Nổ ở Brussels không phải đánh bom liều chết, 3 nghi phạm đều trốn thoát

Những kẻ khủng bố sân bay Zaventem ở Brussels không phải là các phần tử đánh bom liều chết. Một khẩu súng hóc đạn đã giúp Brussels thoát khỏi một cuộc thảm sát kinh hoàng.
Hai anh em Khalid và Brahim el-Bakraoui. Ảnh: AFP
Hai anh em Khalid và Brahim el-Bakraoui. Ảnh: AFP

Giới chức an ninh Bỉ ngày 23/3 cho biết hai anh em Khalid El Bakaraoui và Ibrahim Bakaraoui chính là thủ phạm thực hiện vụ đánh bom liều chết tại sân bay Zaventem ở thủ đô Brussels. Tuy nhiên, mạng tin tình báo Debka (Israel) dẫn các nguồn tin chuyên về lĩnh vực chống khủng bố nói rằng, hai nghi can này đã tẩu thoát và hiện còn sống. Cụ thể, bọn chúng đã không sử dụng đai nổ để kích bom, làm 14 người chết và hàng chục người bị thương. Các dữ liệu thu được trên màn hình chính tại quầy làm thủ tục của hãng hàng không American Airlines cho thấy, bọn khủng bố đã kích nổ nhiều trái bom giấu trong các túi hành lý đặt trên xe hàng, hoặc là dưới mặt sàn. 

Theo mô tả của bệnh viện và mạng xã hội ở Bỉ, sức nổ cùng với mảnh kim loại văng ra gây ra thương tích chủ yếu ở phần cơ thể phía dưới các nạn nhân. Trong khi đó, đai nổ gắn chặt vào phần bụng, lưng của kẻ đánh bom liều chết thông thường sẽ gây ra thương tích ở vùng ngực, thân trên. Người lái taxi từng chở hai kẻ khủng bố này cho biết, bọn chúng từ chối giúp đỡ đưa vali lên xe dù rất nặng, nhiều khả năng trong đó chứa các trái bom chết chóc. Hai anh em nhà Bakaraoui khi đó đều mang găng đen ở tay trái, rất có thể là nhằm che giấu nút điều khiển kích hoạt bom khi xe chở hành lý đi qua khu vực tiền sảnh.

Theo Debka, vụ tấn công sân bay Zaventem gây chấn động mạnh, thế nhưng đó mới chỉ là một phần trong kế hoạch của kẻ chủ mưu. Khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng – lực lượng nhận tấn công ở Bỉ, trước đó đã lên một âm mưu với tội ác còn khủng khiếp hơn. Điều này được củng cố bởi thực tế thu được tại hiện trường: Nhà chức trách phát hiện ra 3 chiếc túi đựng các bộ kit kích nổ, đạn, một bom đai, hai khẩu AK-47 tự đông, nhiều lựu đạn cầm tay – tất cả đều ở ở chế độ chờ. Cảnh sát sau đó đã tiến hành một vụ nổ có kiểm soát để tiêu hủy số chất nổ này.

Rất có thể, các thiết bị nổ trước đó được cài đặt chế độ sẵn sàng kích hoạt này là để nhằm vào các lực lượng cứu hộ, y tế, an ninh – những người sẽ xuất hiện đầu tiên khi xảy ra vụ nổ lần thứ nhất. Chất nổ được đặt ở các vị trí chiến lược, mà chỉ có những kẻ khủng bố thông thuộc sân bay hoặc là một nhân viên tại đây mới có thể thực hiện được. Khi kiểm tra hai khẩu AK-47 thu được, các điều tra viên phát hiện thấy một tên đã từng bóp cò, nhưng đạn bị hóc. Đây có thể là lời giải thích tại sao một cuộc “thảm sát” lớn đã may mắn được ngăn lại. Cụ thể, hàng trăm nhân viên an ninh, cứu hộ đã thoát chết, khi họ đã không bị mắc kẹt từ 3 hướng trong một quả cầu lửa. 

Nổ ở Brussels không phải đánh bom liều chết, 3 nghi phạm đều trốn thoát ảnh 1

Cảnh tượng sau vụ nổ tại sân bay Brussels ngày 22/3.

Các đơn vị an ninh, cảnh sát Bỉ đang ráo riết truy lùng một mạng lưới gồm ít nhất 20 phần tử hồi giáo cực đoan – nhóm chắc hẳn đã dành nhiều tháng trời để lên kịch bản thực hiện các vụ đánh bom ở sân bay, ga tàu điện ngầm ở ngay Brussels, trái tim của châu Âu. Thế nhưng hiện có rất ít các manh mối tình báo. Kế hoạch của quân khủng bố hẳn nhiên gồm nhiều mục, từ do thám liên tục, nghiên cứu địa điểm mục tiêu, cho tới đầu mối cung cấp vũ khí, bảo đảm hậu cần, tài chính, liên lạc và tuyến đường thoát thân – Debka nhìn nhận. 

Trang mạng này cũng cho rằng, hai anh em nhà Bakraoui – những tên từng được xem là kẻ đánh bom liều chết, giờ phải được xác định là nghi can thuộc diện điều tra, vây bắt, hệt như tên còn lại là Najim Laachraoui, 25 tuổi, kẻ chế bom “cao cấp” của IS ở châu Âu từng dính líu đến vụ thảm sát Paris hồi tháng 11/2015. Truyền thông Bỉ hôm 23/3 tuyên bố cảnh sát đã bắt được Laachraoui, nhưng sau đó đã rút lại thông tin này. 

Theo Tin tức