Ôm nợ xấu hơn 11.400 tỷ đồng, Sacombank để cổ đông 9 năm “đói” cổ tức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tính đến 31/3/2024, tổng nợ xấu của Sacombank lên đến hơn 11.400 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này ở mức 2,28%, tương đương với thời điểm đầu năm nay.

Nợ xấu hơn 11.400 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB) ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 5.950 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm 12% so với cùng kỳ, xuống còn 578,3 tỷ đồng.

Ngược lại, thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 19% so với cùng kỳ, đạt 307,6 tỷ đồng.

Quý đầu năm, tổng chi phí hoạt động của Sacombank tăng 4% so với cùng kỳ, lên mức 3.543 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm tới 32%, chỉ còn 677 tỷ đồng. Kết quả, Sacombank lãi trước thuế 2.654 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ 2023 và thực hiện 25% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

stb.JPG

Tính đến cuối quý I/2024, quy mô tổng tài sản của Sacombank đạt 693.535 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 4% so với đầu năm, đạt 500.408 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tính đến ngày 31/3/2024 lên đến hơn 11.400 tỷ đồng, cũng tăng 4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức 2,28%, tương đương với thời điểm đầu năm nay.

Sacombank đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu cả năm nay ở dưới mức 2%. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 vừa diễn ra, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank, cho biết ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định, tổng số dư dự phòng hiện là 25.099 tỷ đồng, tăng 10,4%. Trong đó dự phòng cho vay tăng 34,3%, hoàn tất 100% đối với toàn bộ danh mục nợ bán VAMC.

Về phía nguồn vốn, huy động tiền gửi khách hàng của Sacombank đã tăng 4% so với đầu năm, đạt 533.358 tỷ đồng. Tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác và huy động từ phát hành giấy tờ có giá đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.

Cổ đông tiếp tục “đói” cổ tức

Những năm qua, ngoài vấn đề nợ xấu, câu chuyện cổ tức cũng là chủ đề được cổ đông Sacombank rất lưu ý tại các kỳ ĐHĐCĐ. Việc Sacombank 9 năm liền không chia cổ tức dù lợi nhuận giữ lại vượt 18.000 tỷ đồng cũng được “mổ xẻ” tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 mới đây. Một số ý kiến còn cho rằng Sacombank cố tình “ngâm” cổ tức.

Trả lời cổ đông về vấn đề này, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết ngân hàng phải hoàn được vốn điều lệ và nợ xấu giảm xuống dưới 3% thì khi đó mới đủ điều kiện chia cổ tức.

stbduong-cong-minh-1640157597402-6540.jpeg
Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh.

Theo quy định pháp luật, phải hoàn được vốn điều lệ thì mới tái cơ cấu thành công. Chúng tôi đã xử lý xong Khu công nghiệp Phong Phú, đã bán khoản nợ. Họ đã thanh toán một nửa số tiền mua nợ. Hiện nay, quan trọng là hoàn vốn điều lệ và xử lý nợ xấu. Còn số nợ liên quan đến ông Trầm Bê phải chờ Chính phủ cho phép. Chắc chắn trong năm nay sẽ hoàn thành việc này. Nếu như hoàn được vốn, Sacombank sẽ hoàn thành tái cơ cấu trong năm nay, ông Dương Công Minh nói.

Nói thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết ngân hàng đang thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập. Vướng mắc cuối cùng còn lại liên quan đến phương án xử lý cổ phiếu ông Trầm Bê.

Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án chi tiết và đang chờ phê duyệt. Nguồn lực để chia cổ tức đã sẵn sàng, với lợi nhuận chưa phân phối lên đến gần 18.400 tỷ đồng, tương đương gần 100% vốn điều lệ và sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Do đó, quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo.