Ngoài những nguyên nhân chủ quan đã được đề cập đến như người điều khiển chưa có giấy phép lái xe, thiếu trách nhiệm, uống rượu, nhầm chân phanh thành chân ga... thì giới chuyên môn còn có một góc nhìn khác, về độ an toàn của những chiếc xe được sản xuất ra.
Ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty tư vấn công nghệ ô tô Đức- Việt, nguyên là chuyên gia thiết kế của hãng xe Volkswagen (CHLB Đức) cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ hiện nay, có rất nhiều công nghệ mới đã được tích hợp trên ô tô, tập trung vào tính năng an toàn chủ động, với chức năng là phát hiện và tránh tai nạn.
Phương châm của nhà sản xuất là tạo ra sự an toàn cao nhất, không chỉ cho người ngồi trong xe mà cả những người cùng tham gia giao thông. Vì vậy, những công nghệ cảnh báo tai nạn đã được các hãng xe chú trọng nghiên cứu và phát triển khá lâu.
Ở các mẫu xe hiện đại, hệ thống cảnh báo tai nạn được cung cấp thông tin từ hàng loạt các cảm biến đặt dọc thân xe, có nhiệm vụ phát hiện vật cản, nguy cơ va chạm, trạng thái xe bất thường,... Từ đó, kích hoạt các chức năng an toàn, để thông báo cho lái xe và tự động can thiệp điều khiển phanh, tốc độ nhằm tránh, hoặc giảm thiểu tổn thương cho người tham gia giao thông.
Với nhiều chiếc ô tô ngày nay, công nghệ an toàn chủ động chỉ cần 2 giây để chuyển sang trạng thái sẵn sàng đối phó với các vụ va chạm, ông Đồng nói.
Ngoài các công nghệ như phanh ABS, phân phối lực phanh điện tử EBD, hỗ trợ lực phanh khẩn cấp BA,... đã trở nên phổ biến và được trang bị trên hầu hết xe ô tô, ngày nay nhiều xe còn được trang bị hàng loạt chức năng cảnh báo an toàn chủ động mới, có hiệu quả rất cao.
Chức năng giới hạn tốc độ
Chức năng này cho phép đặt một tốc độ giới hạn khi đi trên đường, giúp người lái tạm quên mối lo xe quá tốc độ. Khi được kích hoạt, hệ thống sẽ kiểm soát, giữ tốc độ của xe trong giới hạn người lái đã đặt, cho dù người lái có đạp quá chân ga, hệ thống điện tử cũng không cho phép xe chạy quá tốc độ đã được thiết lập.
Hiện công nghệ này đã phát triển thêm tính năng mới là giữ khoảng cách với xe phía trước. Nếu chiếc xe phía trước giảm tốc, tính năng này sẽ sử dụng phanh tự động để giảm tốc theo, giúp khoảng cách luôn giữ ở mức lựa chọn từ trước.
Công nghệ này có thể sử dụng được trên đường Việt Nam, đặc biệt là đường cao tốc, giúp người lái điều khiển xe nhẹ nhàng và tiện dụng hơn, đồng thời đảm bảo an toàn.
Công nghệ phanh tự động
Công nghệ này sử dụng thông tin thu về từ một kết hợp radar-laser-camera đặt phía trước xe. Thông qua tín hiệu hình ảnh, âm thanh nhận được từ phía trước, đa phần hệ thống cảnh báo sẽ phanh tự động và chuẩn bị các thao tác cần thiết nhằm ứng phó với va chạm. Khi lái xe lờ đi các cảnh báo, hệ thống sẽ tự động phanh hoặc dừng hẳn xe.
Dường như việc tích hợp công nghệ mới, người Nhật luôn đi sau? |
Cảnh báo này áp dụng được trên mọi địa điểm, từ những đoạn đường xe di chuyển bình thường cho tới đường cao tốc. Nó rất hữu ích khi lưu thông trong thành phố, nơi đông người. Nó có thể phát hiện và kích hoạt hệ thống phanh khi xe di chuyển với tốc độ dưới 30 km/h, hoặc dưới 50/km/h tùy từng mẫu xe.
Trong trường hợp có xe cắt ngang, hoặc tạt đầu, hệ thống phanh khẩn cấp này sẽ hoạt động và hỗ trợ phanh dù người lái chưa kịp phản ứng.
Phát hiện người đi bộ
Đây là công nghệ do tập đoàn Volvo đi tiên phong, hiện đã được nhiều hãng khác sử dụng. Hệ thống này sẽ phát hiện người đi bộ tiến vào đường đi của xe. Ở một số xe, hệ thống sẽ tự động phanh hoặc dừng hẳn khi cần thiết. Chức năng này được thiết kế để làm giảm mức độ nghiêm trọng trong các vụ tai nạn, thậm chí loại bỏ va chạm phía trước, liên quan đến người đi bộ và một số hãng đã nâng lên với cả người đi xe đạp.
Những tiện ích này, trước chỉ có trên các mẫu xe sang, đắt tiền, nhưng ngày nay đã được tích hợp trên nhiều mẫu xe bình dân. Tại Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, nhiều xe bình dân giá 700-900 triệu tích hợp những công nghệ trên.
Tuy nhiên, trong khi các hãng xe đến từ Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu,... đang ngày càng cạnh tranh, tích hợp nhiều công nghệ mới, thì xe hơi Nhật Bản dường như lại chậm hơn một nhịp. Những công nghệ này chỉ xuất hiện trên các thương hiệu hạng sang nhập khẩu nguyên chiếc như Lexus hay Acura,...
Hầu hết các mẫu xe bình dân lắp ráp tại Việt Nam chỉ trang bị công nghệ an toàn chủ động tối thiểu là phanh ABS, hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD, hỗ trợ lực phanh khẩn cấp BA.
Ngay cả những mẫu xe có giá bán từ gần 1 tỷ đồng trở lên, cũng chỉ có thêm công nghệ cảnh báo va chạm, nhưng không có tính năng tự động can thiệp. Gần đây, nhiều mẫu xe Nhật mới được trang bị thêm chìa khóa thông minh hay chế độ khởi động ngang dốc, trong khi các hãng xe khác ít tên tuổi hơn, giá rẻ hơn đã áp dụng từ lâu. Dường như việc tích hợp công nghệ mới, người Nhật luôn đi sau?
Các thương hiệu xe hơi Nhật Bản từ lâu đã được đánh giá cao về độ bền, dễ dàng thay thế phụ tùng, chi phí bảo hành bảo dưỡng thấp và giữ giá. Vì thế, người Việt rất tin tưởng và ưa thích ô tô Nhật Bản.
Tuy nhiên, xe Nhật thường nghèo các trang bị. Theo ý kiến từ một số kỹ sư ô tô, nếu như chiếc xe gây ra vụ tai nạn vừa rồi được trang bị tính năng như cảnh báo va chạm, phanh tự động,... có thể sẽ không xảy ra cảnh mất người đau thương. Rõ ràng, trách nhiệm về sự an toàn vẫn đang đặt ra với các nhà sản xuất.
Theo VNN