiền thân của PGBank. Sau khi chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP đô thị, ông đảm nhiệm vai trò là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc PGBank.
Ninh Giang - Quốc Dũng