Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, nguyên nhân của tình hình phức tạp tại thành cổ Palmyra lại một lần nữa rơi vào tay IS là sự thiếu phối hợp giữa cái gọi là liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu, chính quyền Syria và Nga.
"Tôi đã nhiều lần nói rằng, để có hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố cần phối hợp hành động", ông Putin tuyên bố.
Trước đó, Trung tâm Hòa giải Syria của Nga đã báo cáo rằng IS đã có khả năng kéo lực lượng đến Palmyra nhờ "gián đoạn" tại Raqqa. Các nhóm đối lập "kết hợp" hoạt động với Mỹ và liên minh quốc tế đã tạm ngừng hoạt động chiến sự chống IS. Nhờ đó các chiến binh IS có thể mở cuộc tấn công vào Palmyra. Tổng thống Syria Bashar Assad công khai cáo buộc Mỹ hỗ trợ các nhóm cực đoan.
Giáo sư Vladimir Kozin, Học viện Khoa học Quân sự Liên bang Nga, cho rằng, để mất Palmyra là một bài học nghiêm trọng đối với những người đang đối phó với IS.
Ông nói: "Cần phải tích cực đòi hỏi phối hợp hành động của tất cả các bên đang chiến đấu chống lại bọn khủng bố. Một số tướng lĩnh trong quân đội Syria quá say sưa với thắng lợi ở Aleppo, mà điều này là rất nguy hiểm. Kẻ thù chưa bị thất bị hoàn toàn. Vì vậy, cả ở Aleppo, cả gần Palmyra và trên mặt trận rộng lớn hơn vẫn có thể tiếp tục các hành động chiến sự. IS là một đối thủ nguy hiểm, hành động ngấm ngầm, di chuyển nhanh. Chúng khéo léo sử dụng các loại vũ khí hiện đại như hệ thống phóng tên lửa và xe bọc thép".
"Và điều quan trọng nhất là các quốc gia phương Tây và một số nước ở Vịnh Ba Tư tài trợ và cung cấp vũ khí cho chúng. Trong tương lai cần phải chú ý đến những nguyên nhân và hoàn cảnh đã dẫn đến việc mất Palmyra ", ông Vladimir Kozin nói với Sputnik.
Theo ông, hành động của liên minh phương Tây đã tiếp tay cho chiến binh kéo lực lượng tới Palmyra. "Họ đã rút lui khỏi chiến trường Raqqa, giảm hoạt động chiến sự ở Mosul của Iraq, nhờ đó các chiến binh đã có khả năng bổ sung lực lượng gần Aleppo và Palmyra. Ngoài ra, chính quyền hiện nay của Mỹ và các đồng minh then chốt của Mỹ trong NATO vẫn ủng hộ các nhóm vũ trang ở Syria về tinh thần. Chứng tỏ về điều đó là các cuộc thảo luận về chủ đề Syria tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ", chuyên gia Kozin nói.
Theo ông Kozin, các lực lượng tham gia cuộc đấu tranh chống IS ở Syria trên thực tế hoặc trên lời nói vẫn thiếu phối hợp: "Trên thực tế, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Maxcơva và chính quyền hiện nay của Washington. Hai bên chỉ có một thỏa thuận về ngăn ngừa các sự cố trên không. Nhưng, vẫn chưa có sự phối hợp bền vững như "bê tông cốt thép". Vẫn chưa thấy sự thống nhất tư tưởng và sự phối hợp hành động giữa tất cả các bên đang chiến đấu ở Syria", ông Kozin nhận xét.