OpenAI mở "chợ" chatbot GPT: Lợi gì, hại gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 10/1 vừa qua, OpenAI đã cho ra mắt cửa hàng ứng dụng GPT Store để người dùng có thể mua và bán các chatbot do họ tạo ra trên cơ sở tùy chỉnh mô hình ngôn ngữ lớn của hãng.

OpenAI mở "chợ" chatbot GPT: Lợi gì, hại gì?

GPT Store mà OpenAI mở ra cũng tương tự như các chợ ứng dụng iOS và Android. Nó cho phép các nhà phát triển có thể cung cấp và kiếm tiền thông qua việc mua bán các chatbot GPT do họ tạo ra trên cơ sở tùy chỉnh ChatGPT.

Tuy nhiên, chỉ có các khách hàng trả phí sử dụng dịch vụ ChatGPT Plus và Enterprise hoặc Teams của Microsoft mới được phép truy cập kho GPT Store.

Thông qua mô hình Store này, những người sáng tạo có thể phát triển chatbot theo tính cách hoặc chủ đề riêng, chẳng hạn như chatbot hỗ trợ đàm phán lương, xây dựng giáo án và phát triển công thức nấu ăn...

Trong một bài đăng trên blog thông báo về việc ra mắt, OpenAI cho biết hơn 3 triệu phiên bản tùy chỉnh của ChatGPT đã được tạo. Công ty cũng cho biết họ có kế hoạch giới thiệu các công cụ GPT hữu ích trong GPT Store hàng tuần. OpenAI đã nêu bật một số sản phẩm đã được cung cấp trong thông cáo báo chí đi kèm với đợt ra mắt, bao gồm các sản phẩm từ ứng dụng thiết kế Canva và ứng dụng đi bộ đường dài AllTrails.

Công ty cho biết thêm rằng họ sẽ triển khai chương trình chia sẻ doanh thu trong quý đầu tiên của năm nay, qua đó các nhà phát triển sẽ được trả tiền dựa trên mức độ tương tác của người dùng với GPT của họ.

Lợi và hại của mô hình "chợ" GPT

Việc OpenAI mở cửa hàng GPT có thể mang lại nhiều lợi ích cũng như những thách thức

Về lợi ích

Đây là cơ hội để phổ biến các mô hình ngôn ngữ lớn. Trước đây, khi muốn sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn, người dùng bắt buộc phải có kiến thức về máy học và có quyền truy cập vào hệ thống phần cứng. GPT Store loại bỏ các rào cản này. Nó cho phép bất kỳ cá nhân nào cũng có thể tạo và sử dụng chatbot GPT.

"Chợ" GPT cũng giúp phổ biến mô hình ngôn ngữ lớn và làm cho chúng dễ tiếp cận với nhiều người.

Khi nhiều người sử dụng và sáng tạo chatbot GPT, sẽ càng xuất hiện những chatbot mới lạ và sáng tạo hơn, có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như dịch vụ khách hàng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí... Điều này chính là thúc đẩy sự đổi mới trong ngành.

gpt-store-2-7826.jpg

Những thách thức

Vấn đề kiểm soát chất lượng và nội dung của các chatbot GPT là một thách thức cho công ty chủ quản. Nhà phát triển có thể tạo ra các chatbot GPT với mục đích xấu, độc hại, dùng để lừa đảo hoặc phát tán thông tin sai lệch. Apple cũng như Google khi mở ra các cửa hàng ứng dụng đã có những quy định chặt chẽ để hạn chế ứng dụng lừa đảo, ứng dụng lan truyền virus, đánh cắp thông tin người dùng. Vì thế, OpenAI cần có các quy định để kiểm soát chất lượng các chatbot GPT.

Ngoài ra, vấn đề về quyền riêng tư cũng là một dấu chấm hỏi. Chatbot GPT có thể lưu trữ và xử lý nhiều dạng dữ liệu trong đó có dữ liệu cá nhân nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng. Vì thế, OpenAI cũng cần có các chính sách kiểm soát hoặc thống kê dạng dữ liệu mà các chatbot GPT xử lý.

Tóm lại, GPT Store có thể giúp phổ biến các chatbot trong đa dạng các lĩnh vực, giúp nó dễ tiếp cận với người dùng. Tuy nhiên, đơn vị chủ quản cần phải đảm bảo các chatbot đó được phát triển đúng cách, không xâm phạm đến quyền riêng tư của mỗi cá nhân.