Khách sạn TajmaSago là một lâu đài đúng nghĩa, tọa lạc địa chỉ tại Số 6 Phan Văn Chương (Quận 7, TP. HCM). Theo giới thiệu, công trình này được thiết kế dựa trên cảm hứng từ ngôi đền Taj Mahal của Ấn Độ, có kiến trúc là một tòa lâu đài với 2 màu sắc trắng - đen làm chủ đạo.
|
Nhượng quyền quản lý điều hành "lâu đài" TajmaSago và nhà hàng Cham Charm
Thông tin Tập đoàn Khaisilk đã bán đi 2 tài sản mang tính biểu tượng mình - là Khách sạn TajmaSago và Nhà hàng Cham Charm (tọa lạc tại khu đất số 2-6 Phan Văn Chương, khu vực Cầu Ánh Sao - Hồ Bán Nguyệt, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh) - đang làm xôn xao dư luận.
Bên mua, như thông tin trên truyền thông, là Tập đoàn Chloe Hospitality - một cái tên còn tương đối xa lạ trên thị trường. Và theo một số tờ báo, sau khi về với chủ mới, 2 bất động sản siêu sang nằm trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng sẽ thay thương hiệu - thành Chloe Gallery.
Tuy nhiên, trao đổi với VietTimes trưa 17/12, đại diện Tập đoàn Chloe Hospitality - CEO Nguyễn Đình Toàn - lại cho biết thông tin mà báo chí đã nêu là chưa thực sự chính xác. Theo đó, Chloe Hospitality được Khaisilk nhượng quyền quản lý điều hành khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm. Chứ không phải là mua bán!
"Các dự án đó không bao giờ được mua bán, tại vì khu vực đó rất đặc thù. Tất cả những sản phẩm ở đó đều trực thuộc của Tập đoàn Phú Mỹ Hưng. Các bên chỉ thuê có thời hạn, hết thời gian thì gia hạn thôi. Chúng tôi có hợp đồng riêng với anh Khải (ông Hoàng Khải - chủ Tập đoàn Khaisilk - PV) để toàn quyền quản lý tài sản này và tổ chức kinh doanh. Trong đó, chúng tôi sẽ trả một khoản tiền khoán cho anh Khải, để ảnh thực hiện trả chi phí thuê cho Tập đoàn Phú Mỹ Hưng” - ông Toàn thông tin.
Một lối vào "lâu đài" TajmaSago. (Ảnh: Trường Minh)
|
Tập đoàn Chloe Hospitality
Theo tìm hiểu của VietTimes, địa chỉ của Khách sạn TajmaSago hiện cũng là nơi đăng ký trụ sở chính của Công ty TNHH Chloe Hospitality (Chloe Hospitality), hay như cách mà truyền thông vẫn gọi ít ngày qua - là "Tập đoàn Chloe Hospitality".
"Tập đoàn Chloe Hospitality" thực ra là một pháp nhân còn khá trẻ, được thành lập cách đây ít tháng - cụ thể là vào ngày 06/09/2018.
Ban đầu, vị trí Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Chloe Hospitality thuộc về bà Bùi Thị Vân Anh (SN 1970, thường trú tại phố Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh). Nhưng ít ngày trước (3/12/2018), vị trí của bà Vân Anh đã được thay thế bằng một nhân sự còn khá trẻ - là bà Đào Ngọc Bảo Phương (SN 1994, thường trú tại đường Trần Hưng Đạo, Phường 10, Đà Lạt, Lâm Đồng).
Bến Thành Tower - nơi đặt trụ sở của Bến Thành Land và Capella Holdings (Ảnh: Trường Minh)
|
Chloe Hospitality được sở hữu bởi CTCP Đầu tư địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land) - do ông Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật. Ông Nguyễn Cao Trí còn được biết đến trong vai trò Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Mã CK: KHA); Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Capella (Capella Holdings). Bà Bùi Thị Vân Anh - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chloe Hospitality, nên biết, chính là phu nhân của của ông Nguyễn Cao Trí.
Theo công bố, Capella Holdings định hướng trở thành một tập đoàn đa ngành, lấy dịch vụ F&B và giải trí làm ngành kinh doanh cốt lõi - tức là khá phù hợp cho việc tiếp quản 2 dự án của Khaisilk.
Rời công ty khỏi "lâu đài"
Địa chỉ của "lâu đài" TajmaSago (số 6 Phan Văn Chương, Quận 7, TP. HCM), như VietTimes từng đề cập, là nơi đăng ký trụ sở chính của không ít thành viên trong “hệ sinh thái" doanh nghiệp của doanh nhân Hoàng Khải (SN 1963) - cha đẻ của thương hiệu “Khải Silk”.
“Hệ sinh thái” doanh nghiệp của ông Khải Silk |
Trong số đó, có thể kể đến Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Khải. Ngày 30/7/2018, DNTN Hoàng Khải đã chính thức thay đổi địa chỉ trụ sở chính từ Số 6 Phan Văn Chương (Phường Tân Phú, Quận 7, TP. HCM) về Trung tâm thương mại 0.01 Tầng 1 & 1.01 Tầng 2, Chung cư số 170 Nguyễn Văn Hưởng, Phường Thảo Điền, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh.
Tương tự là trường hợp của CTCP Đầu tư Khaisilk (viết tắt: Đầu tư Khaisilk). Tuy nhiên, lý do "chuyển nhà" của Đầu tư Khaisilk có phần thú vị hơn.
Bán CTCP Đầu tư Khaisilk
CTCP Đầu tư Khaisilk thành lập ngày 11/1/2016, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 6 Phan Văn Chương, Phường Tân Phú, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh; hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cho thuê mặt bằng.
Quy mô vốn điều lệ ban đầu của Đầu tư Khaisilk cũng khá khiêm tốn với 20 tỷ đồng và có 4 cổ đông cá nhân tham gia góp vốn là: Hoàng Khải (40%); Hoàng Phi Phi (10%); Hoàng Mi (40%); Nguyễn Thu Nga (10%). Trong đó, ông Hoàng Khải đóng vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật.
CTCP Đầu tư Khaisilk đã được "thay ruột" hoàn toàn.
|
Đầu tư Khaisilk bắt đầu chứng kiến những thay đổi mang tính bước ngoặt kể từ đầu tháng 6/2018 - khi mà cơ cấu sở hữu của công ty được "thay máu" hoàn toàn, với sự xuất hiện của 4 cổ đông mới: Công ty TNHH Liên doanh Beautiful Saigon (40%), Lee Young Hoon (30%), Kim Ho Sik (3,6%) và Jung Hyun Mo (8,4%). Quy mô vốn điều lệ của Đầu tư Khaisilk lúc này đã được nâng lên mức 100 tỷ đồng.
Trong đó, 3 cổ đông cá nhân đều là những nhà đầu tư mang quốc tịch Hàn Quốc. Cổ đông tổ chức duy nhất còn lại - Công ty TNHH Liên doanh Beautiful Saigon (BS Building) - được thành lập năm 2007, lĩnh vực kinh doanh chính là đầu tư xây dựng và kinh doanh khu thương mại, văn phòng cho thuê.
Thành lập ở Tp.HCM nhưng BS Building cũng mang bản chất của một DN Hàn Quốc, do 2 cá nhân người Hàn nắm giữ 71,23% vốn điều lệ; Còn 28,77% vốn điều lệ còn lại được đóng góp bởi CTCP B.B Đại Minh.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, BS Building khá tích cực đầu tư tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Theo đó, giữa năm 2016, BS Building từng ký hợp đồng với Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (Tập đoàn Phú Mỹ Hưng), để thuê lô đất số C7B-01A, có diện tích 1.776m2 tại Phường Tân Phú. Tổng giá trị tiền thuê đất (chưa bao gồm VAT) là 76,42 tỷ đồng; Thời hạn thuê kéo dài 27 năm, bắt đầu từ ngày 19/5/2016.
Nên biết, ngày 12/6/2017, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có quyết định chấp thuận cho BS Building thực hiện xây dựng dự án “The Graces”, bao gồm 16 tầng và 2 tầng hầm, để cho thuê văn phòng trên khu đất trên.
CTCP Đầu tư Khaisilk đã được đổi tên thành CTCP Đầu tư 29, trụ sở cũng không còn ở "lâu đài" TajmaSago mà chuyển sang Lầu 13 - Tòa nhà Dai Minh Convention Tower. Nên biết, đây cũng là nơi đăng ký trụ sở chính của BS Building.
|
Trở lại với CTCP Đầu tư Khaisilk, sự góp mặt của các “ông chủ” đã đem đến cho doanh nghiệp này nhiều thay đổi - nếu không muốn nói là thay đổi triệt để.
Cuối tháng 6/2018, bà Nguyễn Ngọc Cẩm Châu (sinh năm 1978), chức vụ Giám đốc, đã thay thế cho ông Hoàng Khải trở thành người đại diện theo pháp luật mới của Đầu tư Khaisilk.
Điều này cũng đồng nghĩa, ông Hoàng Khải đã “rút lui” khỏi công ty Đầu tư Khaisilk - một doanh nghiệp hiếm hoi mang thương hiệu “Khaisilk” trong “hệ sinh thái” của vị doanh nhân này.
Đầu tháng 8/2018, công ty Đầu tư Khaisilk đã đổi tên thành CTCP Đầu tư 29. Địa chỉ trụ sở của công ty này cũng được thay đổi về Lầu 13, số 77 đường Hoàng Văn Thái, Phường Tân Thuận Tây, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh - cũng là nơi đăng ký trụ sở chính của BS Building.
Cập nhật tới ngày 21/8/2018, cơ cấu cổ đông của CTCP Đầu tư 29 tiếp tục có sự thay đổi với các nhà đầu tư Hàn Quốc chiếm tỷ lệ đa số. Trong đó, Lee Bung KWN chiếm tới 50%, tiếp đến là BS Building với 20% và BBDM 1 LTD với tỷ lệ 18% vốn điều lệ; số cổ phần còn lại do các cổ đông cá nhân là Jung Hyun Mo và Kim Ho Sik nắm giữ.
Từ bỏ The Khai Tower
Chưa rõ thương vụ chuyển nhượng CTCP Đầu tư Khaisilk cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đem lại cho nhóm ông Khải "Silk" bao nhiêu. Nhưng chắc chắn với việc bán đi pháp nhân này, doanh nhân Hoàng Khải đã từ bỏ hoàn toàn những dự án mà Đầu tư Khaisilk theo đuổi. Mà nổi bật nhất trong số đó là dự án tòa tháp The Khai Tower.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ngày 24/02/2016, Đầu tư Khaisilk đã ký kết hợp đồng thuê lại Lô đất C7B-01C (Khu A, Khu đô thị mới Nam Thành phố - phường Tân Phú, Quận 7, Tp. HCM) với Tập đoàn Phú Mỹ Hưng. Giá trị thương vụ ước khoảng 110 tỷ đồng. Lô đất này, trước đó, đã được UBND Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết.
Phối cảnh The Khai Tower.
|
Khaisilk từng dự định triển khai ở lô đất này một dự án đầy tham vọng. Đó là tháp văn phòng The Khai Tower, cao 22 tầng (bao gồm cả các tầng kỹ thuật), gồm 18.000 m2 sàn xây dựng, với tổng vốn đầu tư là 19 triệu USD.
Nhưng như đã nói, bán CTCP Đầu tư Khaisilk cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ The Khai Tower.
Mà đầu chỉ có The Khai Tower, "lâu đài" TajmaSago và nhà hàng Cham Charm, truyền thông còn vừa phát hiện ra, cách đây ít lâu, ông Khải "Silk" đã rao bán cả siêu xe. "Hồi tháng 8 vừa qua thông tin chiếc Rolls-Royce Phantom từng thuộc sở hữu của đại gia Khải Silk được một showroom tư nhân tại Hà Nội chào bán cũng gây xôn xao dư luận. Chiếc Rolls-Royce Phantom màu bạc này chính là chiếc Rolls-Royce Phantom đầu tiên được đưa về Việt Nam. Chiếc xe một thời gắn liền với thương hiệu và tên tuổi của doanh nhân Hoàng Khải", một tờ báo viết.
Còn một đối tác của Khaisilk thì nói với VietTimes: "Sản phẩm nào bán được thì anh Khải đã bán. Còn những cái không bán được thì anh Khải cho thuê khoán"./.