Ông Nguyễn Thiện Nhân: 'Không biết dân không hài lòng, như thế rất nguy hiểm'

Bí thư Thành uỷ TP HCM yêu cầu cán bộ giải quyết bức xúc của người dân huyện Củ Chi về dự án công viên 500 triệu USD bị bỏ hoang 13 năm.

Sáng 15/10, dẫn đầu tổ Đại biểu Quốc hội TP HCM tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân chăm chú nghe người dân phản ánh bức xúc về 457 ha đất bị thu hồi phục vụ dự án Công viên Sài Gòn Safari.

Dự án công viên du lịch sinh thái này có vốn đầu tư 500 triệu USD nhưng bị bỏ hoang suốt 13 năm, trong khi dân không có chỗ ở.

"Nghe cử tri phản ánh, tôi có cảm nhận bà con chưa thật sự tin cậy với lãnh đạo thành phố. Có lẽ phải xem lại cách gần dân, nghe dân và giải quyết vấn đề với dân", ông Nhân nói.

Bí thư Thành uỷ TP HCM yêu cầu lãnh đạo huyện Củ Chi cùng các sở ngành ghi nhận ý kiến, đánh giá sự hài lòng của người dân với lãnh đạo... để rút kinh nghiệm chung cho thành phố.

Ông cũng đề nghị theo sát diễn biến của Thanh tra Chính phủ, sớm thông báo cho người dân về cách giải quyết những vướng mắc ở dự án Thảo Cầm Viên Safari. Vụ việc phải được giải quyết trước kỳ họp HĐND TP HCM tháng 12.

Cử tri kiến nghị với Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân và các thành viên trong tổ Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Tuyết.Cử tri kiến nghị với Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân và các thành viên trong tổ Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Tuyết.

"Thường vụ Thành ủy có ý kiến rất rõ ràng, phải lắng nghe ý kiến người dân, không thể tiếp tục tình trạng người dân không hài lòng mà lãnh đạo không biết, như thế rất nguy hiểm", ông Nhân nhấn mạnh.

Trước đó, trình bày với người đứng đầu Thành uỷ, nhiều người đã chuẩn bị sẵn các câu hỏi, kiến nghị.

Cho biết có nhiều thắc mắc dồn nén đã lâu, cử tri Đoàn Văn Xuân nói rằng, dự án Sài Gòn Safari thu hồi đất làm ảnh hưởng đến 705 gia đình nhưng chậm tiến độ hơn chục năm.

"Chúng tôi kiến nghị phải có biện pháp xử lý dứt điểm để người dân ổn định cuộc sống. 13 năm nay thu hồi đất của bà con làm gì, rồi để hoang hóa hơn là chiến tranh hồi xưa. Người dân chúng tôi không có công ăn việc làm, không có đất sản xuất, mà dự án bỏ hoang phung phí tài sản cỡ nào", ông Xuân gay gắt.

Cùng quan điểm, cử tri Trần Văn Trai cho rằng, khi thu hồi đất thực hiện dự án chủ đầu tư họp dân để công bố nhưng quy trìnhh thực hiện thì không đưa ra phương án giá.

"Ban bồi thường huyện Củ Chi tự đến ghi tài sản, đất đai của người dân. Họ cũng tự quyết định giá bồi thường mà không biết giá trị nhà đất, cây cối của người dân như thế nào. Như vậy tức là không bàn bạc gì và chúng tôi có đất mà không có quyền, đề nghị phải xem xét lại", ông Trai nói.

Khẳng định người dân luôn ủng hộ chủ trương của thành phố, song cử tri này không hài lòng về cách làm. "Thực hiện công trình nhưng cơ bản nhất vẫn là cuộc sống người dân. Nếu chừng đó năm để đất cho người dân sử dụng thì đất sẽ không hoang hóa như vậy. Tôi tính bình quân một hộ thu hoạch 30 triệu mỗi năm, thì 13 năm nay mất đi bao nhiêu tiền?", ông Trai đặt vấn đề.

Các cử tri cũng cho rằng, suốt hàng chục năm nay họ bức xúc, khiếu nại giá bồi thường đất quá rẻ (từ 60.000 đồng đến 75.000 đồng mỗi m2) nhưng không được giải quyết, khiến họ mất lòng tin. Người dân biết Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc thanh tra toàn diện dự án nhưng đến nay vẫn chưa công bố kết quả.

Theo ông Lê Văn Hùng - Phó Chánh thanh tra TP HCM - đây là dự án mang tầm quốc gia, Thủ tướng ra quyết định thu hồi, pháp lý đều đầy đủ.

"Phương án bồi thường đúng hay sai thành phố không dám nói, phải chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ", ông Hùng nói và cho biết dự án đã bồi thường được 98%, chỉ còn 15 hộ chưa đồng ý.

"Ai làm sai cũng phải xử lý trách nhiệm nghiêm túc. Tôi sẵn sàng tiếp bà con bất cứ lúc nào để giải quyết thắc mắc", Phó Chánh thanh tra khẳng định.

Buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi còn có bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, ông Trần Anh Tuấn - quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố.

Dự án Công viên Sài Gòn Safari tại xã An Nhơn Tây và xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, có tổng diện tích khoảng 457 ha. Khi hoàn thành, công viên du lịch sinh thái này có thể đón 1.800 khách lưu trú, 3.000 khách tham quan mỗi ngày cùng khoảng 500 nhân viên phục vụ.

Dự án được khởi động từ năm 2004. Tuy nhiên, theo UBND thành phố do năng lực chủ đầu tư (Thảo cầm viên Sài Gòn) yếu, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, dự án lớn nhưng khả năng sinh lợi thấp… khiến công viên Sài Gòn Safari sau hơn chục năm vẫn chưa thể triển khai. Thành phố đã cho thu hồi để giao đơn vị khác đầu tư.

Đến năm 2015, Công ty cổ phần Vinpearl đề xuất được đầu tư dự án công viên Sài Gòn Safari với vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD và đã được UBND TP HCM chấp thuận cho phép thuê đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu lập điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch và lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Công viên Sài Gòn Safari.

Theo VnExpress
https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-nguyen-thien-nhan-khong-biet-dan-khong-hai-long-nhu-the-rat-nguy-hiem-3656027.html