“Khải Silk” đang là một từ khóa làm nóng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông ít ngày qua.
Mọi chuyện bắt nguồn từ nghi án bán “hàng Tàu” của thương hiệu uy tín bậc nhất trên thị trường tơ tằm và dệt thủ công Việt Nam.
Theo đó, cách đây ít ngày, một khách hàng đặt mua 60 chiếc khăn tay lụa tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai đã ngỡ ngàng khi nhận ra rằng, trong 60 sản phẩm mà Khaisilk đã cung cấp có 01 chiếc gắn tới 2 mác: mác “Khaisilk Made in Vietnam” lẫn mác “Made in China”.
59 sản phẩm còn lại chỉ có mác Khaisilk Made in Vietnam. Nhưng trên viền khăn lại có một miếng nhỏ màu trắng, nhìn giống như đã bị cắt mác từ trước.
Sự việc khiến nhiều khách hàng hoài nghi về nguồn gốc xuất xứ của những chiếc khăn lụa cao cấp thương hiệu Khaisilk.
Mặc dù ông Trần Văn Cương - phụ trách cửa hàng Khaisilk Hà Nội – đã có văn bản trả lời rằng, chiếc khăn chứa hai nhãn là do nhân viên bộ phận kho, khi soạn lô hàng thấy thiếu 1 chiếc đã lấy trên máy may vốn đang sản xuất một đơn hàng cho khách hàng Design Go tại HongKong (đơn hàng này yêu cầu Khaisilk may riêng nhãn mác Made in China vì lý do thủ tục nhập khẩu), nhưng những giải thích dường như vẫn chưa làm cho khách hàng và những người quan tâm cảm thấy thỏa đáng.
Trên mạng xã hội, vẫn tiếp tục có thêm những khách hàng lên tiếng tố về sự nhập nhằng nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm Khaisilk.
Doanh nhân Hoàng Khải
Khaisilk gắn liền với doanh nhân Hoàng Khải. Chính ông Khải đã là người sáng lập, tạo dựng, điều hành và đưa Tập đoàn Khải Silk (Khai Silk Corp) phát triển như hiện nay, trở thành một trong những thương hiệu Việt hàng đầu trong lĩnh vực xa xỉ phẩm.
Ông Khải sinh ngày 01/11/1963 tại Hà Nội, là con trai cả trong một gia đình có cửa hàng thêu trên phố Hàng Gai, Hà Nội. Tuổi thơ trong ký ức của ông là những ngày tháng cơ cực khi “chiều chiều lọc cọc đạp ngoáy mông trên chiếc xe đạp cà tàng đi học nhạc chỉ ước một que kem cốm Tràng tiền. Có hôm đi học tiếng Anh trời mưa, Mẹ thương cho 5 xu đi tàu điện, mua luôn que kem ăn, rồi nhảy tàu trốn vé".
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt miêu tả về sự nghiệp của vị doanh nhân này như sau: Năm 25 tuổi, ông quyết định bỏ học Nhạc viện và thành lập cửa hàng Khải Silk đầu tiên trên phố Hàng Gai. Định hình sản phẩm theo phân khúc cao cấp, những sản phẩm của Khải Silk đều do chính ông Khải thiết kế và thuê gia công từ làng lụa Vạn Phúc hoặc Đà Nẵng. Khải Silk thành công kéo theo sự phát triển khu phố Hàng Gai, Hàng Bông thành nơi tập trung nhiều cửa hàng lưu niệm tơ lụa tại Hà Nội.
Ngoài việc phát triển chuỗi cửa hàng độc lập, Khải Silk còn mở thêm các cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm tại các khách sạn 5 sao. Hiện Khaisilk có 7 cửa hàng lớn nằm tại một số khách sạn lớn, Legend, Sài Gòn và Hà Nội.
Khi thành công trên thị trường tơ lụa, ông Khải đầu tư vào bất động sản và nhà hàng cao cấp tại Tp. Hồ Chí Minh, như Au Menoir de Khai, Ming Dynasty, Nam Phan chuyên ẩm thực Việt Nam; Cham Charm, Trois Pommes chuyên ẩm thực Pháp; Tao lI chuyên về hải sản; London Steak House, Khai’s Brothers và That’s Café.
Ngoài ra tập đoàn Khải Silk còn khai thác TajmaSago, một biệt thự trị giá 15 triệu USD lấy cảm hứng từ ngôi đền Taj Mahal Ấn Độ tại khu Phú Mỹ Hưng làm resort và sở hữu một trung tâm thương mại cao cấp có tên Saigon Paragon, trị giá 35 triệu USD khai trương vào tháng 7 năm 2009. Trong tương lai gần sẽ xây dựng 2 khách sạn tại Bãi dài Cam Ranh 15 triệu USD và tòa cao ốc THE KHAI trị giá 30 triệu USD.
Wikipedia tiếng Việt cũng cho biết thêm, từ năm 2015, Hoàng Khải là đại sứ của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu tại Việt Nam (WildAid).
"Hệ sinh thái" doanh nghiệp của ông Khải Silk
Hoàng Khải được biết đến là Chủ tịch của Tập đoàn Khaisilk, cha đẻ của thương hiệu Khaisilk đình đám, chủ đầu tư của cao ốc THE KHAI. Nhưng Khai Silk Corp cụ thể là pháp nhân nào hay bao gồm những pháp nhân nào thì không phải ai cũng biết.
Phần lớn vẫn chỉ biết đến tên gọi chung chung như Khaisilk, Tập đoàn Khai Silk hay Khải Silk.
Theo tìm hiểu của VietTimes, trong hệ thống doanh nghiệp của ông Hoàng Khải, quả thực có doanh nghiệp mang tên Khaisilk. Đó là Công ty cổ phần Đầu tư Khaisilk, trụ sở tại số 06 Phan Văn Chương, P. Tân Phú, Q. 7, Tp. HCM.
Ông chủ Khaisilk, doanh nhân Hoàng Khải chính là người đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư Khaisilk. Tuy nhiên, pháp nhân này hẳn chưa phải là doanh nghiệp hạt nhân của Tập đoàn Khaisilk.
Bởi lẽ Công ty cổ phần Đầu tư Khaisilk mới được thành lập cách đây chưa lâu, cụ thể là ngày 11/01/2016, với lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, cho thuê mặt bằng.
Vốn điều lệ của công ty cũng khá khiêm tốn. Khi mới thành lập là 20 tỷ đồng, chia làm 200.000 cổ phần (100.000 VND/cp), do 4 cổ đông đóng góp sáng lập: Hoàng Khải (8 tỷ đồng, 40%); Hoàng Phi Phi (10%); Hoàng Mi (40%); Nguyễn Thu Nga (10%).
Cuối tháng 5/2016, vốn điều lệ được tăng lên mức 70 tỷ đồng, trong đó: Hoàng Khải (11,4%); Hoàng Phi Phi (2,9%); Hoàng My (11,4%).
Đến tháng 1/2017, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đầu tư Khaisilk tiếp tục được tăng lên mức 100 tỷ đồng. Ông Hoàng Khải vẫn là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.
Theo tìm hiểu, một trong những doanh nghiệp lâu năm và đóng vai trò lõi trong hệ sinh thái doanh nghiệp của ông Hoàng Khải là Công ty TNHH Khải Đức (Khải Đức).
Khải Đức bắt đầu thành lập ngày 13/08/2002, có loại hình pháp lý là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trong cơ cấu lãnh đạo công ty, doanh nhân Hoàng Khải đóng vai trò Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật; Còn Tổng Giám đốc là ông Phan Anh Đức. Có lẽ cái trên Khải Đức của công ty vốn được hình thành từ sự ghép tên của hai lãnh đạo này.
Ngoài công ty mẹ tại trụ sở số 02 Phan Văn Chương (Phường Tân Phú, Quận 7, Tp. HCM), Khải Đức còn có nhiều chi nhánh, tọa lạc tại nhiều địa chỉ ở Tp. HCM và Đà Lạt. Có thể kể đến như Chi nhánh tại 101 Đồng Khởi (Q.1); Nhà hàng Trung Hoa Minh tại 23 Nguyễn Khắc Viện (Q.7); Cửa hàng thời trang 2A tại số 2A – 4A Tôn Đức Thắng (Q. 1); Nhà hàng Chăm số 2 Phan Văn Chương (Q.7); Cửa hàng Thời trang 81 tại số 81 Đồng Khởi (Q.1); Nhà hàng Nam Phan Đà Lạt tại số 7 Trần Hưng Đạo (Đà Lạt, Lâm Đồng); Cửa hàng thời trang Phú Mỹ Hưng tại số 03 Nguyễn Lương Bằng (Q.7); Nhà hàng Trung Hoa Thao Li tại Gian số 3SF-8-1, 3SB-9-1, 3SG-10-1, 3SH-11-1, 3ST-10-2, Khu phố Grand view, Phường Tân Phong, Quận 7; Nhà hàng Nam Phan tại 34 – 34A Võ Văn Tần (Q.3).
Địa chỉ 113 Hàng Gai, Hà Nội – trụ sở của cửa hàng Khaisilk lùm xùm với vụ 60 chiếc khăn – chính là trụ sở Chi nhánh Công ty TNHH Khải Đức tại Hà Nội. Giám đốc phụ trách Chi nhánh là ông Hoàng Mi (SN: 1971), một người thân của ông Hoàng Khải.
Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Khải cũng là một cái tên đáng phải kể đến trong "hệ sinh thái" doanh nghiệp của ông chủ Khaisilk. Doanh nhân Hoàng Khải chính là chủ doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp được thành lập ngày 23/09/2008, hiện đăng ký trụ sở chính tại số 06 Phan Văn Chương (Q.7), cũng là địa chỉ đăng ký của Công ty cổ phần Đầu tư Khaisilk; đăng ký ngành nghề hoạt động chính là kinh doanh bất động sản.
Doanh nghiệp này cũng có nhiều chi nhánh phụ thuộc như: Chi nhánh tại 170 Nguyễn Văn Hưởng - Phường Thảo Điền (Q.2); Chi nhánh Siêu thị Con Cung tại 179-181-183 Nguyễn Đức Cảnh, khu phố 4 - Phường Tân Phong (Q.7); Chi nhánh Phở ông Khải tại 56 Nguyễn Đức Cảnh, Khu Phố Mỹ Khánh 3-H11-2 - Phường Tân Phong (Q.7).
Hay một doanh nghiệp được mở gần đây hơn cả là Công ty TNHH Phở Ông Khải (Phở Ông Khải). Công ty này được thành lập ngày 17/04/2017, trụ sở chính tại tầng 1, số 03 Nguyễn Lương Bằng – P. Tân Phú (Q.7), đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là nhà hàng và các dịch vụ ăn uống lưu động.
Khi mới thành lập, Phở Ông Khải có vốn điều lệ 54 tỷ đồng, trong đó ông Hoàng Khải đóng góp 1 tỷ đồng (1,85%) và CTCP Kim Cương đóng góp 53 tỷ đồng (98,15%).
Một tháng sau, vốn điều lệ của Phở Ông Khải tăng lên mức 75 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu gồm: Hoàng Khải (22 tỷ đồng; tương ứng với 29%); CTCP Kim Cương (71%).
Phở Ông Khải do ông Hoàng Khải làm Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc.
Vậy còn CTCP Kim Cương (Kim Cương) có liên quan gì tới ông chủ Khaisilk?
Kim Cương được thành lập ngày 08/09/2004, đăng ký trụ sở chính tại Phòng 701 Lầu 7, Số 03 Nguyễn Lương Bằng, Phường Tân Phú, Quận 7 (Tp. HCM); do bà Lê Hoài Anh làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Công ty này được sáng lập và sở hữu bởi 5 cá nhân gồm: Phan Anh Đức; Hoàng Khải; Hoàng Phi Phi; Lê Hoài Anh; Lê Hoài Nam; Đoàn Anh Quân.
Cập nhật đến giữa năm 2014, Kim Cương có vốn điều lệ 200 tỷ đồng; Trong đó, phần đóng góp của ông Hoàng Khải là 95 tỷ đồng – chiếm tỷ lệ 47,5%.
Điểm lược một vài thông tin như trên, có thể thấy rằng, sự nghiệp kinh doanh của ông chủ Khaisilk thực sự rất đồ sộ, đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Đó không chỉ là vải vóc, lụa là và các sản phẩm thời trang; mà còn là bất động sản, chuỗi nhà hàng ăn uống. Mỗi lĩnh vực lại bao gồm nhiều ngạch, nhiều phân khúc sản phẩm.
Ông Khải là người chơi xe có tiếng và sở hữu nhiều dinh thự xa hoa. Được biết tháng 5 vừa qua, ông Khải cũng đã tậu thêm vào bộ sưu tập của mình một căn biệt thự thuộc dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Premier Village Phu Quoc Resort./.