Kể từ khi quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắn hạ máy bay thám thính RF-4 của Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) bên trên Địa Trung Hải vào tháng 6-2012, TNK đã bắn rơi ít nhất 6 máy bay chiến đấu, trực thăng và không người lái của Syria với cáo buộc vi phạm không phận.
Kẻ săn mồi thầm lặng
Theo báo The National Interest (Mỹ), vụ bắn chiếc Su-24 của Nga vừa qua thực ra là cực điểm của cuộc đấu gay go giữa 2 bên và thể hiện mong muốn của TNK giúp đỡ các “đồng minh” ở Syria.
Vậy thì TNK đang sở hữu loại vũ khí gì có thể khiến người Nga phải chùn bước? Trước hết, phải kể đến chiến đấu cơ đa năng F-16 và tên lửa không đối không tầm trung AIM-120. Không lực TNK hiện có gần 250 chiếc F-16, gồm cả 30 chiếc loại Block 50+ (phiên bản mới nhất của F-16, chiến đấu cơ đa năng thế hệ thứ tư). Ngoài ra, được Mỹ cho phép, TNK đã sản xuất và vận hành các phiên bản F-16 khác nhau từ giữa những năm 1980.
Tiếp đó, tên lửa AIM-120 do Mỹ chế tạo mà TNK đã sử dụng để bắn hạ Su-24 của Nga hôm 24-11-2015 là “đối tác sát thủ” cùng F-16. Nhờ tầm hoạt động khoảng 50 km, tên lửa AIM-120 giúp F-16 trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với không lực Nga vốn được trang bị tối tân và được huấn luyện trình độ cao.
Thêm vào đó, hệ thống radar gây nhiễu âm di động KORAL là nguồn bổ sung mới nhất làm tăng thêm năng lực chiến tranh điện tử của quân đội TNK. Với tầm hoạt động khoảng 150 km, KORAL có thể gây nhiễu âm và đánh lừa bất kỳ hệ thống radar nào trên đất liền, trên biển hay trên không. Từ đó, KORAL có thể “che mắt” các hệ thống vũ khí của Nga có nguy cơ đe dọa quân đội TNK.
Ngoài ra, hải quân TNK còn sở hữu 4 tàu ngầm lớp Gür - một trong những loại tàu ngầm diesel điện tử “chiến” nhất thế giới, được trang bị tên lửa đối hạm Harpoon cũng như các ngư lôi hạng nặng Tigerfish (do Anh chế tạo) và DM2A4 (do Đức chế tạo). Tàu ngầm TNK cũng trở thành những kẻ săn mồi thầm lặng, nguy hiểm nhờ được trang bị các hệ thống dò tìm và nhắm bắn, đe dọa các tàu chiến Nga ở Đông Địa Trung Hải.
Vũ khí nguy hiểm khác của TNK đối với Nga là đội tàu hộ tống tàng hình lớp Ada, được trang bị 8 tên lửa Harpoon Block II, đại bác siêu nhanh OtoMelara 76 mm và một số vũ khí khác. Cuối cùng, biệt kích SAT - lực lượng tinh nhuệ nhất của TNK, có thể xâm nhập sau phòng tuyến của kẻ thù từ trên không, đất liền hoặc biển - là mối đe dọa đáng sợ đối với tàu chiến của Nga ở Địa Trung Hải.
Mối nguy rõ rệt
Trong khi đó, ngoài hệ thống tên lửa đạn đạo hùng mạnh - không đề cập trong bài viết này - Nga có hơn 80 máy bay chiến đấu ném bom Su-34, gồm cả 15 chiếc đang có mặt ở Syria. So với F-16 của TNK, Su-34 có thể mang theo nhiều vũ khí và nhiên liệu hơn để hoạt động tầm xa hơn. Với khả năng tự vệ và hoạt động trên cao tốt hơn, Su-34 là đối thủ khó chơi đối với F-16 của TNK.
Su-34 còn là đối thủ nguy hiểm hơn nhờ loại tên lửa không đối không mà nó được trang bị, AA-10 và AA-12. Đặc biệt, với tầm xa 100 km, so với 50 km của tên lửa AIM-120 do Mỹ chế tạo, AA-12 có thể gây tổn thất lớn hơn.
Thêm nữa, đài làm nhiễu âm mặt đất Krasukha-4 của Nga có thể phá sóng các trạm radar trên mặt đất cũng như trên không và làm thiệt hại lâu dài các thiết bị vô tuyến điện đối phương. Với tầm hoạt động 300 km, Krasukha-4 giành ưu thế trước hệ thống KORAL của TNK. Báo The National Interest xác nhận lực lượng Nga ở Syria đã được trang bị Krashuka-4.
Tuần dương hạm lớp Slava của Nga cũng là công cụ chiến đấu trên biển và phòng không cực kỳ hiệu quả. Loại tàu chiến này thực sự là một pháo đài nổi khi được trang bị 16 tên lửa đối hạm P-500 Bazalt, 64 tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU Favorit, 2 tên lửa đất đối không tầm ngắn OSA-M, radar tìm kiếm và theo dõi 3D cùng các radar “ngoài đường chân trời”.
Đặc biệt, tầm hoạt động của lực lượng đặc nhiệm Nga (biệt kích) rất rộng, gồm tuần tra tầm xa, trinh sát, gián điệp, lật đổ, chiến tranh du kích và ám sát. Lính biệt kích tinh nhuệ của Nga có lẽ là mối nguy hiểm rõ rệt nhất đối với TNK hiện nay. Trong lúc cuộc chiến với lực lượng người Kurd ở miền Đông Nam trở nên quyết liệt hơn và người tị nạn Syria tiếp tục kéo đến TNK, Ankara không thể không nghĩ đến tình huống lực lượng biệt kích được huấn luyện cao độ của Moscow thâm nhập lãnh thổ nước này và gây náo loạn.
Trong mỗi cuộc khủng hoảng quốc tế gần đây mà Nga tham gia, các đối thủ của họ đều hứng chịu những vụ tấn công mạng. Trong cuộc khủng hoảng với Estonia năm 2007, cuộc chiến với Georgia năm 2008 hay cuộc chiến ở Đông Ukraine năm 2014-2015, Nga đều chứng tỏ sự vượt trội cả chất lượng và số lượng về chiến tranh mạng. TNK không thể xem thường vũ khí mạnh mẽ này của Nga, cùng với năng lực của Moscow trong chiến tranh tâm lý.
Syria - Nguồn gốc căng thẳng
Syria là nguồn gốc căng thẳng chính giữa Ankara và Moscow ngay cả trước khi máy bay F-16 của TNK bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga hôm 24-11-2015. Đối với TNK, gây áp lực lên chiến dịch không kích của Nga ở Syria là cách đoan chắc một lần nữa rằng các nhóm nổi dậy dưới sự bảo hộ của Ankara tiếp tục chống lại chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Ngay từ khi nổ ra cuộc nội chiến Syria hồi đầu năm 2011, Nga và Iran đã hậu thuẫn cho chế độ Assad. Trong khi đó, TNK cùng với Ả Rập Saudi, Qatar và Mỹ ủng hộ quân nổi dậy chống Tổng thống Assad.
Theo NLĐ