Theo Vietnamplus, ông Rodrigo Duterte sẽ trở thành chủ nhân của Điện Malacanang với nhiệm kỳ 6 năm và sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ cả về đối nội và đối ngoại.
Với cương lĩnh tranh cử táo bạo và lập trường cứng rắn, ông Duterte đã thu hút cử tri bằng hình ảnh một vị lãnh đạo dân túy, quyết đoán, dám nghĩ dám làm, dù có những phát ngôn gây sốc.
Người dân Philippines cũng chính vì thế mà đang chờ đợi vị tân tổng thống sẽ có những bước đi mạnh mẽ và hiệu quả nhằm giải quyết những khó khăn và những vấn đề nhức nhối trong xã hội như bất bình đẳng, tỷ lệ tội phạm cao, hệ thống pháp lý yếu kém, nạn tham nhũng tràn lan, cơ sở hạ tầng xuống cấp và hàng loạt các vấn đề khác.
Philippines hiện nay vẫn là một trong những nước có tỷ lệ bất bình đẳng cao nhất ở châu Á dù tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước này ở mức khá cao (5,8% năm 2015).
Các thành quả của tăng trưởng kinh tế chưa được phân phối tới các khu vực nông thôn: có tới 5% dân số sống dưới mức nghèo khổ, 15% chỉ vừa đủ nhu yếu phẩm, gạo là nguồn thực phẩm chính nhưng giá liên tục tăng, tỷ lệ lao động tạm bợ và thất nghiệp trong giới trẻ lên tới 25%.
Nền kinh tế quốc gia này chủ yếu dựa vào nguồn ngoại tệ được gửi về từ lực lượng lao động xuất khẩu sang các nước khác.
Philippines cũng là quốc gia thường xuyên phải hứng chịu thiên tai như bão lụt, động đất... ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế. Khoảng cách về thu nhập đã và đang là nguồn cơn sinh ra các tội phạm.
Ngoài ra, tình trạng xung đột đòi ly khai ở Mindanao (miền Nam Philippines) kéo dài nhiều thập kỷ qua khiến hơn 150.000 người thiệt mạng cũng là một thách thức lớn. Mặc dù trong nhiệm kỳ vừa qua, chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino đã đạt được thỏa thuận với Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) để chấm dứt tình trạng bạo lực, theo đó chính phủ cam kết trao quyền tự trị lớn hơn cho khu vực này, bao gồm cả nghị viện và cảnh sát.
Tuy nhiên, đạo luật đã bị chặn lại tại Quốc hội từ nhiều tháng nay và bạo lực tại Mindanao có chiều hướng gia tăng.
Trong khi đó, các nhóm cực đoan có xu hướng ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, như Abu Sayyaf, gia tăng các hoạt động khủng bố, mới đây nhất là vụ hành quyết con tin người Canada. IS còn dọa Philippines sẽ là một trong những mục tiêu tấn công của tổ chức này ở khu vực Đông Nam Á.
Vì thế, 2 nhiệm vụ chính của tân Tổng thống Philippines là nỗ lực duy trì thành tích tăng trưởng kinh tế và giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.
Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế nước này có thể đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2016 nhờ sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước, song để những thành tựu đó lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân, nhất là dân nghèo ở các vùng nông thôn khó khăn hay hẻo lánh, xa xôi… là nhiệm vụ không dễ dàng.
Trong cương lĩnh tranh cử, ông Duterte cũng cam kết xóa sạch tình trạng tội phạm trên toàn quốc trong vòng 6 tháng bằng “bàn tay sắt” nhằm giải tỏa những lo ngại của người dân về vấn đề an ninh.
Ông sẵn sàng ra lệnh cho các lực lượng an ninh bỏ qua hệ thống tư pháp không hiệu quả và tiêu diệt hàng chục nghìn tội phạm mặc dù chiến thuật này có thể cấu thành tội giết người hàng loạt nhưng ông sẽ tự tha thứ cho mình.
Về tình hình bất ổn ở miền Nam Philippines, ông cam kết nỗ lực đưa các nhóm nổi dậy vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột ở Mindanao.
Về đối ngoại, tân tổng thống sẽ phải đối mặt với bài toán là mối quan hệ căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Dưới thời Tổng thống Aquino, Manila đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các hành động “gây hấn” của Trung Quốc và thậm chí kiện Bắc Kinh lên Tòa án Trọng tài thường trực tại La Haye (Hà Lan). Dự kiến, Tòa án sẽ ra phát quyết về vụ kiện này vào tháng 6 tới.
Ông Duterte cho biết sẽ xem xét khả năng tổ chức các cuộc đàm phán song phương với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông nếu các cuộc thảo luận hiện nay không mang lại kết quả. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ việc kêu gọi đàm phán đa phương với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản và các nước có tranh chấp khác.
Giới chuyên gia nhận định dù ông Duterte có thể sẽ không tiếp tục chiến lược đối đầu với Bắc Kinh như chính phủ tiền nhiệm, nhưng ông cũng sẽ không thay đổi hoàn toàn chính sách với Trung Quốc trong ngắn hạn, nhằm duy trì một chính sách cân bằng với Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, những phát biểu của ông trong khi tranh cử đang đặt ra một thách thức với Washington. Khó có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra trong quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines trong thời gian tới.
Là người chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, nên việc Philippines sẽ xử lý như thế nào mối quan hệ với các cường quốc, đặc biệt là quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
Năm 2017, Philippines sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập hiệp hội, và ông Duterte sẽ phải tận dụng vai trò này để củng cố, thúc đẩy sự đoàn kết nội khối, góp phần phát triển Cộng đồng ASEAN, qua đó khẳng định uy tín và vị thế của Philippines.
Có thể nói việc hiện thực hóa những cam kết tranh cử một cách hiệu quả nhằm mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Philippines, giải quyết thỏa đáng vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời khẳng định được vai trò và vị thế của Manila trong khu vực và trên trường quốc tế là những nhiệm vụ đầy khó khăn đối với ông Duterte.