OpenAI cần làm gì để duy trì vị thế thống trị?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các chuyên gia trong ngành đã chia sẻ với trang tin Business Insider về cách OpenAI có thể duy trì vị trí dẫn đầu.

Logo OpenAI (Ảnh Business Insider)
Logo OpenAI (Ảnh Business Insider)

OpenAI hiện đang là công ty nổi dẫn đầu trong lĩnh vực AI tạo sinh. Trong vòng hai tháng sau khi ra mắt ChatGPT vào năm 2022, chatbot này đã thu hút khoảng 100 triệu người dùng hàng tháng - lập kỷ lục về lượng người dùng tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử đối với bất kỳ ứng dụng nào.

Công ty cũng đã tăng gấp ba lần mức định giá lên hơn 80 tỉ USD trong năm ngoái, một phần nhờ vào khoản đầu tư trị giá 13 tỉ USD từ gã khổng lồ công nghệ Microsoft.

Được biết, Apple hiện cũng đang tích hợp ChatGPT vào các sản phẩm hàng đầu của mình. OpenAI hiện đang chuẩn bị ra mắt mô hình tiên tiến nhất của mình, GPT-5.

Ảnh chụp màn hình 2024-08-27 102931.png
Logo ChatGPT trên màn hình điện thoại (Ảnh: Google)

Với đội ngũ nhân tài hàng đầu và hơn 11 tỉ USD hỗ trợ từ các nhà đầu tư khác, OpenAI đã và đang thống trị thị trường đầy tiềm năng này.

Tuy nhiên, công ty cũng đã mắc phải hàng loạt sai lầm trong quá trình phát triển. Dự báo gần đây của Sam Altman - CEO OpenAI, cho biết công ty sẽ đạt doanh thu hàng năm là 3,4 tỉ USD trong năm nay, song vẫn lỗ khoảng 5 tỉ USD. Những khoản lỗ này là do OpenAI hiện chưa có các định hướng rõ ràng để đạt được lợi nhuận trong tương lai gần, điều này đã bắt đầu khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Vậy, các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng chờ đợi bao lâu nữa trước khi OpenAI có thể bắt đầu kiếm tiền? Liệu OpenAI có quá tiềm năng khiến các nhà đầu tư không muốn bỏ lỡ hay không? Trang tin Business Insider đã phỏng vấn các chuyên gia trong ngành về vấn đề này.

Open AI cần giữ chân các nhân tài của công ty

Các nhà đầu tư đổ tiền vào OpenAI một phần vì đây là nơi "ươm mầm" những bộ óc thông minh nhất trong ngành AI, vì vậy giữ chân họ là chìa khóa để níu kéo các nhà đầu tư.

OpenAI được ra mắt vào năm 2015 với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phát triển trí tuệ nhân tạo tạo sinh - một AI có thể suy luận như con người. Tuy nhiên, OpenAI cũng đã phát triển thêm một nhánh sản phẩm vì lợi nhuận vào năm 2019 để tài trợ cho các dự án trong tương lai.

Công ty đã thu hút được một số bộ óc tài năng nhất của ngành AI trong nhiều năm qua, họ thậm chí còn tích cực săn đón nhân viên từ các đối thủ cạnh tranh, bao gồm cả Google. Một phân tích của Business Insider cho biết ít nhất có tới 44 nhân viên Google đã đầu quân cho OpenAI chỉ tính từ đầu năm nay.

Theo trang tin the Information, OpenAI dự kiến sẽ chi 8 tỉ USD vào năm 2024, trong đó ít nhất 1,5 tỉ USD sẽ được dùng để tuyển dụng nhân tài.

Ajay Agrawal, giáo sư tại Đại học Toronto, đồng tác giả một cuốn sách về kinh tế học AI, chia sẻ với Business Insider rằng việc tuyển dụng các kỹ sư và nhà nghiên cứu giỏi nhất thế giới là một phần lợi thế của OpenAI và việc đốt tiền cho các hoạt động này là chiến lược hợp lý trong một thị trường đầy tiềm năng.

Ông Agrawal cho biết : "Tôi cho rằng chiến lược của họ có vẻ rất hợp lý vì họ đang cạnh tranh trong một thị trường mới".

Mahdi Raza, đồng sáng lập kiêm đối tác quản lý của Exponent Founders Capital, cho biết các nhà đầu tư và đối tác sẽ hiểu được nhu cầu vốn của OpenAI trong các hoạt động duy trì nhân tài.

Ông Raza cho biết: "Các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tài trợ cho OpenAI miễn là họ tiếp tục tích lũy được lợi thế về khách hàng, sức mạnh tính toán và nhân tài".

Tuy nhiên, để giữ chân được những tài năng đó, công ty phải duy trì được văn hóa doanh nghiệp và sứ mệnh của công ty - thứ đã thu hút nhân tài ngay từ khi ứng tuyển

Brad Porter, CEO của công ty robot Collaborative Robots, cho biết: "Khi OpenAI dần thương mại hóa, hợp tác nhiều hơn với các công ty như Microsoft và Apple và khi định giá của họ tăng lên, thì nguy cơ văn hóa doanh nghiệp thay đổi là điều khó tránh khỏi".

Một số nhà nghiên cứu hàng đầu đã rời OpenAI. Nhà khoa học hàng đầu của OpenAI, Ilya Sutskever, đã rời đi vào tháng 5 vì ông không đồng ý với cách tiếp cận của Sam Altman trong việc tung ra các sản phẩm mới. Kể từ đó, ông đã thành lập công ty riêng của mình, Safe Superintelligence Inc., cho rằng ông có cách tiếp cận có trách nhiệm hơn đối với AI.

Ảnh chụp màn hình 2024-08-27 102747.png
Ilya Sutskever (giữa) cùng Sam Altmant và các thành viên trong hội đồng quản trị OpenAI khi còn làm việc cùng nhau (Ảnh: Google)

Jan Leike, người quản lý nhóm phát triển an toàn của OpeanAI, cũng đã đầu quân cho đối thủ Anthropic. Người đồng sáng lập của công ty, John Schulman, gần đây đã thông báo rằng ông cũng sẽ rời đi để đến Anthropic. Các nghiên cứu viên hàng đầu - Daniel Kokotajlo và William Saunders cũng đã rời đi vào đầu năm nay.

Brad Porter cho biết: "Bất kỳ ai tại OpenAI cũng có thể tự thành lập công ty riêng hoặc gia nhập công ty khác, do đó vị thế của họ đang bấp bênh hơn bao giờ hết".

Vì vậy, việc các nhà nghiên cứu hàng đầu ở lại hay ra đi có thể là phép thử rõ ràng nhất về sức mạnh của công ty.

Ông Porter cho biết: "Nếu OpenAI tin họ có sản phẩm tốt nhất và thực sự cảm thấy họ đang tiến gần đến việc hiện thực hóa tầm nhìn về AGI (trí tuệ nhân tạo tổng quát), thì hầu hết mọi người sẽ muốn ở lại để chứng kiến ​​tầm nhìn đó trở thành hiện thực".

Lợi thế tiên phong của OpenAI

Nhờ khoản đầu tư mạnh mẽ của OpenAI, công nghệ của công ty này thường được coi là tiêu chuẩn vàng cho các mô hình ngôn ngữ lớn.

Ảnh chụp màn hình 2024-08-27 102834.png
Giao diện công cụ tìm kiếm SearchGPT của OpenAI (Ảnh: Business Insider)

Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong thị trường này dần trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm các doanh nghiệp AI khác.

Nicos Vekiarides, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty kỹ thuật số Attestiv, chia sẻ với Business Insider: "Với tốc độ phát triển hiện tại, sẽ không có gì ngạc nhiên khi nhiều đối thủ cạnh tranh sớm bắt kịp OpenAI và đe dọa hoạt động kinh doanh của họ".

Meta của Mark Zuckerberg đã phát hành phiên bản mới nhất của mô hình Llama vào tháng 7. Google đã ra mắt Gemini vào năm ngoái và Microsoft, một đối tác của OpenAI, gần đây đã xác định nhà sản xuất ChatGPT là đối thủ cạnh tranh.

Trong hồ sơ nộp lên SEC gần đây, Microsoft thừa nhận "mối quan hệ đối tác lâu dài" với OpenAI nhưng cũng gọi công ty này là đối thủ cạnh tranh của mình.

AGI có thể là bệ phóng nhưng cũng có thể hủy hoại OpenAI

Nhiệm vụ cuối cùng của OpenAI là đạt được tầm nhìn về AGI (trí thông minh nhân tạo tổng quát), một dạng AI phản ánh khả năng của con người.

Đây chính là "lá bài tẩy" của công ty. Tiềm năng của nó là một phần khiến các nhà đầu tư phấn khích.

"Tôi nghĩ AGI sẽ là công nghệ mạnh mẽ nhất mà nhân loại từng phát minh ra", Sam Altman nói trong một cuộc phỏng vấn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng OpenAI có thể sẽ phát triển hơn nếu thu hẹp trọng tâm của mình — đặc biệt là khi các đối thủ cạnh tranh của công ty cũng đang hướng tới cùng một mục tiêu đầy tham vọng.

"Cách tiếp cận AGI và sản phẩm theo mạng lưới rộng có thể gây hại cho họ, nhưng Sam Altman là một CEO tuyệt vời. Họ biết cách vận hành của thị trường này, vì vậy tôi không nghĩ rằng đã đến lúc họ cần phải chứng minh vị thế của doanh nghiệp thông qua lợi nhuận.

Họ sẽ có thể sẽ huy động thêm một vài vòng gọi vốn giá cao nữa", Krithik Puthalath, người sáng lập công ty khởi nghiệp AI toàn diện Zyphra, chia sẻ với Business Insider.

Theo Business Insider