Ông chủ BIM, tiến sĩ Đoàn Quốc Việt là một doanh nhân từng thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn và thương mại dịch vụ tại Ba Lan.
Sau khi bảo vệ thành công luận án nghiên cứu sinh tại Học tại viện Hàng không và Cơ học ứng dụng Đại học Bách khoa Warsaw, ông Việt không khởi nghiệp bằng nghề mình đã học mà kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn tại Ba Lan.
Năm 1994, ông quay trở về Việt Nam để sinh sống và kinh doanh. Trong một lần về nước, đi du lịch ở Hạ Long, ông cùng với vài người bạn loay hoay mãi không tìm được khách sạn như ý. Người bạn đề xuất: “Sao ông không đầu tư xây dựng khách sạn nào đó tại đây”. Ông Việt chợt nghĩ: “Ừ nhỉ, ngẫm cũng phải”. Thế là khách sạn tư nhân 4 sao Hạ Long Plaza ra đời thời gian sau đó.
Từ một phó tiến sĩ được đào tạo về lĩnh vực ứng dụng hàng không, đi kinh doanh khách sạn, đùng một cái, ông chuyển sang nghề nuôi tôm hay sản xuất muối. Các lĩnh vực này vốn chẳng mấy liên quan đến nhau.
Hạ Long cũng là nơi ông Việt đặt đại bản doanh và có nhiều dự án lớn tại nơi đây. BIM Group ngày nay đã trở thành một tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, thủy sản, thương mại, hàng không….
BIM từng có thời gian là cổ đông lớn của ngân hàng SHB. Con trai của ông Việt, ông Đoàn Quốc Huy, hiện đã cùng cha gánh vác cơ nghiệp.
Ông Huy tốt nghiệp cử nhân ngành phát triển bất động sản và kinh doanh tại đại học Marshall School of Business ( Nam Hoa Kỳ). Từ năm 2005 – 2008, Ông làm việc tại tập đoàn BIM ở các vị trí như: trợ lý Giám đốc Điều hành, Quản lý Marketing và phát triển thị trường.
Với thế mạnh về Bất động sản, từ năm 2008 đến nay, ông Huy được giao phó trách nhiệm dẫn dắt và phát triển CTCP đầu tư phát triển Syrena Việt Nam với hơn 16 dự án lớn tại khắp đất nước Việt Nam và Lào.
Ông Huy còn giữ các chức vụ quan trọng khác như: Phó Giám đốc điều hành của công ty đầu tư và phát triển sản xuất Hạ Long, Tổng giám đốc của Công ty cổ phần đầu tư BIM Foods, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Lifestyle…
Cuộc phiêu lưu với thị trường hàng không
Tháng 10/2010, Air Mekong là hãng hàng không tư nhân thứ 2 thực hiện khai thác sau Indochina Airlines.
Việc kinh doanh hàng không xuất phát từ nhu cầu đi lại thường xuyên của ông Việt và cũng bởi vì ông đã học ngành hàng không trước đây. Nhận thấy nhu cầu và những mảng thị trường còn trống, ông chủ BIM quyết định đầu tư mở hãng hàng không.
Từ đầu, Air Mekong nhắm đến những thị trường ngách, bay đến vùng hải đảo, tây nguyên đã để lại hình ảnh “sếu đầu đỏ” có ấn tượng tốt trong tâm trí khách hàng.
Ông Việt từng nhận định hàng không đem lại những cơ hội mới cho các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng của BIM và những nguồn lợi khác mà người bên ngoài khó nhìn thấy.
Sau một thời gian dài bay và lỗ quá lớn, Air Mekong đã phải dừng bay từ tháng 3/2013 để thực hiện “tái cấu trúc”, trong đó có việc thay đổi loại máy bay.
Chưa biết đến khi nào Air Mekong mới bay trở lại nhưng khi vào website của BIM Group thì không hề có một câu nào đả động đến hãng hàng không này, cứ như là Air Mekong không hề tồn tại.
Đại gia bất động sản nơi “tỉnh lẻ”
Trong khi các ông lớn bất động sản tập trung đầu tư vào các trung tâm như Hà Nội hay Thành phố HCM thì BIM lại có xu hướng đầu tư vào “tỉnh lẻ” như Quảng Ninh hay Kiên Giang.
Trụ sở BIM ở Quảng Ninh và tại đây, BIM có nhiều dự án bất động sản lớn như Khu đô thị Hùng Thắng (Hạ Long Marina) có tổng diện tích 287ha, nằm giữa Bãi Cháy và Tuần Châu. Trong quần thể này có nhiều dự án thứ cấp như Khu chung cư Green Bay, Khu nhà phố liền kề San Hô, Trung tâm thương mại Hạ Long Marine Plaza… Một số hạng mục của Khu đô thị này đã hoàn thành.
Mới đây, BIM đã ký thỏa thuận với InterContinental Hotel Group về việc sử dụng thương hiệu Crowne Plaza cho 2 dự án của Tập đoàn tại Viên Chăn (Lào) và Phú Quốc.
Tại Hà Nội, BIM cũng sở hữu tòa nhà Syrena Tower, bao gồm khu căn hộ dịch vụ Fraser Suites Hanoi.
Theo Trí thức trẻ
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu