Olympic Tokyo 2020: Vì sao Việt Nam trắng tay?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại Tokyo 2020 lần này Philippines đã có HCV ở môn cử tạ, còn Thái Lan đã có HCV môn Taekwondo, thậm chí Indonesia HCĐ môn cử tạ, còn Việt Nam chúng ta thì không có huy chương nào.
Đoàn Việt Nam gồm 18 VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020 . Ảnh TTXVN
Đoàn Việt Nam gồm 18 VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020 . Ảnh TTXVN

Thực ra, với nhiều nhà báo theo dõi thể thao thì điều này không quá bất ngờ. Không phải ngẫu nhiên mà ngành thể thao không đặt một chỉ tiêu huy chương cụ thể nào cho đoàn Việt Nam mà chỉ cố gắng động viên các VĐV nỗ lực hết mình.

Không có chiều sâu

18 VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020 là một con số tương đối tích cực nếu so với Olympic Sydney 2000. Chỉ có Olympic Rio 2016 là đoàn thể thao Việt Nam tham dự với số lượng VĐV đông hơn năm nay (23 VĐV thi đấu 10 môn). Nhưng rõ ràng về chất, chúng ta không có trong tay các VĐV có thành tích áp đảo đối thủ ở nội dung thi đấu sở trường.

Lực lượng của đoàn Việt Nam tới Tokyo là sự pha trộn giữa những gương mặt quen thuộc như Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) hay Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) kết hợp với các VĐV mới có lần đầu tham dự sự kiện thể thao này như Quách Thị Lan (điền kinh), Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội) hay bộ đôi Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung). Nếu đặt vào hy vọng thì vẫn là những Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn hay Nguyễn Tiến Minh.

Trong số này, Nguyễn Thị Ánh Viên và Nguyễn Tiến Minh đều đã ở bên kia sự nghiệp khi giai đoạn đỉnh cao phong độ của họ là ở London 2012 và Rio 2016. Giới chuyên môn cho rằng ngay cả khi được kì vọng cao nhất, họ cũng chưa bao giờ thật sự tiến gần đến cơ hội giành huy chương.

Trong khi đó, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - người mang về tấm chương vàng lịch sử cho thể thao Việt Nam tại Olympic Rio - thậm chí chỉ đến được Tokyo nhờ suất đặc cách. Đơn giản là anh thất bại ở các giải đấu có thể tích điểm đi Olympic bằng cửa chính.

Một hy vọng khác là lực sĩ Thạch Kim Tuấn môn cử tạ - người có lần thứ hai tham dự Olympic. Thành tích cá nhân 304 kg của Thạch Kim Tuấn đang trong top 4 và hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh tấm huy chương đồng. Nhưng vấn đề lớn nhất của anh chính là tâm lý thi đấu không được cải thiện so với 5 năm trước. Thành tích của Thạch Kim Tuấn ở nội dung cử giật là 126kg và không có thành tích ở nội dung cử đẩy sau khi thất bại ở cả 3 lần. Điều này khiến Tuấn không được xếp hạng.

Với “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên, thành tích 9 phút 03,56 giây của cô chậm hơn người về đầu Eve Thomas (New Zealand) tới 31,05 giây. Tính ở cả bốn nhóm, Ánh Viên đứng thứ 30 trong số 30 VĐV tham gia vòng loại 800m tự do nữ Olympic 2020. Cô gái sinh năm 1996 ở Cần Thơ bắt đầu thi đấu quốc tế 10 năm trước. Đến giờ thì cô thành công nhất ở đấu trường SEA Games với 25 HC vàng, đứng thứ năm trong danh sách những VĐV thành công nhất lịch sử Đại hội. Kình ngư Cần Thơ cũng từng vô địch châu Á, đoạt HC bạc FINA World Cup và HC đồng Asiad. Tuy nhiên, ở hai cấp độ cao nhất là giải vô địch thế giới và Olympic, Ánh Viên chưa thể giành huy chương bởi chúng ta vẫn chưa có được một ông thầy tầm cỡ nâng trình cho cô gái Vàng của bơi lội Việt Nam.

Sở dĩ người ta có quyền nuối tiếc bởi tại Olympic Tokyo 2020 nữ VĐV bơi lội người Hồng Kông Siobhan Haughey vừa làm nên lịch sử cho thể thao nước này khi giành liên tiếp hai huy chương bạc ở các nội dung 100m và 200m tự do. Tại giải Olympic trẻ 2014 ở Athen, Siobhan Haughey là VĐV giành huy chương bạc nội dung 200m hỗn hợp cá nhân nữ trong khi người giành huy chương vàng khi ấy chính là Ánh Viên.

Rời Olympic Tokyo 2020, đây là kỳ Olympic đầu tiên kể từ Athens 2004 chúng ta chia tay đại hội mà không giành bất cứ huy chương nào. Nhưng điều lo ngại hơn không chỉ trắng tay ở một kỳ Đại hội mà chắc chắn đây là kỳ Olympic cuối cùng của Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên, Tiến Minh hay cả Thạch Kim Tuấn trong khi chúng ta chưa có lực lượng kế cận. Nói chính xác thì ngoài Nguyễn Huy Hoàng môn bơi, các môn còn lại chưa thể phát hiện ra những tài năng xứng tầm để thay thế.

Kình ngư Ánh Viên cũng thi đấu không thành công. Ảnh TTXVN

Kình ngư Ánh Viên cũng thi đấu không thành công. Ảnh TTXVN

Chiến lược nào?

Lâu nay, thể thao Việt Nam thành công với chiến lược “nuôi gà chọi” nghĩa là tìm ra một số cá nhân trọng điểm để tập trung đầu tư. Tuy nhiên, nhìn vào thành tích của Ánh Viên - VĐV tiêu biểu cho chính sách trên - cho thấy chính sách này không hẳn là còn phù hợp nữa. Hay nói chính xác hơn, chiến lược này chỉ phù hợp với đấu trường SEA Games.

Cả Siobhan Haughey và Ánh Viên đều được ngành thể thao hai nước cho đi tập huấn dài hạn ở Mỹ. Trong khi Siobhan Haughey được tạo điều kiện trở thành sinh viên và đầu quân cho đội bơi của trường tham dự hệ thống NCAA vốn là cái nôi đào tạo những VĐV hàng đầu trên khắp nước Mỹ thì Ánh Viên lại khác. Ánh Viên chỉ mượn bể bơi, cơ sở tập luyện của Mỹ, còn bài tập, chương trình huấn luyện hoàn toàn được thiết kế bởi HLV Đặng Anh Tuấn. Tổng cục thể thao chỉ biết được thành tích qua các báo cáo từ Mỹ gửi về, chấm hết!

Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khi nguồn lực dành cho thể thao chưa nhiều họ cũng tập trung đầu tư trọng điểm cho VĐV với mục tiêu giành huy chương Olympic. Nhưng rõ ràng, họ vẫn có những chiến lược cụ thể để đạt dược mục tiêu. Đoàn thể thao Bermuda chỉ có 2 VĐV nhưng vẫn giành được 1 HCV. Bermuda là lãnh thổ hải ngoại của Anh, nằm trong Bắc Đại Tây Dương. Đây là hòn đảo nhỏ với diện tích chỉ là 53,2km², với dân số chỉ hơn 60.000 người.

Điều sẽ khiến các nhà quản lý thể thao Việt Nam đau đầu là tiếp tục đầu tư trọng điểm hay chuyển sang đầu tư một cách căn cơ, mở rộng cơ hội cho tất cả, hướng đến một nền thể thao phát triển bền vững. Muốn vậy Việt Nam phải chấp nhận một vài năm không có huy chương.