OpenAI sắp cán mốc định giá 100 tỉ USD bất chấp hàng loạt bất ổn trong hoạt động kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – OpenAI đang đàm phán để huy động vòng tài trợ mới đưa mức định giá công ty chạm mốc 100 tỉ USD.

Tổng giám đốc điều hành OpenAI - Sam Altman đang lãnh đạo một trong những công ty có giá trị nhất thế giới (Ảnh: Business Insider)
Tổng giám đốc điều hành OpenAI - Sam Altman đang lãnh đạo một trong những công ty có giá trị nhất thế giới (Ảnh: Business Insider)

Theo The Wall Street Journal , OpenAI đang đàm phán để huy động vòng tài trợ mới đưa mức định giá công ty chạm mốc 100 tỉ USD. Theo đó, công ty đầu tư mạo hiểm Thrive Capital dự kiến sẽ rót 1 tỉ USD vào OpenAI

OpenAI đã nhanh chóng trở thành một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới kể từ khi ra mắt chatbot ChatGPT vào tháng 11 năm 2022.

Sau khi hoàn tất đợt IPO vào tháng 2 năm 2023, công ty được định giá khoảng 86 tỉ USD và đã nhận được tổng cộng khoảng 13 tỉ USD tiền đầu tư từ Microsoft và hàng tỉ USD đầu tư từ các bên khác.

Các nhà đầu tư đã nhanh chóng ủng hộ công ty vì thành công của ChatGPT - ứng dụng đã thu hút hàng trăm triệu người dùng hàng tháng.

OpenAI có hai nhánh : nhánh phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 2015, và nhánh vì lợi nhuận, được thành lập vào năm 2019 để tài trợ cho kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI).

Theo The Wall Street Journal, các nhà đầu tư có quyền được chia một phần lợi nhuận từ nhánh vì lợi nhuận của OpenAI.

Mức định giá cao ngất ngưởng này xuất hiện bất chấp một năm đầy biến động của OpenAI.

Tháng 11 năm ngoái, CEO Sam Altman đã bị công ty sa thải sau khi hội đồng quản trị phán quyết rằng ông không "thẳng thắn" khi bàn luận với họ.

Sau đó, vào tháng 5, có tin tức cho biết công ty đang buộc nhân viên phải ký các thỏa thuận NDA (bảo mật thông tin), đặt ra những ràng buộc về bảo mật thông tin của doanh nghiệp kể cả khi người lao động đã rời đi. Nếu vi phạm, thông thường người lao động có thể bị xử phạt bằng tiền, thậm chí phải đối diện với kiện tụng vì những thiệt hại gây ra do việc để lộ thông tin.

Theo đó, các nhân viên của OpenAI có thể “mất tất cả cổ phần kiếm được trong thời gian làm việc tại công ty, có trị giá lên tới hàng triệu USD” nếu không ký NDA và có hành vi chê bai công ty sau khi nghỉ việc.

Một khoảng thời gian sau đó, OpenAI đã xảy ra tranh cãi với nữ diễn viên Scarlett Johansson, người khẳng định công ty đã sử dụng giọng nói của cô để quảng bá sản phẩm mà không được phép.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là sự ra đi của một số nhà nghiên cứu nổi tiếng nhất trong những tháng gần đây. Vào tháng 5, đồng sáng lập OpenAI, ông Ilya Sutskever đã rời đi.

Các đồng nghiệp của ông, Jan Leike và John Schulman cũng chuyển sang đầu quân cho đối thủ Anthropic. Không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu hàng đầu, Daniel Kokotajlo và William Saunders cũng đã rời đi vào đầu năm nay.

Làn sóng từ chức này một phần là do những lo ngại xoay quanh Sam Altman khi nhiều người cho rằng ông đang ưu tiên phát triển sản phẩm mạnh mẽ, theo đuổi lợi nhuận hơn là tính an toàn của công nghệ.

Một số cựu nhân viên của OpenAI tin rằng điều này hoàn toàn trái ngược với định hướng ban đầu của công ty và gây nguy hiểm cho nhân loại nếu công nghệ này không được phát triển một cách thận trọng.

Theo Business Insider