Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa quyết định miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc SHB đối với ông Nguyễn Văn Lê kể từ ngày 4/8/2021. Trước đó, ông Nguyễn Văn Lê đã có đơn xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe.
Được biết, ông Nguyễn Văn Lê sinh năm 1973 tại Cần Thơ, có trình độ tiến sĩ kinh tế Học viện Ngân hàng và 26 năm kinh nghiệm quản lý điều hành trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong đó hơn 20 năm gắn bó với SHB.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Lê bắt đầu công tác tại SHB từ năm 1999 và được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc từ năm 2000 - khi SHB vẫn còn là một ngân hàng nông thôn và chưa về tay “bầu” Hiển - và liên tục đứng đầu ban điều hành SHB suốt 2 thập kỷ.
Theo ghi nhận, ông Lê là một trong hai CEO ngân hàng thương mại tại nhiệm lâu năm nhất trong giới banker Việt Nam, bên cạnh bà Thái Hương - người liên tục giữ ghế Tổng Giám đốc Bac A Bank từ năm 1994 đến nay.
Trước đó, ông Lê từng làm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thạnh Thắng - Cần Thơ, Kiểm toán viên Công ty kiểm toán AFC.
Tính đến ngày 30/6/2021, ông Nguyễn Văn Lê sở hữu hơn 4,37 triệu cổ phiếu SHB, tương đương tỉ lệ sở hữu 0,227% vốn điều lệ ngân hàng.
Ngoài chức vụ Tổng giám đốc SHB, ông Nguyễn Văn Lê từng đảm nhiệm nhiều chức vụ cấp cao khác như: Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SHB (SHBS); Phó Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC); Thành viên HĐQT CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF); Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - SHB (SHAMC); Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Cao su Nghệ An; Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Lilama SHB; Thành viên HĐQT CTCP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp SHB (SHB Land).
SHB sẽ xử lý hết nợ Vinashin trong năm nay
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt 3.095 tỉ đồng, tăng 86,5% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành hơn 50% so với kế hoạch cả năm.
Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của SHB đạt 458.000 tỉ đồng, tăng 11% so với thời điểm đầu năm. Cho vay khách hàng và tiền gửi của khách hàng đạt lần lượt 331.500 tỉ đồng và 310.900 tỉ đồng, tăng 8,5% và 2,4% so với đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, SHB vẫn tích cực trích lập dự phòng rủi ro để hoàn thành các kế hoạch xử lý nợ, nâng cao chất lượng tài sản. Chi phí dự phòng rủi ro nửa đầu năm 2021 của SHB đạt 2.258 tỉ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2020.
SHB cho biết có thể xử lý xong nợ tại Vinashin và mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2021, nhanh hơn một năm so với kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra./.